Đang truy cập: 31 Trong ngày: 869 Trong tuần: 3519 Lượt truy cập: 6536898 |
MỘT CHÚT NGẪM VỀ NGHỀ GIÁO
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm…”
Có lẽ đã có không ít bài thơ, bài viết đầy cảm xúc, đầy trân trọng về nghề giáo với những hình ảnh quen thuộc, những người lái đò âm thầm đưa khách sang sông, bình yên theo năm tháng “cả một đời phấn trắng bảng đen, đem con chữ đi mọi miền đất nước”. Bình dị là thế, thân thương là vậy. Thế nhưng trong xã hội hiện đại hôm nay, sự thoái hóa của một vài cá thể, vài bộ phận được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội đã khiến vai trò và vị trí của người thầy đang được nhìn nhận và đánh giá theo nhiều dư luận trái chiều, đôi khi khiến người trong nghề không thể không có chút gì đó chạnh lòng, chua xót. Xin hãy ngẫm lại một chút, chỉ một chút thôi về giáo viên chúng tôi, bằng những suy nghĩ công bằng, không định kiến và một cái nhìn đủ tôn trọng, rộng lượng, để có thể thấu hiểu và chia sẻ chút nào đó cùng với nhau.
Thực tế mà nói người giáo viên hiện nay đã và đang phải chịu khá nhiều áp lực. Trước hết đó là áp lực từ những đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục, tiếp đến là yêu cầu đòi hỏi cao của học sinh, phụ huynh cũng như xã hội. Đồng ý rằng khi môi trường thay đổi, mọi thứ hiện đại hơn buộc con người cũng phải thay đổi, phải tự cố gắng hòa mình để bắt nhịp. Tôi nghĩ bất cứ người giáo viên nào cũng mong muốn được học hỏi những kiến thức mới, vận dụng phương pháp mới để có thể đem lại hứng thú cho học trò của mình trong môn học, mong muốn học trò yêu thích bộ môn và yêu mến cả người đem lại kiến thức cho chúng. Khi còn ngồi ở giảng đường, tôi được dạy rằng: Hãy cho học trò sự tin cậy, sẽ nhận lấy được yêu thương. Hãy dạy học trò hiểu thấu đáo môn học, các em sẽ yêu thích và học tập tốt bộ môn. Hãy truyền cho trò cảm hứng, sẽ kích thích được sự tìm tòi khám phá. Hay như chính bản thân tôi cũng biết, muốn học tốt thì trước tiên mình phải thích cái đã, mà muốn thích thì mình phải hiểu rõ nó. Thế nhưng có những vấn đề từ thực tế không như mong đợi. Có những câu hỏi học trò đặt ra khiến người đứng lớp như tôi thật khó có câu trả lời thuyết phục. “ Cái này có thi không? Cái này có kiểm tra không ? Có cách nào nhìn vào bấm được đáp án mà không cần hiểu?”…. Hầu như mọi mong muốn, đích đến chỉ là những “con điểm đẹp”. Thậm chí điều đa số phụ huynh quan tâm cũng là con học có được điểm cao không, được học sinh giỏi không…. Chứ không phải là con học có vui không, có thấy hứng thú với môn học hay kiến thức nào hay không…. Người giáo viên vô tình hay hữu ý bỗng trở thành những “thợ dạy”, đứng trên bục giảng để chạy như một cái máy. Quản thúc học sinh như quản giáo và khổ sai để đổi lấy những con điểm vô nghĩa trên giấy cho đẹp lòng ai đó. Và rồi học sinh cũng chỉ học theo những gì được thiết lập sẵn, vùi đầu vào đống bài tập kiểm tra thi cử, đến lúc ra đời thiếu năng lực, thiếu kĩ năng sống thì câu trách móc đầu tiên có lẽ lại rất quen thuộc: “ do giáo viên, do môi trường học!!”. Thậm chí để đạt được mục tiêu cho con được vào trường đại học danh tiếng cho nở mày nở mặt, họ đã không ngần ngại thay trắng đổi đen, gian lận điểm số. Để đến khi mọi việc được sáng tỏ, được công khai thì… Lỗi tại ai??
Giáo dục chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, kết quả và năng lực của học sinh bây giờ còn khá nhiều điều phải suy nghĩ. Nhưng xin hãy công bằng mà nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía. Đừng đổ hết tất cả trách nhiệm lên đầu giáo viên chúng tôi mà quên đi trách nhiệm của chính phụ huynh, học sinh và cả xã hội. Tôi tin chắc rằng không phụ huynh nào dám đánh đổi, dám chấp nhận con em mình sẽ không đạt được con điểm tốt trong thi cử để đổi lấy những tiết học đúng nghĩa đúng bản chất. Sẽ có rất ít phụ huynh quan tâm đến việc rèn kĩ năng sống cho con thay vì chỉ vùi đầu vào những bài tập tù mù nhàm chán chỉ phục vụ cho một thứ duy nhất… thi cử. Phụ huynh hãy tự hỏi, lâu nay mình quan tâm tới điểm số của con hay niềm vui của chúng khi học thêm được điều mới mỗi ngày. Học sinh hãy tự hỏi, lâu nay mình đi học để tìm kiếm thêm tri thức hay kiếm tìm con điểm đẹp. Và vẫn còn thật nhiều, thật nhiều điều khác nữa… Hãy tự hỏi và tự trả lời rồi hãy buông lời trách cứ giáo viên.
Thật lòng mà nói chúng tôi luôn muốn được là một người giáo viên đúng nghĩa, được truyền cảm hứng cho học sinh và giúp các em có được những giờ học thật thú vị. Đó là điều mà ngay từ những ngày đầu bước chân lên bục giảng, nó đã ăn sâu vào nhận thức khi chúng tôi quyết định gắn bó với nghề. Năm tháng qua đi cùng với những gánh nặng, lo toan của cơm áo gạo tiền, có thể điều đó có chút tàn lụi đi ít nhiều, hay ngủ vùi trong sự lãnh đạm bất cần của một số người, nhưng trong sâu thẳm trong nhận thức và lương tâm của họ thì nó vẫn còn đó, vẫn luôn tồn tại. Đừng bắt giáo viên phải trở thành hình ảnh quá hoàn mĩ trong khi họ không đủ cơ sở và điều kiện để hoàn thành, để thực hiện tất cả. Bản thân giáo viên không thể làm điều đó một mình. Thay vì tạo áp lực, thay vì trách móc thì hãy động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt, tôi tin rằng mỗi người giáo viên chúng tôi đều có thể phát huy tối đa năng lực và lòng yêu nghề để cống hiến hết mình. Hi vọng rằng hôm nay và cả những ngày sau, nghề giáo sẽ vẫn mãi là nghề đẹp nhất, bình yên nhất.
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai