Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 13
Trong ngày: 1106
Trong tuần: 3101
Lượt truy cập: 6059018


KỈ NIỆM THĂM VĂN MIẾU TRẤN BIÊN
Lượt xem: 340

 

 

KỈ NIỆM THĂM VĂN MIẾU TRẤN BIÊN

                        van

 

Có một vùng đất đã đi vào lịch sử, vào thơ ca với “miền đất đỏ”, “một dải mênh mông” hoang vu, bí ẩn thủa xưa:

Nơi Trấn Biên xưa có miền đất đỏ

Liền biển xanh một dải mênh mông

Trời hôm vừa lóe rạng đông

Từng đàn lũ lượt ra công dựng là

       ( Trịnh Hoài  Đức - Bản dịch trích trong “ Văn hóa Nam Hà”)

Cho đến một ngày vùng đất ấy trỗi dậy sức sống của những con người hào kiệt:

“Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên,  lớp lớp anh tài vang lục tỉnh

Võ Trường Toản mở trường Gia Định, đời đời sĩ khí nối tam gia".

Vùng đất đó chính là Đồng Nai,mảnh đất cực nam tổ quốc. Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất này đều cảm thấy lưu luyến khó quên bởi “gạo trắng nước trong”, bởi một rứng quốc gia Nam Cát Tiên trù phú, bởi một thác Giang Điền mộng mơ… và đặc biệt không thể quên văn miếu Trấn Biên- nơi khí thiêng của đất trời phương nam hội tụ.

            Nếu như  đất Bắc có Văn miếu Quốc Tử Giám làm rạng danh, miền Trung có Văn Thánh Miếu của đất Cố đô  thì phương Nam có Văn miếu Trấn Biên nêu cao đất học, khí phách con người Nam bộ  thành  đồng Tổ quốc. Nếu lịch sử dân tộc đã từng ghi dấu một hào khí Đông A ngất trời thời Trần thìtrong tiến trình lịch sử 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, những bậc tiền nhân đi trước đã để lại cho các thế hệ hôm nay một “hào khí Đồng Nai” gắn liền với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, sống nghĩa tình thủy chung, yêu nước nồng nàn. Biên Hòa - Đồng Nai còn tự hào là nơi có Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng đầu tiên ở phía Nam. Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trong bối cảnh vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã khá ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (có Nông Nại Đại Phố, có dinh trấn...) như một sự xác lập vị thế địa văn hóa - chính trị của vùng đất. Năm 1698, khi Chưởng cơ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở đất thì vùng Đồng Nai bấy giờ đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất ở phía Nam. Đó là Cù Lao Phố. Nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho vùng đất mới, 17 năm sau, năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên, với vai trò như một trung tâm văn hóa-giáo dục ở vùng đất Đồng Nai. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.

Số phận của Văn miếu Trấn Biên dường như mang đậm hơi thở, thăng trầm của mảnh đất Đồng Nai gian lao mà anh dũng này.Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (1794). Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Công trình kiến trúc này bị tàn phá khi giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa năm 1861. Niềm kiêu hãnh, tự hào của Đồng Nai bị hủy diệt. Những tưởng Văn miếu đã chìm vào quên lãng khi khoác lên mình lớp bụi thời gian và chiến tranh. Nhưng không, con người Đồng Nai với tình yêu, tấm lòng hướng về cội nguồn đã dựng lại Văn Miếu ngay trên mảnh đất linh thiêng năm xưa vào khoảng thời gian ý nghĩa - kỉ niệm 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai. Năm 1998, văn miếu mới mang tên Trấn Biên được khôi phục lại trên nền Văn miếu cũ và hoàn thành vào năm 2002, tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chiến tranh, bom đạn có thể tàn phá đi Văn miếu song không bao giờ có thể tiêu diệt linh hồn của Văn miếu cũng như tinh thần, khí phách của những con người đất thành đồng

Điều kì lạ là ngay trong thành phố công nghiệp đông dân cư như Biên Hòa - Đồng Nai người ta lại có thể tìm thấy một không gian thoáng mát, yên tĩnh vơi phong cảnh hữu tình nơi Văn Miếu. Trước đây sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Phía Nam trông ra Phước Giang, phía Bắc dựa vào Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt...”. Ngày nay Văn miếu tọa lạc một bên là núi Long Ẩn và núi Bửu Long; bên ruộng đồng bát ngát với những vườn cây đặc sản Đồng Nai; và được ôm ấp bởi dòng sông Đồng Nai chảy mãi. Thoáng trong vẻ đẹp giản gị của Văn miếu hôm nay lai thấy ẩn hiện vẻ cổ kính trang nghiêm từ xưa vọng về, quả là Văn miếu được xây dựng trên hình sông thế núi, nơi hội tụ được tinh hoa của đất trời và khí thiêng dân tộc.

Từ cổng vào lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu

Nằm trang trọng chính giữa gian thờ là bàn thờ vị cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trang hoàng nghiêm trang và thiêng liêng thể hiện tấm lòng tôn kính cũng như khát vọng của những của những đứa con miền nam chưa một lần được gặp Bác. Dù chưa vào thăm miền nam thì Bác đã đi xa nhưng người vẫn sống trong tâm hồn của mỗi người dân “miền Đông gian lao và anh dũng”, trong khát vọng, trong mỗi bước đi lên của Biên Hòa - Đồng Nai hôm nay.

Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn,... bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông...Tất cả họ là những danh nhân văn văn hóa, những “hiền tài” qua thời gian đã tạo nên một “nguyên khí” để xây dựng đất nước Việt Nam. Đặc biệt, trong gian thờ nàycó trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt. Thể hiện tình cảm nhớ thương, ngưỡng vọng của người Nam Bộ về với cội nguồn như lời một nhà thơ đất Đồng Nai:                                 “Từ thủa mang gươm đi mở cõi

                                  Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

                                          ( Huỳnh Văn Nghệ)

Văn miếu Trấn Biên là niềm tự hào của miền Đông Nam Bộ, nó mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần lớn và  được xếp vào một trong 5 văn miếu cổ đánh dấu nền học vấn lâu đời ở Việt Nam. Đã từ lâu người Đồng Nai với tình yêu, kính trọng gọi Văn miếu bằng cái tên Văn thánh miếu, là nơi khí thiêng đất trời phương Nam hội tụ, là nơi kết tinh vẻ đẹp tâm hồn con người Đồng Nai kiên trung, hiếu học, cũng là nơi chắp cánh ước mơ trí tuệ bay cao bay xa của Đồng Nai hôm nay và mai sau. Có thể nói những hoạt động của Văn miếu Trấn Biên khá đa dạng, phong phú. Hằng ngày, Văn miếu mở cửa đón khách thập phương đến thưởng ngoạn, dâng hương, tưởng niệm. Riêng những ngày lễ lớn trong năm có những hoạt động văn hóa trang trọng, với sự tham gia của nhiều người tại Văn miếu. Theo đó, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian, như: cúng tế, xem biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ.. Ngày nay Văn Miếu Trấn Biên còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương nhân tài trên các lĩnh vực, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục mang tính truyền thống. Đặc biệt, lễ tết thầy được tổ chức vào mùng 3 tết âm lịch hằng năm mang nhiều ý nghĩa. Đây là dịp để học sinh, sinh viên trong tỉnh bày tỏ tấm lòng tri ân tới các thầy cô cũng như ôn lại truyền thống “tôn sư trọng đạo của dân tộc”. Đó đồng thời cũng là thời gian ý nghĩa với thầy cô giáo - những người lái đò thầm lặng có thể cảm nhận được sự cao quý trong nghề nghiệp của mình.  Có lẽ những hoạt động ý nghĩa như vậy chỉ có được nơi Văn miếu Trấn Biên.

Giữa cuộc sống bộn bề, giữa nhịp sống hối hả của thành phố hơn 300 tuổi, dừng chân lại nơi văn miếu với phong cảnh bồng lai, có sự giao thoa của đất, trời và hào khí của lịch sử khiến lòng ta tĩnh lại, một sự dừng chân để bước đi vững vàng hơn. Tự hào thay khi được sống trên mảnh đất thành đồng của tổ quốc, mảnh đất của hào khí Nam bộ hội tụ, mảnh đất “Đồng Nai hào phóng” như lời nhận xét của cố chủ tịch Phạm Văn Đồng. Mời bạn hãy về với Đồng Nai, về thăm Văn miếu Trấn Biên để thấy yêu hơn mảnh đất này và để thấy trước muôn trùng khó khăn phía trước người Đồng Nai vẫn rẽ sóng ra khơi tới những chân trời tươi sáng:

 “Gió ngang, thuyền ngược trăm đường
Đồng Nai hòa Thái Bình Dương dâng trào”

                                                       Cô Nguyễn Thị Hằng

 

 

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai