Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 27
Trong ngày: 875
Trong tuần: 3527
Lượt truy cập: 5729182


Lượt xem: 90

 

HỌC, CHUYỆN… DỄ ÒM!

    Học chẳng những là chuyện… sướng mà còn là chuyện… dễ òm nữa! Thật vậy, để học sao cho sướng thì phải thấy sự học là vì mình, cho mình, chớ không phải cho cha mẹ… vợ con gì cả! Học mà cứ canh cánh bên lòng rằng là vì cha mẹ, vì vợ con, vì muốn cho cha mẹ vui lòng thì dễ chán nản lắm!

    Do vậy, tốt nhất đừng tự tạo sức ép cho mình. Phụ huynh cũng không cần tạo áp lực cho con em. Ngu, không chịu học, ráng chịu! Nếu thấy không đủ sức học một cấp lớp nào đó, cứ xin chuyển trường chuyển lớp cho vừa sức. Nếu chỉ yếu một vài môn thôi thì tự rèn luyện hoặc tìm một thầy giỏi – giỏi cả tâm lý – biết cách làm cho một bài học ngán như cơm nếp thành món xôi gà ngon lành, ăn rồi muốn ăn thêm. Học vậy mới thấy sướng!

    Còn để học mà thấy… dễ òm thì phải có phương pháp. Người Pháp có câu ngạn ngữ “L’appétit vient en mangeant”, nghĩa là cứ ăn đi rồi sẽ thấy ngon, hay nói cách khác, cái ngon sẽ đến lúc đang… ăn. Học cũng vậy. Cứ học đi rồi sẽ thấy khoái. Phải học một lúc rồi mới bắt trớn, mới học say mê được! Do vậy, đầu năm học rất dễ bị mất trớn, dễ đổ lười. Phải ép mình vào khuôn khổ. Tự đặt ra cho mình một cái kỷ luật. Đúng giờ là ngồi vào bàn học. Không muốn cũng ngồi. Không muốn cũng học! Bắt đầu bằng một bài gì dễ dễ cho có trớn, khi có trớn rồi thì tìm cái khó hơn. Đến lúc mê rồi thí sẽ học quên cả… thở, quên cả ăn! Phụ huynh tinh ý thấy con đang học ngon trớn, tới giờ ăn cũng mặc kệ nó, lúc nào đói nó biết tìm cơm nguội để ăn, không lo. Bực bội nhất là khi đang học say mê mà bị gọi giật ngược bắt ăn cái này cái nọ, bắt ngồi vào bàn ăn với mọi người!

    Nên biết rằng ở não người bình thường chưa có con đường mòn trí nhớ (memory traces). Mặc dù số lượng tế bào não (nơron) sẵn có từ lúc mẹ sinh ra thì ai cũng như nhau, nhưng người rèn luyện thì mạch nơron truyền xung động do kích thích lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một cái rãnh ghi nhớ thông tin, gọi là đường mòn trí nhớ. Nhớ là quá trình thần kinh diễn biến lại trên mạch nơron ấy. Lúc đó, nó được kích hoạt trở lại để lục kho trí nhớ, lấy thông tin ra. Tóm lại, muốn có trí nhớ tốt thì phải luyện, phải rèn, phải tập. Cho nên ta mới có những từ như rèn luyện, tập luyện. Làm biếng, không rèn, không luyện thì còn đổ thừa cho ai? Ai cũng như ai về số lượng nơron, nhưng người có rèn luyện thì đường mòn mở rộng, trơn tru, tăng tổng diện tích. Não tự biết lọc bỏ những thông tin không cần thiết để làm trống kho chứa khi quá đầy, và biết giữ lại những thông tin quan trọng, mã hóa nó, liên kết nó để sau này dễ gọi lại. Hiểu vậy rồi ta thấy người càng học… càng giỏi! Người càng làm biếng càng… dở! Ham chơi thì sẽ giỏi chuyện chơi. Ham chưng diện thì sẽ giỏi chuyện… chưng diện! Tóm lại, vấn đề là do ta tự chọn lựa, tự quyết định. “Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra” là vậy!

    Chuẩn bị bài bằng cách đọc trước ở nhà, tìm thêm tư liệu rồi vào lớp nghe kỹ thầy giảng, ghi nhớ, đánh dấu… là cách làm cho đường mòn trí nhớ dễ gợi nhớ lại khi cần. Người ta không chỉ nhớ bằng mắt, mà còn bằng tai, mũi, lưỡi, tay chân! Đi xe đạp quen thì không cần để ý vẫn đạp được! Người biết cách học còn có khả năng biến một bài học dài ngoằng thành một đoạn ngắn, biết một đoạn ngắn thành một câu, một câu thành một chữ…. Nghĩa là… mã hóa để ghi nhớ cho dễ. Đến khi làm bài, sẽ biết cách kéo một chữ thành một câu, một câu thành một đoạn, một đoạn thành một bài… dài ngoằng, không thiếu ý. Tóm lại nên làm tóm tắt bài học khi vừa học xong. Nhiều khi tưởng đã thuộc rồi mà hóa ra vẫn chưa. Phải biến bài học từ miệng, mắt mũi… thành bài học của não, nghĩa là “nhập tâm”. Rồi biến bài học chung cả lớp thành bài học riêng của mình. Lúc lên giường ngủ, nhẩm lại đầy đủ những nét chính rồi mới ngủ. Đêm, tiềm thức vẫn hoạt động. Trí nhớ vẫn làm việc, vẫn… siêng năng cày xới các rãnh trí nhớ một cách ngoài ý thức! Nhiều bài toán giải hoài không được, bực mình, đi ngủ quách, sáng sớm lấy ra coi, giải dễ ợt là vậy! Ngoài ra, cái gì gây xúc động thì nhớ dai. Chẳng hạn… mối tình đầu người ta nhớ dai lắm là vì bị xúc động mạnh. Còn hỏi nhà mình có mấy bậc thang thì dù mỗi ngày đi qua đi lại hằng chục lần vẫn… không nhớ! Có người học thấy như chơi, không vất vả gì cả mà vẫn nhớ rất tốt! Đó là nhờ chép công thức, định đề, định lý lên bàn ăn, lên cửa… toilet, để ngày nào cũng có dịp dòm ngó, không muốn nhớ cũng nhớ! Dĩ nhiên những bài cần tư duy sáng tạo thì phải biết học cách khác. Dành nhiều thì giờ để đọc rộng, coi báo, coi TV, đọc sách văn học, tiểu thuyết…. Nếu học nhóm cũng phải chuẩn bị bài kỹ, biết đặt vấn đề thảo luận, lật qua lật lại mới thấy được nhiều mặt, mới có nhiều ý tưởng hay.

    Tóm lại, chuyện học không những sướng mà còn… dễ òm nữa là vậy! Đồng ý?

                                                                                                                                         GV: Trần Thái Hoàng (sưu tầm)

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai