Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 13
Trong ngày: 395
Trong tuần: 3172
Lượt truy cập: 5720909


ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY  "KHÓC GIỮA CHIÊM BAO"
Lượt xem: 1042

 

 






ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY "KHÓC GIỮA CHIÊM BAO"

lieen_2

Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt đường đê sụt lở,
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn. 

Anh em con chịu đói suốt ngày tròn,
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa.
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về. 

Chiêm bao tan nước mắt dầm dề,
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng.
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng,
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.

Con lang thang vất vưởng giữa đời thường,
Đâu cũng sống không đâu thành quê được.
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp,
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.

Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa.
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao.

                                     (Vương Trọng)

      Không hiểu sao giữa bao nhiêu bài thơ viết về mẹ, tôi vẫn đặc biệt xúc động mỗi khi đọc bài thơ “Khóc giữa chiêm bao” của nhà thơ Vương Trọng. Có lẽ vì hình tượng người mẹ trong bài thơ trở nên thân quen quá đỗi với thế hệ chúng tôi trong những thập niên 80, 90 của thế kỉ XX. Với tác giả Vương Trọng cảm xúc về bài thơ đến từ những giọt nước mắt trong một đêm Hà Nội vào năm 1988, nhà thơ mơ về mẹ. Lạ lùng là trong giấc mơ nào cũng vậy bao giờ ông cũng mơ về những tháng năm khốn khó của gia đình. Những năm mà cuộc sống của anh em ông đè trên đôi vai gánh gồng của mẹ. Ông thường khóc trong giấc mơ gặp mẹ. 

     Đọc bài thơ của Vương Trọng, đồng hiện lên trong tôi không chỉ là hình ảnh của mẹ mà còn là của bố, là quê hương thân yêu mà khốn khó chạy suốt dọc tuổi thơ mình.  Hình ảnh “Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn” thân quen quá đỗi. Câu thơ vừa gợi hình, về hình ảnh người mẹ nông thôn với quang gánh trên vai với lúa, ngô, khoai, sắn. Vừa gợi cảm về người mẹ tảo tần một đời sương gió với bao nhọc nhằn, vất vả nhưng suốt đời chịu đựng, hi sinh, nhẫn nại đến vô cùng. Trong dáng hình của những người mẹ nông thôn ấy là mẹ tôi. Hình ảnh mẹ với quang gánh trong bóng chiều chạng vạng sau một ngày làm đồng vất vả và với sự hồn nhiên, tinh nghịch của trẻ con, tôi luôn được ngồi trong quẩy gánh của mẹ. Những năm tháng đó, đất nước còn nhiều khó khăn, củ sắn, củ khoai được hấp trong nồi cơm của nhiều nhà. Vậy nên câu thơ “Có gì nấu đâu mà nhóm lửa/Ngô hay hoai còn ở phía mẹ về” khắc vào tim rất nhiều cảm xúc. Hình ảnh mẹ giữa thời khoai sắn ấy lại mang một vẻ đẹp thật dung dị. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ với tóc búi sau đầu đứng “rê” lúa dưới gốc dừa ngay đầu làng, cạnh bờ ao. Nhớ mẹ ngồi “vặn” lạc, đập lúa dưới ánh trăng. Nhớ quá những chiều mẹ ngồi bên bậc cửa, khâu áo cho con... Nhớ câu hát, lời ru của mẹ bên canh võng trong căn già ba gian. Nhớ những rổ tôm, rỏ tép mẹ bắt được trên ruộng đồng và vội vã đem ra chợ bán để đổi lấy cho con những thức quà mong đợi. Rồi nơi đó tuổi thơ con được ru hời theo nhịp võng đong đưa, được trôi đi dù vất vả nhưng giữa xóm làng bình yên, giữa tình thương của mẹ. Chỉ vài câu thơ của Vương Trọng mà như điệu hát câu ca gợi lại bao kí ức, mà trong dòng kí ức nào mẹ cũng tuyệt vời đến nhiệm màu như một miền cổ tích. Để khi con đi xa đến tận cùng vẫn nhớ quay quắt một thủa thiếu thời bên mẹ, bởi vì “Quê nghèo mấy cuộc bể dâu /Mẹ nuôi con lớn đủ đau cả đời”.

     Tôi lớn lên học đại học ở miền Nam đất nước, bắt đầu xa mẹ, xa quê từ dạo đó. Bao biến thiên của đời càng khiến bản thân chiêm nghiệm được một điều rằng, giữa bao nhiêu thứ tình, thì tình mẫu tử vẫn là thiêng liêng nhất, vẫn luôn là cội nguồn của mọi niềm yêu thương trên đời. Kí ức tuổi thơ bên mẹ cha dưới gốc dừa, bờ ao, bên con kênh nhỏ và hai bờ ruộng lúa mãi theo tôi suốt cuộc đời. Nhiều năm sau này tôi đã mất đi ngườ bố kính yêu, nhiều lúc cũng như thi sĩ thèm được gặp ông trong những giấc chiêm bao nhưng tuyệt nhiên không thấy. Khi tỉnh dậy nước mắt tràn gối nhưng tự nhủ lòng mình vẫn may mắn vì vẫn còn mẹ, vẫn được mẹ nắm tay đi giữa kiếp nhân sinh, và thấy mình còn hạnh phúc biết bao!

     Đọc và ngẫm bài thơ của Vương Trọng giữa tháng 5 oi nồng của những chùm phượng vĩ đỏ rực, của những tiếng ve râm ran dưới những vòm lá gợi nhắc về sự chia li của tuổi học trò, thấy lòng thật dịu mát. Mong các em 12 vững vàng bước vào đời và luôn mang theo mình sức mạnh tinh thần lớn lao nhất của đời – tình mẫu tử. Và chúng ta hãy tin rằng: đường thênh thang trải bước con đi, mẹ luôn dõi nhìn theo. Gieo neo, tuyệt lộ con trở về, mẹ vẫn nơi đây, chờ con. Vì mẹ mãi mãi là duy nhất!

                                                      Cảm xúc nhân “ngày của mẹ” 12/5/2019

                                                                      Cô Nguyễn Thị Hằng

 

 

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai