Đang truy cập: 16 Trong ngày: 392 Trong tuần: 3067 Lượt truy cập: 5644572 |

MUỐN THÀNH CÔNG, TRƯỚC TIÊN HÃY TRẢI NGHIỆM[1]
Thầy Mai Hữu Thành
Mở lời, xin phép được gửi đến quý đồng nghiệp và các em học sinh hai câu châm ngôn mà tôi rất thích, nay mới có dịp giới thiệu:
- “Tinh túy của trí tuệ đến từ kỹ năng đi tìm ý nghĩa của mọi trải nghiệm hàng ngày”(Khuyết danh).
- Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được (Helen Keller)
Kính thưa quý đồng nghiệp và các em học sinh thân mến!
Ngày trước, trong bloger của một tác giả tên Hà Anh Tuấn, từng chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm bằng một câu chuyện của hai thầy trò khá thú vị:
Thầy giáo hỏi học sinh: em lên Sa Pa, Lào Cai ăn Thắng cố chưa? Cô bé trả lời: em không ăn, kinh lắm.
Thầy giáo: sao lại kinh?
Học sinh: Vì em thấy mọi người bảo vậy.
Câu chuyện dẫn chúng ta đến ý nghĩa đại thể thế này:
Hóa ra, cô học trò KHÔNG sống với cảm giác thực của cô ấy mà là sống cho người khác? Nếu giả sử cô bé ăn thử một lần rồi tự đưa ra quyết định thì có phải hay hơn, chân lý hơn không? Còn việc nói ra rằng “không ăn”, nhưng trong lòng vẫn chút chút nuối tiếc vì sao mình không thử một chút cho biết? Đây là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ trong cuộc sống của chúng ta.
Cái thuật từ “người ta nói”, theo quan điểm cá nhân tôi, có lẽ là một trong những nỗi “ám ảnh” lớn nhất đối với tất cả những người - không sống thật với mình, không dám và không làm gì cho mình, cho đến khi… thất bại.
Trong thực tế, thuật từ “người ta nói” còn là mũi tên tẩm độc chỉ đường - được nhiều người coi là cứu cánh, không ít thì nhiều trong những hoàn cảnh nhất định, nhất là khi họ đang bơ vơ, chơi vơi và thiếu hiểu biết nhất.
Và chúng ta phải đúc kết lại rằng, nếu họ không dám, không làm, không chịu dấn thân thì họ không phải là người biết tận hưởng hương vị cuộc sống. Hoặc chí ít họ có cuộc đời nhạt. Và chắc chắn, những phát ngôn họ nói ra KHÔNG có sức nặng về tính chân thực, thẩm quyền về chân lý hay định hướng có tính chất bậc thầy về kinh nghiệm cho kẻ khác “phải” làm theo.
Tóm lại, hiểu đơn giản là; không có gì quý hơn bằng việc TRẢI NGHIỆM, HỌC HỎI. Bạn cứ phải “lăn vào cuộc” thì mới biết. Có trải nghiệm, học hỏi mới rút ra được HAY - DỞ. Có trải nghiệm, học hỏi mới thấy mình ĐÚNG - SAI hoặc ít nhất là có thêm kinh nghiệm dù đó là bài học THẤT BẠI.
Chính kiến, chân lý, tri thức, cảm xúc bản thân không thể là của chúng ta, hoặc rỗng tuếch nếu anh ngồi chiêm nghiệm và mắc mùng suy nghĩ với cái “giếng” tri thức đáng ngờ vực và hạn hẹp. Henry David Thoreau từng nói: “Nếu bạn nói được điều mình chưa bao giờ nghe, nếu bạn viết được điều mình chưa bao giờ đọc, kì thực bạn làm được điều hiếm có” và tôi thêm vào từ “thánh sống” để mô tả về độ “siêu phàm” của bạn.
Lý luận không từ thực tiễn chỉ đường nó là lý luận suông. Thực tiễn không có lí luận dẫn dường thì thực tiễn cũng trở nên mù quáng.
Chúng ta sống để thu thập kinh nhiệm tri thức cho chính HÀNH ĐỘNG của chúng ta chứ không phải cho CẢM GIÁC của người khác, vì thế đừng bao giờ trong đầu bạn xuất hiện cụm từ: “vì nghe người ta nói nên tôi không làm”, “vì họ bảo thế…”, “vì họ làm thế…”, “vì họ nghĩ thế…”, “vì họ sống như thế”.v.v…
Tất cả là nguỵ biện, trong cuộc sống này mọi thứ đều là tương đối. Không hợp kẻ này nhưng chưa chắc đã vô giá trị với người khác. Anh không thể vì say sóng mà lại cấm người yêu biển cả với ước mơ trở thành thủy thủ của họ. Cũng như, việc anh thích ngồi lướt điện thoại lại chê kẻ thích đi đó đi đây là thằng “dở hơi”. Và dĩ nhiên, việc nhìn kẻ khác mạy mọ học nhóm lửa, bắt cá, hái rau, nấu chín thức ăn, trong khi bạn trề môi cho là việc vô công rồi nghề thì bạn còn đáng bị chê trách.
Nếu chính bạn không dám sống với chính cơ thể và tinh thần, cảm xúc và nhu cầu hiểu biết của bạn thì ai còn sống cho bạn, vì bạn? Vì thế hãy trải nghiệm để học tập không ngừng, hoàn thiện không ngừng.
Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được. Bạn chưa bán hàng bao giờ sao bạn giúp được người khác bán hàng và tự cho mình quyên kinh doanh thành đạt?
Bạn thích làm ăn lớn vì lợi nhuận cao thì sao bạn có thể biết được lợi nhuận của người bán nước miá vỉa hè (vốn không tốn tiền thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân viên và thuế)?
Bạn chưa tới Sài gòn sao có thể chia sẻ cảm xúc khi xa Sài gòn trong trái tim người bản xứ?
Bạn không đọc sách làm sao bạn có thể hiểu một nhân vật văn học có giá trị hơn cả một thực trạng xã hội người viết muốn gửi vào?
Mùa này hoa phượng chín đỏ, xen kẽ bằng lăng tím, đẹp quá!... sao không trải nghiệm. Mất gì bạn phải thắc mắc sao lại có người bỏ hàng giờ để trồng và ngắm chúng đến điên dại?
Sao có những người thành đạt? Sao họ được mà mình chưa được?... hãy trải nghiệm và thành đạt như họ.
Con đường ngắn nhất để hiểu là đi xuyên qua nó. Chỉ có trải nghiệm mới đưa cho bạn những nhận định và cảm nhận về bản chất thực của mọi việc trên chính con người bạn, sự hiểu biết của bạn, cảm xúc thực của bạn. “Nó” là của ai không sao. Nhưng biến “Nó” là của bạn mới là vấn đề quan trọng.
Tất cả cuộc sống đều là trải nghiệm. Bạn càng trải nghiệm nhiều càng tốt.
Nhưng các bạn lưu ý là cái gì cũng có hai mặt, cái hay của mỗi con người là biết cái gì NÊN và cái gì KHÔNG NÊN trải nghiệm, đồng thời giới hạn nào cho mỗi trải nghiệm! Trải nghiệm sa đà mà không có điểm dừng, không biết trải nghiệm nào là tốt hay xấu, cũng rất nguy hiểm. Phải đặt mục đích của trải nghiệm làm khởi sự. Như Alfred Adler nói:
Thay lời kết
Kính thưa quý đồng nghiệp và các em học sinh thân mến!
Jean Jacques Rousseau - một triết gia từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”. Cuộc đời này là món quà dành cho mình... Hãy mở nó ra với tất cả những gì mình mong muốn. Đừng khép kín mình lại bằng mớ sự tự mãn, ỉ lại. Cũng đừng sợ sệt và không nên tự đại khi đứng trước một tình huống có vấn đề. Phải dũng cảm trải nghiệm vì trải nghiệm cho bạn nhiều thứ và làm bạn đẹp thêm và ý nghĩa hơn rất rất nhiều.
Trải nghiệm thật sự không khó, bạn không nên tránh né và nêu hoài những lý do cũ rích, mốc meo. Đồ ăn để lâu thì thiêu thối, quần áo lâu không mặc lỗi mốt, đồ điện lâu không xài đôi khi chập điện. Riêng tuổi trẻ, nếu bạn cứ để đó mà không xài, không tận dụng, dù không hư, không lỗi mốt, không chập điện nhưng nó sẽ biến mất mãi mãi, rồi cả phần đời còn lại bạn sẽ phải sống trong nuối tiếc ngập tràn. Quan trọng với bạn là tinh thần và quyết tâm để trải nghiệm, để dấn thân, để học tập.
Khi ta muốn ta sẽ tìm mọi cách, khi không muốn, ta tìm mọi lý do.
Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn!
Vậy thì còn chờ gì, nếu có tham vọng để có thể viết về cuộc đời, đầu tiên bạn phải sống nó đã, chứ đừng “nghe người ta nói”…
Tân phú, ngày 12 tháng 3 năm 2018
[1]Trải nghiệm là tổng quan khái niệm bao gồm tri thức, kĩ năng trong hoặc quan sát sự vật hoặc sự kiện đạt được thông qua tham gia vào hoặc tiếp xúc đến sự vật hoặc sự kiện đó. Lịch sử của từ trải nghiệm kéo với gần với khái niệm thử nghiệm. Thực tiễn trải nghiệm đạt được qua thử nghiệm. Trải nghiệm thường đi điến một tri thức về sự hiểu biết đến sự vật, hiện tượng, sự kiện
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai