Đang truy cập: 35 Trong ngày: 888 Trong tuần: 3519 Lượt truy cập: 6536979 |
Thời chiến, chữ “hi sinh” quả là nổi lên hàng đầu. Bây giờ thời bình, người ta thường nói nhiều đến trình độ văn minh, nói nhiều đến dân chủ, đến công bằng, chứ ít nghe thấy chữ hi sinh.
Đức hi sinh từ lâu được xem là một trong những đức tính cần có trong cuộc sống của mỗi con người. Cuộc sống có sự hi sinh thì cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
Vậy hi sinh là gì? Đó chính là những suy nghĩ và hành động vì người khác mà bất chấp quyền lợi hay thậm chí là tính mạng của bản thân. Người có tấm lòng biết hi sinh bản thân mình cho người khác là người có tấm lòng nhân ái, họ đặt quyền lợi chung trên quyền lợi cá nhân, họ có thể làm cho người khác vui, có cuộc sống tốt đẹp hơn, và họ lấy đó làm niềm vui, làm động lực cho mình. Người có đức hi sinh luôn được nhiều người yêu mến, tin cậy, quý trọng. Không chỉ vậy, người có đức tính hi sinh còn thể hiện được sự dũng cảm của bản thân.
Đức hy sinh được thể hiện ở nhiều thời điểm, nhiều nơi, nhiều khía cạnh khác nhau.
Có thể thấy trong các cuộc chiến tranh, sự hi sinh là vô cùng nhiều, được thể hiện ở các chiến sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đối mặt với giặc, với cái chết cũng vì một mục đích là hòa bình dân tộc.
Không chỉ trong thời chiến mà trong cuộc sống ngày nay, những thanh niên tình nguyện đã hy sinh bao giọt máu, bao bộ phận trên cơ thể,… để mang đến sự sống cho nhiều người bệnh tật khác, mang lại hạnh phúc cho họ. Cử chỉ nhường áo phao trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ của anh Trần Hữu Hiệp đã nói lên sự hi sinh lớn lao của anh. Hay chuyện em Nguyễn Văn Nam tuổi đời khá trẻ ở Nghệ An dùng hết sức lực để cứu nhóm học sinh khỏi đuối nước.
Trong gia đình, có hình ảnh những người cha, người mẹ hi sinh vì con cái, anh em nhường nhịn nhau, sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về mình...
Trong môi trường giáo dục cũng cần lắm tính hi sinh ở mỗi người. Nói như vậy ắt sẽ có người cảm thấy điều gì đó hơi xa vời bởi nói chữ “hi sinh” cảm giác lớn lao quá. Nhưng không! Nếu không có sự hi sinh trong những điều nhỏ nhặt mà chỉ muốn làm việc nổi trộiđể người khác nhìn thấy được thì bản chất không được gọi làhi sinh nữa. Đôi khi nó chỉ là những việc vụn vặt thật nhỏ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Những việc khi làm xong ta có thể không còn nhớ đến. Nếu có thể kể được hết chi tiết bằng lời những việc đã làm thì bản thân tôi cảm thấy sự hi sinh đó lại không còn ý nghĩa và không còn nguyên giá trị của sự hi sinh nữa. Chẳng khác nào cố gắng làm để kể công. Làm trong sự vui vẻ, không so đo tính toán thiệt hơn, không nghĩ nhiều về việc bản thân mình được gì và mất gì sau khi làm.Mỗi người chúng ta biết hi sinh cho nhau một chút thì mọi công việc trở nên nhẹ nhàng.
Tuy sự hi sinh của tôi không phải là những việc lớn để đáng kể nhưng tôi tự cảm thấy vui hơn vì mình có sự thay đổi tích cực đối với bản thân so với trước đây. Cùng một việc, nhưng tôi có thể vui vẻ hơn khi nhận và làm việc. Đôi khi đó là những việc không liên quan đến chuyên môn, là những việc có thể nhiều người không muốn nhận về mình bởi không mang đến lợi lộc gì cho bản thân.
Trong công tác chủ nhiệm tôi cũng luôn hướng các em về đức tính hi sinh. Ở đây tôi xin nêu một việc nhỏ và cụ thể trong lớp chủ nhiệm mà tôi cảm thấy vui khi bản thân mình đã mang tinh thần này đến với các em học sinh của mình. Đó là việc chọn đồng phục cho cả lớp trong dịp cắm trại “Khi tôi 18”. Để các em tự bàn bạc quyết định màu và mẫu áo. Mỗi em một ý. Trong thời gian 2 tuần nhưng vẫn chưa quyết được. Em nào cũng muốn mình đẹp theo ý của bản thân. Chỉ mỗi logo trên áo mà cũng không thống nhất được. Ai cũng có ý tưởng hay theo cách của riêng mình. Cho đến khi bằng vài lời nói có màu sắc của sự hi sinh gửi đến lớp, tôi thấy ngay kết quả trong sự mong đợi. Các em lắng nghe với thái độ tích cực và sau đó cả tập thể lớp rất vui vẻ hài lòng với sự thống nhất chung. Kể từ đó những việc trong lớp mang tính tập thể luôn giải quyết nhanh trong tinh thần vui vẻ, các em không còn so đo sợ bị thiệt thòi hay so sánh hơn thua trong công việc chung của lớp. Lớp đoàn kết hơn.
Trong tập thể giáo viên, cũng chỉ là chuyện đồng phục thôi nhưng vẫn còn một số ít chưa có được tinh thần này. Hay bên cạnh sự hi sinh thầm lặng trong công việc của nhiều thầy cô thì hiện nay vẫn còn một số ít giáo viên còn thờ ơ với công việc chung của trường. Họ chẳng quan tâm đến việc người khác đã hi sinh như thế nào, mà họ dường như chỉ có nghĩ cho bản thân mình được gì mà thôi. Việc nào làm có lợi cho mình thì họ mới làm, họ luôn sợ bị thiệt thòi. Những việc khó không muốn làm, luôn tìm cách né tránh, đùn đẩy.
Tôi thiết nghĩ, tôi có lĩnh hội được tinh thần này chút ít, tích cực hơn là nhờ những gương hi sinh lớn lao như trên, hay những việc tử tế, những trường hợp kém may mắn tôi xem trên ti vi hay mạng xã hội. Nhưng gần hơn là trong trường, tôi vẫn thấy có nhiều thầy cô thực sự đã làm rất nhiều việc trong sự nhiệt tình, cống hiến, không ngại khó, không tính toán so bì thiệt hơn chỉ vì tập thể học sinh, vì một tập thể trường Đoàn Kết. Một lí do nữa để tôi có thể có được tinh thần này là từ lúc tham gia vào Công Đoàn. Tôi hiểu được những vất vả của thầy Trịnh Văn Năm, của những người làm việc không tên. Tôi thiết nghĩ công tác Công Đoàn cần phải có sự thay đổi nhân sự thường xuyên hơn. Cần phải để nhiều người khác có cơ hội làm những việc này để họ thấy rõ hơn bản chất của công việc và hiểu rõ hơn sự hi sinh của người khác mà thay đổi bản thân mình và họ biết trân trọng sự hi sinh của người khác trong trường chúng ta.
Con người chỉ có thể yêu thương và giúp đỡ nhau khi họ biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác thì mới có thể hiểu và cảm thông để có thể hi sinh vì nhau và để cuộc sống thêm tươi đẹp hơn.
Trên đây là sự chia sẻ của bản thân về những điều tôi đã thực hiện được trong tinh thần nêu gương tốt trong cuộc sống. Mong được sự chia sẻ thêm của quý thầy cô về vấn đề này để tôi được tốt hơn mỗi ngày. Xin cảm ơn!
Người trình bày
Trần Kiều Quyên
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai