Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 15
Trong ngày: 323
Trong tuần: 3035
Lượt truy cập: 5708455


NHẬT KÍ HÀNH TRÌNH “ƯỚC MƠ XANH”
Lượt xem: 256

 

NHẬT KÍ HÀNH TRÌNH “ƯỚC MƠ XANH”

ƯỚC MƠ SỐ 8

CHÀO GIA ĐÌNH EM

CÔ BÉ 1,8 KG CHÀO ĐỜI VỚI ƯỚC MƠ KHI TRÒN 18

 

           Hôm nay...!

          Tổ 1, ấp 7, xã Thanh sơn, Huyện Định Quán là những gì tôi có trong hành trình.

          Trái.., phải..., trái..., trái.., phải...và đi tiếp... là những gì tôi được nghe người trong thôn hướng dẫn.

          7 lần gọi điện thoại không một lần có sóng, 4 lần hỏi đường, 3 lần nhận câu trả lời “không biết”, 2 lần nhờ cô văn thư nhà trường xin hỗ trợ địa chỉ, 1 lần qua sông, 1 lần băng rừng và 2 lần gặp rắn (cả đi lẫn về) là những gì tôi ấn tượng con đường tìm “Ước mơ xanh” của Yến[1].

          Từ sâu thẳm, chuyến đi là cả một hành trình đầy cảm xúc.

          Rừng nơi đây, xanh hẻo lánh pha đất đỏ bazan với những người dân không quen trong chiều mưa tối,dễ làm người ta nản lòng, nhưng không làm tắt đi niềm hi vọng của chuyến đi-tìm được nhà của bé!

          Lạc đường thêm 2 lần, cuối cùng thầy trò tôi cũng vào được đến nhà em. Ngôi nhà không cửa, theo nghĩa là chẳng có thứ tài sản gì cho trộm nhìn ngó và việc có thêm cửa hay không cũng chẳng thành vấn đề về cái gọi là “bảo vệ tính giá trị” của ngôi nhà, bởi lẽ nơi đây vắng, chẳng mấy khi thấy một bóng người. Nó đứng đó – dưới tán cây rậm đặc, chìa cái mặt trước đóng ván cây mưng cũ ố, dấu 3 phần còn lại đầy liếp thuốc cũ dán báo, chỉ còn trơ cật do mối ăn, mà vẫn trụ vững trong hơn 18 năm ròng, dầm mưa nắng giữa rừng, oằn mình cô độc.

          Ít ngờ rằng, nơi đây – dẫu nghèo đói, thiếu thốn lọt giữa rừng này, là một mái ấm gia đình đầy ắp tình thương và nhiều ước mơ còn dang dở.

          Hai thầy trò tôi ngồi đợi Chị (mẹ của Yến) về trong váng chiều đầy âm u. Mưa rừng về, căn nhà thêm phần nặng hạt, lóc cóc tiếng mái tôn hứng trọn nỗi niềm ngày lao động mệt nhoài cuối thu tháng mười buồn tẻ.

h12

          Hơn 30 phút, những cuộc gọi liên tục của Bố Yến gọi về với lời tha thiết, anh dặn tôi:

          - “Thầy thông cảm, vợ em sắp đi làm về. Thầy cứ vào nhà, nhà em không có cửa. Thầy nhé”.

          Tôi vui vẻ nhận lời mời chân thành trong điện thoại từ giữa rừng già của chủ nhân căn nhà nhưng cách xa hơn 8 cây số do anh còn bận đi phụ hồ chưa thể trở về.

          Tranh thủ lúc chờ đợi, rảo bước nhìn quanh, tôi bắt đầu quan sát “ngôi nhà” mình đang đứng. Bất chợt, khẽ tay vịn khiến căn nhà rung lên vì chân cột hổng. Nền có chỗ tráng xi, có chỗ kê ván nhưng tinh tươm, sạch gọn. Cho thấy tín hiệu một gia đình có nề nếp ăn ở. Chỉ có điều mọi thứ đã cũ và rách thì dù có sạch gọn đến mấy cũng vẫn thấy dở dang. Trong nhà có duy nhất một đèn led xoắn, không thêm cái thứ hai. Nguồn sáng gia đình đủng đỉnh treo trên gác mái cao nhất của mái nhà nhằm có thể chiếu rọi vào từng khoảnh của mấy nơi sinh hoạt. Phải chăng đó là cách con người ta tiết kiệm? Hay chỉ đơn thuần là đèn đủ sáng cho từng thành viên trong gia đình tự biết cái gì thuộc về mình mỗi khi cần đến? Tôi phân vân mãi... mà chẳng thể trả lời, tự thấy thú vị và có thoáng chút băn khoăn.

          Trời càng về tối, tiếng muỗi bắt đầu với tần suất mỗi lúc càng nhiều. Ngồi trong  nhà, nhìn ngoài kia – sân trước, hiên sau đều mênh mông sáng tối. Với gia đình này, liệu có ánh sáng nào hơn những ánh sáng ngoài kia? Hay cũng chỉ là nhỏ nhắn, lộn xộn, mờ ảo như mớ ngoài kia đang luồn qua các tấm liếp rách khắp nơi, len lỏi vào từng mảng phên tường nhà chỗ xiêu, chỗ vẹo!

          Hơn 20 phút chờ đợi, Chị (mẹ của Yến) về nhà với niềm vui đôn hậu khi có khách tới thăm. Bỏ qua chút xa lạ ban đầu, tôi chủ động bắt chuyện. Giọng gốc Hà Nội nghe thật dễ chịu nhưng ẩn bên trong với nhiều suy tư nên đượm màu buồn.Chị tiếp chúng tôi, bắt đầu bằng gia cảnh và ước mơ được đi học của chị canh cánh bên mình suốt từ Bắc vào Nam đằng đẵng gần 20 năm qua chẳng thể chẳng nao lòng.

          Chị kể...

          Hồi chị còn nhỏ, chị được sinh ra lúc ba mẹ gần 50 tuổi. Khó khăn lắm mới được cho đi học và ước mơ trở thành giáo viên Văn tại một trường sư phạm. Nhưng vì kinh tế mỗi lúc một khó khăn nên ước mơ của chị mỗi ngày càng nhỏ lại, đến độ bỏ học giữa chừng dành lại cơ hội cho hai em sau. Nghe chị kể, cho đến tận bây giờ, thi thỏang vẫn ước mình được đi làm cô giáo, đến độ mơ trong giấc ngủ giảng bài thế nào mà làm chồng thức giấc.

h11

           Anh động viên Chị,“nếu thích thế thì đi học. Chuyên tu cũng được, miễn chị vui”, nhưng chị bảo “thôi”, vì giờ nghề giáo có nhiều người, mà thật ra cũng khó xin việc. Hơn nữa, vì con mình đang tuổi ăn, tuổi học lấy gì mà đi? Mà lỡ có đi rồi lấy gì mà lo cho chồng lúc bệnh tật ốm đau, vì anh vốn cả mấy năm nay cũng bị thoát vị đĩa đệm, uống thuốc mỗi ngày?

          Với chị, sung sướng nhất lúc này còn gì ngoài niềm mong mỏi khỏe để được lao động và chăm sóc cho gia đình nhỏ.

          Tôi chăm chú ghi chép, chị hăng say kể về mình, về gia đình và những bình dị nhỏ nhoi, cả những gói ghém mưu sinh...  như thể chúng tôi chưa bao giờ xa lạ.

          Không để câu chuyện rẽ qua hướng khác, tôi lái câu chuyện, bắt đầu đi sâu tìm hiểu việc học hành của các con trong gia đình chị, nhất là đối với Yến. Sau mấy câu gợi mở Chị vui vẻ nhận lời.

          Chiều nay, ngoài cuộc đời của chị, tôi lại bắt đầu rong ruổi trên những điểm nét thông tin về hoàn cảnh của cô trò nhỏ nhắn đang theo học tại trường với nhiều xúc cảm. Có lẽ, sẽ không ngỡ ngàng mầu nhiệm như cổ tích giữa đời thường như bao nhiêu gia cảnh khác trên báo chí, nhưng cũng đủ để mỗi người có vô tình lướt qua đây, vẫn đủ sức nặng để thấy đó là một câu chuyện lấy đi nhiều trăn trở và niệm chút từ tâm.

          Chị kể, Yến sinh bình thường nhưng vì nhà khó khăn, chế độ dinh dưỡng không đủ đầy nên cháu chỉ nặng tròn 1,8kg. Vì yếu, thiếu kí nên cháu nhìn nhỏ, thấp và thường hay đau ốm triền miên. Ốm đến độ thành định kì hàng tháng.Mới hai tuần vừa rồi, có lúc đi học sốt cao đến 36 -37 độ, xuống phòng y tế nhà trường nằm nghỉ mà cháu vẫn muốn lên lớp để được nghe giảng bài. Cô y tế thương nên hỏi số điện thoại gia đình xin thông báo, bé nhất mực không cho gọi, vì sợ mẹ biết mà lo, rồi chạy ra ngoài này mất công, mất việc làm, lại không có tiền trang trải.

          Chị cũng cho biết, Yến bị viêm abidan vòm họng, bị làm mủ nên thường tháng trung bình 1 đến 2 lần cháu bị sốt định kì. Theo lời khuyên bác sĩ, gia đình dự định đưa đi chữa trị, nhưng còn chưa có dịp. Một phần vì kinh phí, phần khac vì sợ cháu nằm viện lâu, kiêng thế này thế khác mà ảnh hưởng việc học hành. Tôi khuyên nên bố trí hè mà điều trị. Chị chỉ lặng im, quay mắt nhìn đi.

           Kể tiếp về bé, Chị bảo cháu thích ăn chay như bố. Nhưng vì sức khỏe kém, chị bắt cháu phải ăn mặn. Học hành xa nhà, sức khỏe không ai lo.

h13

          Nói đến việc học, chị biết Yến là người ham học, em thường thủ thỉ với mẹ, năn nỉ cho em đi học, để viết tiếp ước mơ cho mẹ -  làm nghề nhà giáo, truyền cảm hứng tới mọi người. Yến cũng ý thức được rằng; muốn đậu đại học chỉ có cách là ra ngoài thị trấn để học, không có con đường nào khác, nên em đã xin mẹ thi tuyển vào trường tốt nhất ở huyện là trường Đoàn Kết. Có lẽ cũng vì vậy mà Yến hay không bằng lòng với bản thân mỗi khi không hiểu bài và điểm thấp. Nỗi sợ lớn nhất của Yến không phải vì nghèo, vì thiếu ăn, thiếu mặc mà chính là vì sợ không được học, sợ không theo kịp bạn bè. Sợ lỡ mai đây, con đường đại học khi Yến tròn 18 cũng sẽ nhỏ nhoi như thân hình chính mình lúc mới chào đời.

          Bỡ ngỡ những ngày đầu theo học, Yến thường mất phương hướng vì khối lượng kiến thức chương trình nhiều và bạn bè chung lớp thường tiến bộ nhanh và giỏi dang hơn Yến.Cô bé thường về nói mẹ chẳng dám thưa Ba, vì sợ ba buồn, có khi đâm giận mà không cho ra ngoài này đi học. May mắn và nỗ lực, cho đến nay, Yến đã gần như bắt nhịp được việc học hành - nên mỗi khi hỏi, Yến thường rạng rỡ, ánh mắt ngời lên lịnh hoạt. Pha chút nụ cười bẽn lẽn dưới vành tóc ngắn suôn đen ngổ ngộ - dấu vết của sự chẳng quan tâm đến làm đẹp bao giờ, em cho thấy những chuyển biến tích cực từ những con điểm ba, năm mắc phải đầu năm... nay đã thành bảy, tám.

          Hiện gia đình tìm cho cháu ở trọ với mức phí ở ghép là 250.000đ/ tháng. Cháu cũng thường 1 -2  tuần mới về một lần. Mỗi lần như thế cháu lại tay xách, nách mang gạo, mắm, cá khô,..ra tự lo nấu nướng nhằm giảm chi phí ăn uống sinh hoạt trong hơn một tuần ở lại. Tôi thường gặp cháu mỗi sáng nên cũng xác tín việc này, mới sáng nay, gặp cháu, khẽ hỏi: “con đi học sớm vậy kịp nấu ăn không”? Cháu cười tươi trả lời:

          - Dạ sáng con  hay ăn cơm nguội. Nhưng tối hôm qua hết cơm, không kịp nấu nên con ăn mì tạm rồi thầy!

          Mẹ Yến cũng cho biết, thường thì gia đình cho con từ 60.000 - 70.000/ tuần đi học phụ thêm ăn uống. Năm nay, gia đình cố gắng cho cháu 100 nghìn/tuần làm tiền chi phí sinh hoạt, nhưng Yến thường để dành mua sách, học thêm. Tuyệt nhiên không tiêu pha vào việc khác. Kể cả việc trà sữa như các bạn đồng trang lứa là thứ bình thường, cũng trở nên xa xỉ đối với em. Vì như mẹ em nói với niềm tin tuyệt đối từ Yến: “Giàu nghèo không quan trọng, tiền nhiều tiền ít không quan trọng, quan trọng là việc học”.

          Chắc có lẽ cũng vì điều này mà em được nhiều người yêu mến và thương giúp.

          Tôi quan sát trong góc nhỏ của nhà tựa hồ như buồng ngủ của ba mẹ con, gặng hỏi, sao cháu đi học mà áo dài còn để lại trong này tới hai cái vậy chị? Chị vui vẻ kể lại:

          - Năm vừa rồi chị xin được 3 chiếc áo dài cho Yến của hai chị hàng xóm phía trên chợ, trước hai khóa vừa mới ra trường. Nhưng nghĩ mỗi năm cùng lắm chỉ dùng một cái cộng với có thêm đồng phục nhà trường, nên Yến mang ra ngoài chỉ một.Hai chiếc còn lại sẽ sửa, có lẽ để dành cho năm 11,12. Vẫn biết đó là một kế hoạch tốt, nhưng tự thấy sao mà đáng quý và thương. Có khoảnh khắc nào đẹp hơn lúc này, lời này, suy nghĩ này. Tôi tự nhân hóa câu chuyện mà rằng, nếu giả như chiếc áo dài nọ có thêm tính cách, hẳn là nó rất đỗi tự hào và may mắn với những gì mà gia đình này đang quý trọng, nâng niu đến vậy. Tôi cũng chơt chạnh lòng, ngoài kia, nơi tôi đang dạy, tôi vẫn thường cám ơn màu trắng của chiếc áo đồng phục học sinhngày nào mình đã từng mặc, nhờ nó mà xóa đi ranh giới của giàu - nghèo, sự hiềm thị cảnh ngộ của biết bao em, làm cho các em có chung tâm thế tự tin khi đến lớp, thì cũng tự thấy ở đâu đó phần một chút phần chìm – ẩn trong mỗi chiếc áo đồng phục tưởng gần giống nhau vì màu trắng ấy, liệu chúng ta có thấu hiểu tất thảy các em? Và liệu không nhờ những chuyến đi này, chúng ta có thay đổi cái nhìn về mỗi con người, với tư cách là một con người, một cá thể độ lập. Độc lập về hoàn cảnh, độc lập về nhân cách sống, độc lập về tư duy học hành.Và thậm chí, cả về những ước mơ, dẫu có xếp cạnhnhau với bạn bè trong lớp thì dù có nhỏ và đơn sơ đến nhường nào cũng vẫn là độc lập.

          Ngoài hiên mưa đã dứt, thoáng nhìn đồng hồ điểm qua 18h chiều, hai thầy trò tôi chào Chị ra về. Đáp lại lời chào, chị chạy ra vườn, hái vội biếu tôi đôi quả bưởi của mùa đầu sau bao công chăm sóc vẫn còn ướt nhẹm vì mưa. Thầy trò tôi cám ơn đón nhận và được chị tận tình dẫn ra tận tới bìa rừng.

h14

          Trời nhá nhem, cánh đồng rộng mênh mông trải dài hiện ra trước mắt chả chút màu sắc màu nào là cụ thể; chút đen, chút xanh, chút vàng vọt ánh nắng cuối chiều xa tận phía chân trời. Con đường chúng tôi đi chiều nay, hương lúa mạ non thơm ngào ngạt. Cám giác ruộng đồng sóng sánh qua lỗ mũi của người còn bệnh cảm cũng trở nên đặc biệt. Bên tai, ếch nhái bắt đầu bản hợp ca “mùa đáng sống” phía tận giữa đồng. Phía xa lác đác ánh đèn, tròn rọi xuống dọc bờ kênh kéo dài phía tận chân trời. Thi thoảng ánh chớp sót lại sau mưa xé mở vòm mây rọi xuống bìa rừng, làm rám vàng cây giá tị.

          Chúng tôi bước lên chuyến đò muộn lúc trời vừa ráo tạnh. Đò hẹp hôm nay vắng khách, nhưng lòng người của chuyến đi thì mênh mang như chính con sông này chảy mãi. Sóng va đạp, lúc hờ hững rời xa, lúc nồng nhiệt ôm trọn mạn thuyền, ọc ạch như cảm giác bụng gào lúc lòng mình say tỉnh. Trăng tròn vành vạch, hồng phớt giữa rằm thu cuối tháng mười, điềm tĩnh như tâm hồn của Yến.

          Đời thật mênh mông, lòng người cũng thật mênh mông, nhưng trót đã “duyên nhau” mà gặp thì phải là tình và nhân văn vô hạn.

          Tôi thấy hành trình mình đang đi với hành trang xây dựng ước mơ cho các em có thêm nhiều lí do để tin vào cuộc sống, dẫu cho đây đó có chút đổi thay, có chút vô tâm hay có chút hững hờ, ngờ vực.Nhưng hơn hết thảy, tự mình thấy đó là việc cần làm. Rồi sau hơn nữa, phải xác tín một chân lý rằng: đời người không quan trọng là anh ở địa vị nào để đánh giá múc độ hiệu quả hay thành công công việc của bạn, mà quan trọng là người đời sẽ đánh giá bao nhiêu việc bạn làm được ở vị trí của mình. Tôi vẫn thường mơ cho một hình mẫu đẹp, cứ cho đi rồi hãy nhận, chớ để phí hoài tuổi sống của mình trong mớ ái ố, hỉ nộ.Biết đâu lại được ngân nga giữa cuộc đời.

          Cập bến đò thôi...

          Tạm biệt vùng nghèo khó, tạm biệt gia đình giàu tình thương, tạm biệt một ngày đường gian nan yêu quý. Tôi về với gia đình, về với công việc. Tự vui, thưởng  cho mình một giấc ngủ đủ sâu, để sáng mai khi tôi thức dậy, đón thêm hành trình mới cho cậu học trò tiếp theo với tâm thế như được “chọn một niềm vui” mà ngày nào cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết.

                                  Tân phú, ngày 25 tháng 10 năm 2018

                                   Người  viết: Mai Hữu Thành

[1]Nguyễn Thị Thu Yến, học sinh lớp 10a3 trường THPT Đoàn Kết.

 

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai