Đang truy cập: 34 Trong ngày: 887 Trong tuần: 3520 Lượt truy cập: 6536973 |
Tên: Trần Thúy Nga
Lớp: 12a1
Trường: THPT Đoàn Kết
BÀI DỰ THI CUỘC THI “VIẾT VỀ CUỐN SÁCH TÔI YÊU”
Tôi là Nga, Trần Thúy Nga học sinh lớp 12a1. Mọi người vẫn thường gọi tôi là Nga Stronger (Nga Mạnh Mẽ). Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi lại có cái tên đó đúng không? Nó xuất phát từ một biến cố đã xảy ra gần ba năm về trước, khi tôi còn là một cô bé mười sáu tuổi ngây thơ và nhiều mơ mộng. Tuổi mười sáu, cái tuổi ở lưng chừng giữa con nít và người lớn, cái tuổi thật đẹp khi con người ta chưa phải vướng bận nhiều về chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Cô bé tôi mười sáu tuổi khi ấy cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, ngày ngày cắp sách đến trường, được sống và cháy hết mình cho những ước mơ với bầu nhiệt huyết đang sục sôi trong lòng. Nhưng rồi những ngày tháng tươi đẹp đó cũng phải khép lại, khi tôi nhận được kết quả sinh thiết từ Bác sĩ rằng tôi bị ung thư. Con bé mười sáu tuổi với đôi mắt trong veo nhìn cuộc đời khi đó đã ngơ ngác và hoảng loạn biết bao. Tôi của mùa hè năm ấy tưởng chừng như đã chết vùi trong ước mơ của tuổi mười sáu. Khóc thét trong vô vọng, cô lập và sợ hãi. Tôi cũng đã từng ước căn bệnh đó không rơi trúng tôi… Rằng tôi sẽ lại được sống một cuộc đời bình thường như trước kia… Nhưng cuộc đời đã chọn tôi phải chịu nghịch cảnh thì ngoài việc đối mặt và chiến đấu tôi còn có lựa chọn nào nữa đâu. Tôi còn quá trẻ, còn quá nhiều điều ấp ủ chưa thực hiện và hơn bất cứ điều gì khác tôi sợ ba mẹ tôi sẽ đau lòng, tôi sợ họ sẽ phải khóc thật nhiều nếu lỡ tôi có chuyện gì xảy ra… Nên tôi không cho phép mình gục ngã, tôi không cam tâm để số phận khuất phục mình. Và rồi tôi đã chiến thắng “căn bệnh tử thần” như một phép màu trong sự ngạc nhiên, vui sướng và cả xúc động của những người yêu thương tôi. Cho đến bây giờ, khi nghĩ về những tháng ngày đã qua, tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho tôi những trải nghiệm thật quý giá mà không phải ai cũng “may mắn” có được và “ung thư theo một cách nào đó cũng chính là một cơ hội để ta nhìn lại chính mình, là một mảnh hy vọng và là một lý do để chiến đấu.” Và cũng chính vào lúc tâm trạng của tôi đang còn nhiều ngổn ngang thì cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của cặp vợ chồng nhà báo Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy cùng lấy bút danh là Phạm Lữ Ân do nhà xuất bản hội nhà văn cùng Phương Nam book ấn hành đã đến nhưng một tia nắng ấm, một liều thuốc tinh thần vực dậy tôi, giúp tôi vững vàng hơn với “cơn bão dữ” của cuộc đời mình.
Đã hơn 5 năm kể từ ngày xuất bản, nhưng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” chưa bao giờ thôi làm xốn xang trái tim của biết bao bạn đọc may mắn được một gặp gỡ. Nó trở thành cuốn sách best seller với hơn 14 lần tái bản. Lần đầu cầm trên tay cuốn sách nhỏ này tôi đã có một cảm giác rất lạ, nó như là một “sinh mệnh” được tao nên từ chính sự hòa hợp nơi tâm hồn của cặp vợ chồng nhà văn. Chắc có lẽ vì điều này đã làm cho một cuốn sách mang nhiều triết lý nhân sinh như “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” Không những không khô khan mà lại còn rất giàu tình cảm và dễ đi vào lòng người đến vậy. Chỉ là hơn 40 bài tản văn thôi nhưng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” thật sự là những trang viết chất lượng, là bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết sau hơn mấy mươi năm kinh nghiệm của một cặp vợ chồng cộng lại. Cuốn sách cứ như là một người bạn lớn đầy bao dung và vững chãi, có khi lai như một nhà tâm lý học đầy thấu hiểu và nhiều lúc lại chính là những trăn trở nội tai bên trong con người tôi được tác giả nhìn thấu một cách tận tường, sâu sắc.
Trong bài “Ngược dòng nước mắt” là những dòng viết khiến tôi và chắc hẳn bạn cũng sẽ không khỏi giật mình như tôi vì đôi lần đã vô tâm, hời hợt với cha mẹ của mình. Chúng ta luôn đòi hỏi, trách khứ rằng: “Tại sao ba mẹ không hiểu ta?” Nhưng có bao giờ ta tự hỏi rằng: “mình có thật sự thấu được nỗi lòng của cha mẹ không?” Phải chăng vì chúng ta biết rằng tình yêu ba mẹ dành cho ta là vô điều kiện, là cho đi mà không cần đáp lại. Phải chăng chúng ta nghĩ rằng sẽ còn có thể gặp mặt, còn nhiều cơ hội để yêu thương và còn nhiều thời gian cho một lời xin lỗi. Chúng ta có bao giờ nghĩ được chỉ cần một lần chia tay có thể sẽ không bao giờ còn gặp nữa, một tiếng thở dài biết đâu lại là hơi thở cuối cùng trong cuộc đời… Hãy thử một lần quan sát “Mỗi khi vào nhà sách, chúng ta lại thấy xếp hàng dài trên giá những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ. Từ “Tâm lý trẻ con tuổi chập chững” cho đến “Bảy bí mật của tuổi mới lớn”, “Teen cần gì ở cha mẹ?”... Nhìn vào đó để thấy rằng lứa tuổi em ngày nay đang được cha mẹ tìm hiểu hoặc cố gằng để tìm hiểu một cách kỹ càng. Vì yêu thương và để yêu thương đúng cách. Nhưng còn những người con thì sao? Có bao giờ em nghĩ đến việc tìm đọc những cuốn sách viết về tâm lý của người làm cha mẹ? Ai cũng biết làm cha mẹ là một việc khó khăn. Vậy phải chăng chúng ta đã, đang làm con quá dễ dàng, bằng cách biện hộ “rằng thì là” nước mắt chảy xuôi, nên không cần quan tâm đến nỗi lòng của cha mẹ?”
Đọc bài “Những mảnh ký ức cuối năm”…, ta có thể sẽ rưng rưng nghĩ đến “mùi của cọng rau ngày còn bé”, trò thổi bong bóng làm từ bông bụp đỏ, những trái ổi xanh, hoặc dư vị của một mối tình thơ dại… - những ký ức mà thường chỉ vào mấy ngày cuối năm ta mới có thời gian hồi nhớ, nhưng dăm khoảnh khắc ngắn ngủi ấy cũng đủ xoa dịu ta, chữa lành những vết thương cho ta, giúp ta đủ sức mạnh bước tiếp trên đường đời.
Đọc bài “Ta đã làm chi đời ta?” để nhận ra rằng “ Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống bạn tưởng tượng. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý chứ không phải bạn.”
Dường như có một thứ gì đó gọi là “ ý niệm thiền học” như một dòng chảy xuyên suốt cuốn sách khiến từng câu từng chữ nhẹ nhàng đi vào lòng tôi và để lại nhiều giá trị nhân văn. Khi gấp trang cuối của cuốn sách này lại, có thể bạn sẽ đơn giản là mỉm cười, hít một hơi thật sâu, cảm nhận sự bình an lan tỏa trong tâm hồn mình. Còn riêng tôi, tôi đã khóc, bởi cuốn sách đã gieo mầm cho tôi, để tôi có thể dũng cảm làm một cuộc tái sinh, âm thầm nhưng vô cùng sâu sắc…
Trong “cơn bão thị trường sách” làm khủng hoảng niềm tin bởi sách thiếu chất lượng, sách giả được xuất bản tràn lan như hiện nay thì “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” thật sự là một cuốn sách đáng giá, là một điểm tựa tinh thần trong những lúc ta cảm thấy chênh vênh, giúp ta vững lòng hơn trước những va vấp không tránh khỏi của cuộc đời. Để rồi khi khép dần trang sách, bạn sẽ nhận ra rằng, cuộc sống này ai cũng có những nỗi lo toan, ai cũng cần được cảm thông và mọi người trên đời đều xứng đáng được yêu thương.
Mỗi người sẽ có một lựa chọn khác nhau về thể loại sách vì nhiều lý do: hoàn cảnh sống, môi trường làm việc, sở thích và quan điểm cá nhân… Nhưng sẽ không bao giờ là lãng phí thời gian nếu bạn chọn đọc cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”. Tin tôi đi, chắc chắn rằng bạn sẽ phải cảm ơn tôi vì lời đề nghị thú vị và chân thành này đó!
Sau cùng tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp rằng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn,thì cớ gì ta không sống cho thật sâu!”
-Nga Stronger-
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai