Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 20
Trong ngày: 640
Trong tuần: 3566
Lượt truy cập: 6535845


Suy nghĩ về quan hệ Thầy - Trò xưa và nay
Lượt xem: 228

 

     Khi giáo dục Việt Nam hội nhập hoàn toàn với giáo dục thế giới thì mối quan hệ thầy trò sẽ thay đổi vì khi đó từ “teacher” (người dạy hay thầy, cô giáo) sẽ thay thế bằng từ “instructor” (người hướng dẫn). Người thầy sẽ là người trợ giúp cho học sinh lĩnh hội kiến thức và không còn là người “độc quyền” truyền đạt kiến thức cho học sinh nữa.

Thầy đồ và học trò xưa  

     Nhân dân ta vốn có truyền thống lâu đời tôn kính nhà giáo và nghề dạy học. Những nhà nho hay những thầy đồ xưa không chỉ dạy chữ Hán mà còn dạy cho học trò những lễ nghi, đạo đức và cách ứng xử với những người xung quanh.

     Vì vậy, người thầy dạy học xưa được cả xã hội kính trọng là vì người hiểu biết rộng do đọc nhiều sách nho giáo và thường sống rất mực thước theo cốt cách nhà nho và trở thành tấm gương đạo đức cho học trò noi theo.

     Thầy đồ xưa thường rất gần gũi với nhân dân vì nhiều người trong số họ cũng xuất thân từ giai cấp lao động nghèo. Người thầy ngày xưa dường như là người “duy nhất” truyền đạt kiến thức trực tiếp cho trò nên học sinh cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức của thầy. Nếu trước chưa có nhiều sách báo như bây giờ để góp phần truyền đạt kiến thức nhiều mặt cho mọi người, trong đó có học sinh.

     Nếu thầy giỏi thì sẽ có trò giỏi, có nhiều học trò đến học và ngược lại (nhưng điều này ít xảy ra). Nhờ có thầy đồ dạy chữ mà học trò mới có thể thi đỗ ra làm quan có địa vị xã hội và có cuộc sống vinh hoa phú quý và mang lại vinh dự cho cả gia đình và dòng họ hay cả làng xã nơi họ sinh ra. Do đó, những học sinh dù có đỗ đạt hơn thầy vẫn biết ơn và kính trọng thầy giáo cũ của mình. Vào dịp lễ, tết, họ thường tự nguyện mang đồ lễ đến để tỏ lòng biết ơn thầy.

     Thầy đồ ngày xưa đối với học trò là người bề trên. Học trò phải tuân theo mọi yêu cầu, mệnh lệnh của thầy. Học trò không được phép cãi lại thầy. Thầy đồ có thể trừng phạt trò nghiêm khắc, thậm chí đánh phạt học trò nhưng cha mẹ không dám phản đối mà có nhiều bậc cha mẹ lại rất biết ơn thầy đã nghiêm khắc giáo dục con cái họ thành người có ích sau này.

Thầy cô giáo và học trò thời nay và trong tương lai

     Khác với thầy đồ xưa, thầy cô giáo thời nay được đào tạo không chỉ về phương pháp giảng dạy mà còn được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học giáo dục. Nhưng theo quan niệm truyền thống người thầy vẫn là người bề trên và giữa thầy và trò vẫn có khoảng cách nhất định trong quan hệ. Học trò vẫn xem thầy cô mình là người có kiến thức cao nên họ thường ngại tranh luận với thầy nhất là những ý kiến trái với thầy cô mình.

     Đến tận những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước, chuyện nhiều thầy cô do ảnh hưởng của lối giáo dục phong kiến vẫn duy trì hình phạt với học trò như bắt học trò quỳ phạt hay đánh học trò. Nhiều bậc cha mẹ thời đó có biết họ cũng cho là chuyện bình thường và đó là quyền của các thầy cô.

     Những năm cuối của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này, khi Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới thì mối quan hệ thầy - trò cũng có nhiều thay đổi. Mối quan hệ thầy - trò bình đẳng hơn, gần gũi hơn.

     Tuy nhiên, sự tôn trọng của học trò, cha mẹ học trò và xã hội với thầy cô giáo cũng có nhiều thay đổi. Một phần là do nhiều bậc cha mẹ cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là do xã hội giao phó, người thầy phải thực hiện, họ trả học phí để thầy cô dạy. Một phần là do có một số thầy cô giảm sút đạo đức nhà giáo, không thực sự gương mẫu trong lối sống sa vào chuyện tiêu cực như nhận hối lộ để nâng điểm, mở lớp dạy thêm để buộc học sinh đến nhà học thêm thu tiền, vòi vĩnh tiền của phụ huynh, tiêu cực trong thi cử và xét lên lớp...

     Cá biệt có thầy cô còn xúc phạm nhân phẩm, đánh đập học sinh, bị dư luận lên án. Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy, người cô mẫu mực, mô phạm một thời của ngành giáo dục.

     Cũng cần nói thêm rằng, xã hội hiện nay dường như có cái nhìn khắt khe hơn đối với các nhà giáo và nhà giáo cũng chịu nhiều sức ép của xã hội. Nếu như ở thập niên 60, 70 của thế kỷ trước chuyện thầy hay cô bạt tai học trò thì chỉ có thể bị phê bình trong nội bộ, bây giờ thì trở thành chuyện lớn khi báo chí đưa ra công luận. Rõ ràng việc thiếu kiềm chế và có cách xử sự thô bạo đối với  học trò (dù em đó hỗn láo) là sai nhưng sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học trò hiện nay cũng là rất đáng báo động.

     Khi giáo dục Việt Nam hội nhập hoàn toàn với giáo dục thế giới thì mối quan hệ thầy trò sẽ thay đổi vì khi đó từ “teacher” (người dạy hay thầy, cô giáo) sẽ thay thế bằng từ “instructor” (người hướng dẫn).

     Người thầy sẽ là người trợ giúp cho học sinh lĩnh hội kiến thức và không còn là người “độc quyền” truyền đạt kiến thức cho học sinh nữa. Học sinh sẽ tự mình chủ động tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác như sách báo, Internet.

     Các em sẽ có quyền đánh giá thầy và quyền chọn thầy cô hướng dẫn mình. Mối quan hệ thầy - trò sẽ bình đẳng hơn và tiêu cực trong giáo dục sẽ giảm thiểu do không còn môi trường để tồn tại.

     Một quy luật tất yếu là quan hệ thầy - trò sớm hay muộn sẽ thay đổi khi xã hội và nền giáo dục chúng ta thay đổi sâu sắc, nhưng suy cho cùng nếu thầy ra thầy, thì người thầy vẫn được trò kính trọng, quý mến (trừ số trò rất cá biệt) và được phụ huynh học sinh, được những người công tác trong các ngành khác tôn trọng

       Thạc sĩ Trần Mạnh Trung (Giảng viên Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa)

Ban tư vấn tâm lí (sưu tầm)

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai