Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 386
Trong tuần: 3175
Lượt truy cập: 5722121


AI ĐÃ THẤY BỤI PHẤN RƠI TRONG CUỘC ĐỜI MÌNH!
Lượt xem: 417

 

 

 

AI ĐÃ THẤY BỤI PHẤN RƠI TRONG CUỘC ĐỜI MÌNH!

 

TG: Mai Hữu Thành

 

Chiều hôm nay, lang thang trong nỗi niềm những ngày đầu tháng 11 chớm đông. Trời se lạnh, mưa lất phất thấm vào những ngày bão nổi, những con đường dẫn lối nhỏ chớm chút hoa Hoàng Yến vàng rụng. Phố núi chiều thêm đượm màu cũ, nhưng lòng người thì bỗng ấm lạ lùng vì đây đó, có thứ tình cảm nhẹ nhàng của cuộc đời đang háo hức viết và ca ngợi về nghề giáo bằng những lời thương yêu nhẹ nhàng, sâu lắng.

buiphan

Nhớ hồi nào - có một lần nghe bài hát, trong lời có đoạn viết về tình cảm nhớ nhung của  người trò nhỏ về người cô của mình thuần một màu cũ bạc; đó là phấn trắng, “phủ mờ, mái tóc ” đã hết tuổi thanh xuân, tự nhiên mà chạnh lòng và thấy mình có lẽ rồi sẽ đến một ngày như thế.

Nhưng…băn khoăn lớn nhất của đời giáo là tụ nhủ; Không biết ngày nào đó, có trò nào lục lại kí ức lại mà nhớ đến mình, dù có thể không hiển hiện đẹp và thuần khiết như trong bài hát nọ, nhưng chí ít cũng thoáng qua hình ảnh ông giáo già trên bục giảng với bụi phấn bay bay.

Nghĩ đến vậy, rồi cũng có chút nao nao!

Nhưng đúng là đời cho cái phúc phần của nghề dạy học, ít nhất là hôm qua khi nhận được cuộc gọi điện từ một cậu nhóc ngày nào còn chủ nhiệm lúc mới ra trường về mảnh đất này. Em nói nhiều thứ; trách móc - có, kể chuyện cũ  - có, tâm sự đời riêng- có; kể cả là cu cậu rủ rê tôi “làm vài ly” cho thỏa thời học sinh “không được chung mâm, chung bàn” -  cũng có, và thứ đó thì tôi “chịu trận”.

Cuộc trò chuyện vơi đầy trong nhiều thứ cảm xúc thầy -  trò, của mối lương duyên xưa cũ, rồi bất chợt em quay sang nói về nghề dạỵ học. Ngoài sự so sánh đến nao lòng về lương bổng, em cũng đúc kết thay cho tôi và các đồng nghiệp về nghề dạy học: ĐÓ LÀ NGHỀ CAO QUÝ!

Thưa quý đồng nghiệp!

Vẫn biết là nghề cao quý nhưng có khi cũng ít người hiểu nó cao quý ở những khía cạnh nào.

Có người thì bảo vì nó là nghề chăm dưỡng, vun trồng cho thế hệ mai sau, theo đúng tinh thần cái ngữ “cultus” và “ēducātiō  trong tiếng latinh về khoa học giáo dục;

Có người phân tích và đồ rằng; vì nó là nghề “tưới tắm cho trí tuệ, tinh thần” con trẻ nên đời gọi “kĩ sư tâm hồn”;

Cũng có người triết giải; vì đó là nghề đặc biệt: “Trồng người”, và vì bằng thứ công cụ mà không nghề nào có đó là dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, để sản phẩm của anh ta cũng là một nhân cách, chứ không phải là của cải vật chất đủ đầy, máy móc tối tân hay công trình đồ sộ của khối sắt thép khô ráp ngoài kia…

Lẽ vì thế mà người ta ca ngợi rằng:

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta gọi là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm’’

Tôi cũng không dám phân tích thêm tính cao quý từ nghề dạy vì các cụ nói hết rồi, nhưng luận thêm về sự cao quý, tôi xin góp phần thêm cái nhìn về những thứ luôn đồng hành và làm nên cái nghề cao quý suốt năm tháng của nguời Thầy bằng những thứ đơn giản khác – vốn hằng hữu hiện diện trong đời của họ. Đó là viên phấn bảng. Vì tôi thấy, có những cái nhỏ nhặt, ít khi nghĩ tới.. nhưng đôi khi nó ẩn chứa những điều lớn lao hơn nhiều nếu ta biết nhìn nhận bằng sợi dây tình cảm và bởi mối liên hệ tinh tế nào đó đủ để viết thành lời.

Thưa quý đồng nghiệp !

Trong thực tế, khi nói nghề cao quý, cũng nhiều người thường liên tưởng đến sự đồng hành làm nên thương hiệu nghề ‘‘cao quý’ bằng nhiều vật dụng khác của nghề dạy, đó có thể là những trang giáo án; những phương pháp dạy hay đơn thuần là cây thước kẻ, compa, … nhưng kì thực không gì đẹp và ý nghĩa bằng viên phấn và thứ được mài dũa từ thân phận của nó dứt ra, gói mình vào những nét chữ gan ruột của thầy cô trước khi tan vào hư vô, đó là bụi phấn.

Một tác giả khuyết danh từng nói: Những gì thầy cô viết lên tấm bảng cuộc đời không bao giờ tẩy xóa được”. Eugene P. Bertin cũng từng lưu ý rằng : ‘‘Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn”.

Trong hai câu nói ấy, tôi tự thấy hình ảnh viên phấn là rõ ràng hơn cả theo cả nghĩa đen lẫn bóng và cuộc đời học sinh hẳn lả phải ít nhất một lần in những dòng chữ, những lời hay ý đẹp qua nét chữ của thầy trên bảng nên cũng chẳng chút xa lạ nào.

Nét chữ thể hiện qua viên phấn trắng, không chỉ đơn thuần là nết người, mà còn là kiến thức, tâm tư, trăn trở của thầy và cả một thế giới bao la đang mở ra trước mặt người học.

Đánh đổi cho những con chữ có thể ra đời, xếp hàng ngay ngắn trên bục giảng, chúng ta dễ thấy được mồ hôi, công sức của người dạy; cách thức trình tự tư duy người dạy; tâm tính người dạy; thậm chí là độ cẩu thả hay chỉn chu, khoa học hay không khoa học của người dạy; kể cả việc nét chữ viết ra cũng là lúc những viên phấn trắng cũng tự bào mòn thân thể, hóa mình trước khi tan vỡ thân phận thành bụi trắng như góp phần vào bài giảng cho tri thức nở hoa.

Mỗi dòng chữ viết lên bảng là mỗi lần bụi phấn rơi cũng là lúc mang theo nhiều kì vọng từ thầy. Dù xóa đi hay viết lại thì sự kì vọng đó chưa bao giờ dập tắt, đứt đoạn hay lụi tàn. Việc viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết thêm bao nhiêu lần nữa, không làm mất đi động lực người thầy hay mục tiêu, tri thức của bài dạy mà chỉ tô đậm, chất đầy thêm những kì vọng lớn lao và sự lặng thầm có bề dày tầng tầng lớp lớp như trầm tích qua năm tháng không mệt mỏi của người dạy học.

Viết rồi xóa, xóa rồi viết…cũng nhẹ nhàng như những ngày đến lớp và cũng nhẹ nhàng như cuộc đời của họ.

Bụi phấn trắng, cánh phượng hồng, mầu mực tím, bảng đen, căn phòng vàng cũ với những mái đầu xanh cũng thường tạo nên bức tranh đặc sắc của nghề dạy. Màu sắc đó là màu của hi vọng, của cả hi sinh, của ước mơ và cả những nhân duyên hội tụ và chia xa trong từng thế hệ.

Màu phấn trắng cũng dễ biểu hiện cho đức tính trong sạch, chẳng chút vướng lợi danh phù phiếm. Biểu trưng cho sự giản đơn, thanh đạm của nghề dạy.

Bụi phấn rơi cũng chẳng gây tiếng động bao giờ, nó như cuộc đời của người thầy “lặng lẽ đi về sớm trưa” trên chuyến đò đẳng hướng, để “dòng người, từng ngày qua ngày, êm đềm trôi mãi” về bất cứ ngã rẽ nào có thể. Viên phấn lúc hóa kiếp mình thành bụi đã kể biết bao chuyện đời, chuyện người, chuyện học, chuyện Đông – Tây, kim – cổ, chuyện học, chuyện hành.v.v…ẩn mình trong những dòng chữ vốn được tuôn ra từ suối nguồn cảm cảm hứng bất tận của người Thầy, nhưng nó chưa một lần kể về sự hóa thân mình vào kiến thức, tựa như “những điều thầy chưa kể” về cuộc đời thầy vốn thăng trầm sóng gió, khó khổ chẳng một lần than.

Nó cũng không chờ mong một tiếng động vang trời làm nó bay nổi lên trong không gian người dạy – người học, vì như thế dể làm người khác tổn thương về sức khỏe. Hơn nữa, còn là vì nó ý thức rằng; nghề dạy không cần có sự tung hê, kể lể, thùng rỗng kêu to, sáo rỗng để bước trên thứ nhung lụa vô thường.

Phấn cũng cho ta liên tưởng về kiếp người sinh ra từ cát bụi, được tôi luyện mà thành hình, rồi đến lúc phải biết hi sinh, tan vào hư không vì việc lớn “trồng người”, rồi trở về với cát bụi, nhẹ tựa mây trôi. Không muốn vướng bận đến ai bao giờ. Có chăng trước lúc yên về với gió bụi, những hạt nhỏ li ti ấy “chỉ dám” phủ kín mái đầu người cầm tay “chỉ dấu” hóa thân nó – tức là Thầy, không phải vì oán hận mà vì muốn để lại “dấu vết” ám chỉ đức tận hiến của họ vì những thế hệ học trò, và cũng là nhắc con cháu ta không được phép quên ai là người dạy dỗ.

Ngày nay, nhiều người bảo giáo viên là “sướng”, vì không dùng bảng phấn, mà dùng bảng mêca như giải pháp ưu tiện, nhưng đó là lầm, vì khi giảng bài với phấn trắng, bảng đen mới cho người dạy cảm giác chân thực của người giáo viên đứng trên bục giảng, đó là cảm giác cổ điển, chính thống với một không gian đậm chất tình, chất người, chất nhân sinh quan minh lạc. Phấn bảng cho mình thấy rõ ràng con chữ, kiến thức và tâm huyết cuả thầy; thấy cả nhân cách và cái tâm, cái tầm của họ.

Chỉ có bảng và phấn mới cho ta cảm nhận sấu sắc nhất về nghề giáo, về nhà trường; về nghề “trồng người”. Cái thứ bụi trắng đó cho ta sức mạnh kì diệu vì nó như là bụi thời gian đánh dấu lại dấu vết nghề dạy và dấu ấn của người thầy đó là như thế nào trong tâm trí, tình cảm học sinh, cũng như biểu thị dấu vết của những gian khổ nghề giáo.

Có thể nói, đời người đi qua năm tháng bằng những ước vọng lớn lao, nhưng lại được xây đắp và đồng hành từ những điều, những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt. Ví như cái thưở học trò người ta kì vọng vào một sự trưởng thành lớn lao của các em khi đặt cạnh những hi sinh giản đơn của thầy cô, cũng những hạt bụi phấn rơi li ti trên bục giảng.

Phấn bảng và thầy cô có lẽ  là những hình ảnh đầu tiên người ta nhắc đến nghề dạy học. Khi bụi phấn bay lên là những con chữ nối hàng ra đời, tựa như các thế hệ nối nhau trưởng thành. Và vì thế, bụi phấn cũng góp một phần làm nên con người tùy theo mức độ nhiều ít.

Sự xô cuốn của dòng đời sống vội thường khắt khe, nên ít người quan tâm liệu có bao nhiêu lần nhìn thấy bụi phấn rơi và cũng ít khi tự hỏi bao nhiêu lần nhìn thấy mà lòng họ có chút bồi hồi, xúc cảm. Nhưng, dù có để ý hay không đi nữa, thì bụi phấn cũng vẫn rơi, vẫn nhuộm mái đầu những con người có đức hi sinh thầm lặng; nhuộm bạc những năm tháng rong ruổi trong bốn góc phòng chật hẹp, để mở rộng tầm mắt của những đứa trò nghèo. Vì thế, giả sử nếu đến lúc nào đó có ai tự hào vị sự thành đạt của mình thì nên tự vấn nhớ về những ngày hàng triệu bụi phấn đã rơi trên bục giảng của thầy và rơi trong cuộc đời học trò tươi đẹp của họ.

Thưa quý đồng nghiệp!

Người ta bảo nghề giáo là nhàn. Nhưng làm gì có nghề nào nhàn? Nếu có chắc chắn không phải là nghề giáo. Có nghề nào nhàn khi tối vẫn soạn bài, vẫn chong đèn chấm bài cho học sinh? Vẫn bỏ ra hơn cả ngày thấm mệt vì những đứa học trò ngỗ ngược? Có nghề nào nhàn khi nói hàng giờ đồng hồ khan cả cổ khi đứng lớp chi đổi lại cái gật đầu và 5 chữ : “Xin thưa! Con đã hiểu” của học trò? Và có nghề nào anh phải đứng ra nhận nhiệm vụ lớn lao dám đảm trách cả một nhân cách, số phận con người như họ?

Chúng ta có rất nhiều lần trong cuộc đời lục lọi quá khứ, có thể vì thời vang bóng hoặc chỉ đơn thuần vì chút xuyến xao, dẫu đau đáu hay bất chợt vẫn có một lần thấy bụi phấn rơi trên bục giảng. Và ít nhiều nhận được kiến thức về cuộc sống, về cuộc đời, về cách làm người của những người thầy, người cô ấy.

Vì thế, ngày nào thật rảnh rỗi, thay vì hình dung mờ nhạt thì hãy về lại góc bàn ngày nào còn đến lớp, chăm chút ngắm nhìn hạt phấn rơi như là một thứ quà tặng cuộc đời, để ta thấy giá trị làm người bắt đầu từ bục giảng và rồi giặn lòng mình về một cuộc nợ ân tình khó trả với những người ta gọi là “THẦY CÔ”.

Quý gửi các đồng nghiệp trường THPT Đoàn Kết nhân tháng kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2017

 

 



 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai