Đang truy cập: 30 Trong ngày: 904 Trong tuần: 3516 Lượt truy cập: 6537069 |
Ngay sau khi Hà Nội công bố ca đầu tiên cũng là ca thứ 17 của Việt Nam nhiễm Covid-19, nhiều người dân hoang mang, lo lắng, đổ xô đi siêu thị, trung tâm thương mại, chợ mua nhu yếu phẩm… Đối mặt với chuyện này người dân Thủ đô không nên hoang mang, chúng ta hãy cùng tin Chính phủ và Bộ Y tế để cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Ngay sau khi công bố ca Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội tối 6/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung kêu gọi người dân Thủ đô bình tĩnh, nhưng vẫn không lơ là. Đồng thời mong người nhận thức được nguy cơ lây nhiễm, hiểu mức độ nguy hiểm của dịch. Khi ở nước ngoài về thì phải tự cách ly, thông báo cho cơ quan y tế, tránh kéo dài mất thời gian vàng cách ly kiểm soát dịch. Ông Chung nhận định Hà Nội có nguy cơ cao nhất phát sinh các ca nhiễm COVID-19 do công dân của gần 90 quốc gia có người nhiễm đang lưu trú hoặc sinh sống trên địa bàn thành phố.
Chia sẻ với lo lắng của người dân Thủ đô khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng kêu gọi người dân không tích trữ thực phẩm vì TP đủ khả năng cung cấp.
Về nguồn cung thực phẩm, Bí thư thành ủy Hà Nội cho biết lãnh đạo thành phố đã chủ động liên hệ với các đơn vị. Theo đó, Phó tổng giám đốc siêu thị Big C cam kết đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng, và thành phố cũng khẳng định đủ nguồn hàng cung cấp cho dân, vì thế người dân không phải tích trữ thực phẩm, bởi việc xếp hàng mua thực phẩm quá đông khiến nguy cơ lây nhiễm cao.
Các siêu thị khẳng định nhà cung cấp sẽ đưa hàng hoá vào siêu thị liên tục trong ngày nên người dân không cần mua đồ tích trữ. (Ảnh: Phạm Cường) |
Liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội, ngày 7/3, Bộ Công Thương khẳng định nguồn dự trữ hàng hóa vẫn dồi dào, đảm bảo nguồn cung nên khuyến cáo người dân không nên hoang mang lo lắng.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước.
Ngay trong hôm nay, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, người dân cần bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn về y tế, không hoang mang theo các thông tin đồn thổi để chung sức chống dịch bệnh.
Thứ trưởng cho rằng, các thông tin như kêu gọi tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là những điều không đúng đắn và nhấn mạnh rằng, chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống còn mạnh hơn thời dịch SARS năm 2003. Việt Nam sẽ kiểm soát được Covid-19 và hiện đủ năng lực để chống dịch bệnh viêm phổi.
Đồng quan điểm, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ và găm hàng có thể khiến giá thực phẩm tăng bất thường và những người nghèo, người có thu nhập thấp khó có thể mua được, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật và gia tăng sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng trong xã hội trong việc tiếp cận những cơ hội đảm bảo sức khỏe.
Bên cạnh đó, hành động này cũng phản ánh ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân trong xã hội chưa cao, vẫn còn mang tính vị kỷ, nghĩ cho bản thân. Điều này phần nào đi ngược lại với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm và sẻ chia của ông cha ta ngày xưa.
Giá rau xanh ngoài chợ ổn định và có xu hướng giảm so với trước Tết. (Ảnh: Đỗ Thoa) |
Theo TS Sơn, lúc này, người dân hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên. Những trường hợp bị cách ly sẽ được hỗ trợ. Vì thế, người dân không nên cố tìm cách thoát cách ly. “Những ngày này nên tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng và chất chống ôxy hóa để đảm bảo sức khỏe chống lại các mầm bệnh” - TS Trương Hồng Sơn khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, người dân đừng cố gắng tích trữ đồ ăn, đừng khiến mọi siêu thị đều trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và lây lan bệnh cho nhau... nhanh nhất. Nếu tất cả bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua thực phẩm gần nhà và mua đủ dùng, thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu, có thể gọi hàng online… Năng lực thị trường vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân mà không cần phải tích trữ.
Theo lý giải của các chuyên gia y tế, không phải tự dưng Trung Quốc có số ca tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lý tích trữ đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly và tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Mãi về sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, nhưng cũng đã là quá muộn... đã có nhiều người phải ra đi...
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên. Tự chăm sóc nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình. Theo dõi nguồn thông tin chính thống, tránh hoang mang. Vấc xin hiệu quả nhất lúc này là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình. Người dân tin ở y tế, cơ quan chức năng, tạo niềm tin và động lực cho ngành y tế chống dịch hiệu quả.
Sau ca thứ 17 nhiễm Covid-19, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 ngày 7/3, Bộ Y tế cho biết, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Tình huống này đã nằm trong kịch bản và cơ quan chức năng đã kiểm soát được những người tiếp xúc.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là ca lây nhiễm hẹp, và đến nay các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân đã được khoanh vùng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Ngay khi xuất hiện ca bệnh, Hà Nội đã rà soát, xác định các trường hợp tiếp xúc để tổ chức cách ly y tế theo quy định, kiểm soát được những người tiếp xúc nhằm ngăn chặn, không để lây nhiễm rộng ra cộng đồng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó. Tối 6/3, khi xuất hiện ca nhiễm này, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, lập danh sách những người tiếp xúc để tổ chức cách ly ngăn chặn dịch bệnh theo quy định.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 chụp ảnh cùng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong ngày ra viện. (Ảnh: Đỗ Thoa) |
Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để thực hiện giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ, chuẩn bị các cơ sở vật chất để điều trị, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dịch…
Là người nghiên cứu lâu năm về virus, bà Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết virus corona chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố. Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn. Thứ hai là những người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn. Với người khoẻ mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh.
Hiện ở Hà Nội đã cách ly chặt chẽ người bệnh và những người tiếp xúc nên đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm.
Có thể nói, hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại thành phố Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng. Việc ý thức tự giác là việc làm vô cùng cần thiết ở thời điểm hiện tại, khi mà nỗi lo ngại về sự lây lan ngày càng lớn. Bên cạnh đó, người dân không nên chủ quan hay quá hoang mang, cần hết sức cảnh giác để bảo vệ chính mình và cả cộng đồng.
Vừa rồi chúng ta đã chống dịch rất tốt. Hãy tiếp tục làm như thế và hơn thế. Vi rút Corona chắc chắn không thể đánh bại chúng ta. Chúng ta cần mạnh mẽ, cần đoàn kết để chiến thắng.
Xin nhấn mạnh rằng, vắc xin hiệu quả nhất lúc này là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình. Chúng ta làm theo đúng lời khuyên của các chuyên gia y tế bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch COVID-19. Chúng ta làm đúng hết các khuyến cáo trên thì niềm tin thắng dịch COVID-19 chắc chắn trở thành sự thật rất gần.
Thầy Trần Nguyễn Hùng Minh sưu tầm
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai