Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 97
Trong ngày: 819
Trong tuần: 3535
Lượt truy cập: 5727946


NHƯ NHỮNG CHUYẾN ĐÒ!!!
Lượt xem: 163


NHƯ NHỮNG CHUYẾN ĐÒ!!!

          Mỗi lần giảng về Nguyễn Tuân, tôi lại nghĩ suy về hành trình suốt đời đi tìm “cái đẹp” trong văn chương ông. Nguyễn Tuân – một người nghệ sĩ tài hoa, ngông nghênh, kiêu bạc luôn làm khó mình trong từng con chữ và luôn khắt khe trong cách nhìn người, nhìn đời. Ấy vậy mà cuối cùng “cái đẹp” – thứ “vàng mười” trong tâm hồn con người mà suốt đời ông tìm kiếm lại được phát hiện ở ông lái đò bình thường trên dòng sông Đà chứ không phải ai khác. Cuộc hành trình vượt qua sự phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở, qua ngàn con thác dữ để cập bến bình yên bằng tâm huyết và “tay lái ra hoa” của ông đò cứ gợi nhắc tôi nghĩ về những chuyến đò của những người thầy, người cô trường tôi trong những chặng đường đã qua – suốt 20 năm!

          Trong những cơn gió mát lành ở ven sông Đồng Nai cách đây hơn 10 năm về trước, lân đầu tiên tôi được gặp cô - cô Trần Thị An. Cô giản dị, mộc mạc trong bộ đồ quần tây, áo sơ mi. Đặc biệt cách nói chuyện dân dã và rất đỗi chân tình, khiến một sinh viên mới ra trường như tôi không nghĩ rằng cô là hiệu trưởng một trường phổ thông. Nhiều năm sau, tôi mới có cơ hội chuyển về dạy ở trường cô – trường THPT Đoàn Kết. Ngày cô nhận tôi chuyển về trường cũng chỉ bằng một cái bắt tay chân tình, một cái ôm nồng ấm và một điều kiện duy nhất “em hãy luôn giữ được lòng nhiệt huyết khi đứng trên bục giảng”... 

          Những năm tháng cô làm hiệu trưởng, chúng tôi quen dần với hình ảnh của một nữ lãnh đạo thường đến sớm nhất, về muộn nhất cơ quan. Quen với cách cô xử lí mọi tình huống một cách điềm tĩnh, có lí, có tình, nói ít làm nhiều, tế nhị trong từng lời nhận xét với những lỗi sai của giáo viên. Ở cô chúng tôi không thấy khoảng cách một người có quyền lực, thế nhưng cái uy quyền của cô lại toát ra từ sự chỉn chu trong từng việc cô làm, sự tận tâm trong mọi việc và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng giáo viên. Cô trẻ trung, hăng hái cùng các hoạt động của Chi đoàn giáo viên. Cô đọc thơ Nguyễn Du đầy cảm xúc, hát ngọt ngào những ca khúc về xứ nghệ trong các chương trình ngoại khóa cùng học sinh. Rồi lại sâu sắc trong những triết lí giáo dục “đối với những học sinh cá biệt, dù nghiêm khắc song thầy cô hãy cho các em những cơ hội để thay đổi”.

                                                                                14569

                                                                                        Các thầy cô trong lễ khai giảng năm học 2019 -2020

           Dù đã về hưu nhiều năm, song cô vẫn luôn gắn bó với trường trong rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Nghĩ về cô tôi nghĩ đến thứ quyền uy thật sự của một người quản lí – “đó là tài năng, là sự tận tâm và những giá trị để lại cho đời”.

          Trong miền nhớ của tôi về thế hệ các thầy cô, kí ức về cô Tạ Thị Sửu – giáo viên Địa Lí của trường thật đặc biệt. Cái tên cô cũng chân phương như chính con người cô vậy. Cô Sửu không nổi bật về ngoại hình nhưng tôi luôn nhìn thấy ở cô một vẻ đẹp dung dị, duyên dáng của một nhà giáo ưu tú, một người phụ nữ Việt Nam đích thưc. Tuy là đồng nghiệp với cô nhưng cô còn thuộc về lớp thế hệ những người thầy, người cô của tôi. Và đối với tôi, cô hoàn hảo trong tất cả vị trí của mình – một giáo viên có chuyên môn vững vàng, một giáo viên chủ nhiệm nhiệt tâm, một tổ trưởng tài năng, tâm huyết, một người phụ nữ tuyệt vời đúng nghĩa trong gia đình và ngoài xã hội. Sẽ chẳng ai quên “một thời vang bóng” với rất nhiều giải của môn Địa lí trong các kì thi học sinh giỏi tỉnh những năm về trước khi cô Sửu bồi dưỡng. Cô Sửu làm công tác chủ nhiệm đặc biệt thành công. Bao thế hệ học trò đi qua vẫn luôn nhắc về cô với tất cả sự tự hào vì đã từng học cô, được cô chủ nhiệm. Dạy cùng cô, tôi học được ở cô cách cô chia sẻ kiến thức, cách cô san sẻ yêu thương. Tôi thích nghe những lời nhận xét góp ý của cô trong các hội nghị chuyên đề, trong các tiết thao giảng trường vì nó vừa sâu sắc trí tuệ, vừa chân tình, thiện chí khiến người nghe “ngộ” ra bao điều hạn chế mà vui vẻ tiếp nhận, thay đổi. Rồi tôi thấy thẹn với quan niệm sống đầy sân si “có qua mới có lại” của mình khi thấy cô chân tình quan tâm tất cả mọi người kể cả những giáo viên trẻ mới về trường khi họ gặp ốm đau, bệnh tật mà không cần phải được đáp lại. Ngày chia tay cô về hưu, trong giây phút ngắn ngủi khi cô phát biểu, hội đồng sư phạm đã rất xúc động. Nhiều người đã không ngăn được những giọt nước mắt. Tôi hiểu rằng, lần đó không phải chúng tôi chỉ chia tay một đồng nghiệp mà chính là chia tay với một nhân cách lớn, như thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiển đã phát biểu “Viết về  cô Tạ Thị Sửu tôi như được chạm vào một miền ký ức, miền ký ức trong veo về một nhân cách, một chuẩn mực: Bình dị nhẹ nhàng giàu lòng nhân ái, nói ít làm nhiều, làm việc một cách tự giác nhiệt tình đam mê thầm lặng bằng cả Trí và Tâm. Cô  Tạ Thị Sửu thực sự là tấm gương về sự tận tuỵ, sự gần gũi, sự giản dị, khiêm tốn, mà  mãi một đời làm nghề chúng tôi học hỏi cũng không hết”.

       Trong suốt 20 năm Đoàn Kết, cặp vợ chồng thầy cô có một vị trí đặc biệt trong lòng bao thế hệ học sinh có lẽ chính là Thầy Trịnh Văn Năm (dạy Sinh) và cô Lê Thị Thúy Khanh dạy lịch sử. Cuộc đời cô thầy là một tấm gương sáng trong ngành Giáo dục. Khi nhắc đến vợ chồng thầy, nhất là thầy thì những người đã từng học, từng công tác với thầy đều phải thốt lên 2 chữ “tuyệt vời”. Một giáo viên dạy Sinh giỏi chuyên môn. Cũng như cô Sửu, đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh do thầy bồi dưỡng luôn xếp thứ hạng cao trong tỉnh. Không những vậy, thầy còn là một chủ tịch Công đoàn tuyệt vời khi luôn đấu tranh cho quyền lợi của giáo viên bằng tiếng nói thẳng thắn của mình, luôn chăm lo chu đáo đời sống giáo viên, nhân viên. Từ các buổi tiệc (thầy luôn ngồi cuối cùng khi đã sắp xếp hết mọi người), các buổi dã ngoại (luôn chuẩn bị đến từng viên thuốc cho mọi người). Còn nhớ ngày ba cô Mai (dạy Toán) mất, nhà cô neo người, thầy gần như túc trực suốt đám. Thầy cứ hòa mình vào cuộc sống của chúng tôi như  thế và vì người khác như thế, mà đôi khi sự cho đi của thầy khiến chúng tôi quên rằng cuộc sống của thầy biết bao phiền muộn. Cuộc đời cô thầy chỉ có một người con gái nuôi. Bao năm qua, mỗi lần ghé thăm nhà, mọi người không khỏi động lòng trước căn nhà nhỏ xiêu vẹo được che chắn bốn bên bằng mái tôn, không có gì giá trị ngoài rất nhiều bằng khen thầy cô nhận được trong sự nghiệp của mình và “rất nhiều người già” (mà mọi người thường nói) -  đó là bố mẹ cô, là mẹ thầy, mà thầy cô cùng phụng dưỡng bằng tất cả sự hiếu kính của mình.

       Tôi ghé thăm thầy cô vào tiết trời mưa lạnh của ngày lễ Vu Lan vừa qua, thầy mới từ viện về, thầy bị suy tuyến thượng thận, trong người mệt mỏi ớn lạnh nhưng vẫn ráng đón chúng tôi bằng tình cảm nồng hậu nhất. Cô khoe rằng giờ thầy cô đã có nhà mới, tâm nguyện lớn nhất là có thể để má chồng mất trong căn nhà mới khang trang thầy cô đã làm được. Nhưng thầy vẫn giữ lại căn nhà cũ đã cùng thầy cô trải qua bao thăng trầm và rất nhiều kỉ niệm. Rồi cô khoe thầy nằm viện mà bao học sinh, đặc biệt nhiều học sinh tận Tiền Giang thầy cô dạy cách đây 20 năm cũng lặn lội lên thăm thầy, cô xúc động lắm. Nghe những niềm vui cô kể, tôi thấy mắt mình…cay cay, sao ở đời có những con người bình dị mà vẹn tình, vẹn nghĩa đến như thế!!

       Những ngày này, Đoàn Kết hân hoan trong không khí kỉ niệm 20 năm thành lập trường. Trong cái tiết trời heo may của những ngày thu, tôi bâng khuâng hoài niệm về chặng đường đã đi qua. Một thoáng buồn vì những đổi thay: nhiều thầy cô tâm huyết đã chuyển công tác, hoặc đã phải nghỉ giữa chừng vì bạo bệnh. Rồi ấm lòng khi nghĩ đến những người thầy cô của một thủa, những cây cao bóng cả của trường như thầy Năm, cô Khanh, cô An, Cô Sửu, thầy Lộc...những người thầy, người cô mà tôi tin rằng dù trải qua bao vòng xoáy của cơ chế thị trường họ vẫn giữ được chất “vàng mười” trong tâm hồn. Vẫn là những người lái đò với bao chuyến đò tuyệt vời mà hẳn là nhưng khách qua sông mỗi khi có dịp nhìn về những bến sông xưa vẫn luôn tự hào về những người đưa đò đáng kính năm ấy!

     Tôi tin rằng dẫu tháng năm đi qua, dẫu hạ đi, thu tới thì những điều tốt đẹp, những giá trị thật mà thế hệ những cô thầy đã đi qua vẫn còn mãi nơi đây như giọt sương đọng lại trên hoa sen cuối mùa trong những vần thơ Haicư mà thầy tôi từng viết:

                  “Hoa sen cuối hạ
                              Sương trên lá
                              Thu sớm trong chén trà”

Và khi soi mình trong những giọt sương đó, ta sẽ thấu rõ hết vui buồn của 20 năm!

                                                                                                                       Cô Nguyễn Thị Hằng

                                                                                                            (Cảm xúc nhân dịp Đoàn Kết tuổi 20)

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai