Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 15
Trong ngày: 454
Trong tuần: 3170
Lượt truy cập: 5719005


SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC
Lượt xem: 210

 

SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC

Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ ở  hai mặt tích cực và cả tiêu cực. Một trong những vấn đề nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay- Vấn đề đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.
Bạn hiểu gì về văn hóa đọc? Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức (Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình).

Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay dường như rất thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách, dù thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại thì không cần tới sách nữa? Hay họ lười đọc ? hay họ không biết chọn sách?

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong top đầu thế giới.

tramanh1

Cô Hoàng Trâm Anh chia sẻ kinh nghiệm đọc sách tại buổi tọa đàm “Sách và văn hóa đọc 25/3

Mặc dù Việt Nam vẫn thường xuyên phát động phong trào đọc, tuy nhiên, theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm và điều đáng tiếc nhất đó chính là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với đất nước Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Như vậy, rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều.

Với thực trạng như thế, mỗi chúng ta  cần phải suy nghĩ,  nhìn nhận lại chính bản thân mình? Văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa đến “đèn đỏ” nhưng đèn vàng đã cảnh báo một nguy cơ có thể đến. Đó là việc thiếu nghiêm túc trong việc đọc, không thấy rõ được vai trò quan trọng của đọc sách. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vì vậy đọc sách, tích lũy tri thức, kĩ năng từ sách là điều vô cùng cần thiết, nó cần thiết vì tri thức không có giới hạn, càng đam mê thành công lớn, thì càng phải đọc, đọc để đầu óc được sáng lạng, đọc để nói chuyện với người khác, đọc để viết, đọc để tăng độ hiểu biết, đọc để nhanh nhạy hơn, thông minh hơn … 

Lợi ích của việc đọc sách là vô cùng!

Để duy trì văn hóa đọc cho học sinh, cùng với đầu tư xây dựng thư viện trường học, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều hoạt động phát động phong trào đọc sách trong trường học như: tổ chức các câu lạc bộ, nhóm đọc sách, thi viết về cuốn sách hay, học qua sách… Tại trường THPT Đoàn Kết, cùng với mở cửa thư viện hàng ngày, mỗi lớp học của trường đều khuyến khích có một tủ sách để tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Và đặc biệt tổ Văn đã tổ chức cuộc thi “Giới thiệu cuốn sách tôi yêu” theo thường niên nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh. Cuộc thi không dừng lại ở việc các em học sinh đọc để tìm kiếm cho mình một giải thưởng cao nhất, mà qua đó đã mở ra một thói quen, một niềm hứng thú say mê đọc sách. Có thể là một số phận đau thương, bất hạnh hay một kĩ năng, nghị lực sống… đều tuôn đổ vào tâm hồn các em bao cảm xúc, suy nghĩ. Như thế ở giai đoạn đầu tổ Văn đã dần hình thành thói quen, kĩ năng đọc cho học sinh.

Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người. Nếu xét văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố trên. Nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc, cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ.

Nhưng đôi khi người ta nói văn hoá đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa là kỹ năng đọc của họ. Điều đó nói lên tầm quan trọng của kỹ năng đọc của mỗi cá nhân. Và chính khái niệm này cũng là một khái niệm đang phát triển và có nội dung hết sức phong phú.

Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc. Các thao tác tư duy đó là:

  1. Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ thông, tài liệu giải trí...).
  2. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân, trước hết trong các thư mục và mục lục thư viện, các nguồn tra cứu như: bách khoa thư, từ điển giải nghĩa, các loại sổ tay, cẩm nang... và biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong môi trường số (trong các cơ sở dữ liệu, trên Internet).
  3. Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp).
  4. Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc, kể cả vệ sinh khi đọc tài liệu như cách ngồi, khoảng cách giữa mắt và tài liệu đọc,v...v...
  5. Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập hộp phiếu thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp...
  6. Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.

      Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung  cốt lõi và biết vận dung những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Ngày nay người ta đặc biệt lưu tâm tới yếu tố thứ 6: biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống của mỗi người đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của họ.

    Người ta thường hay nói rằng: “Mỗi cuốn sách là một bức tranh kì diệu về cuộc sống”. Quả đúng là vậy, tìm và đọc được một quyển sách phù hợp, đó đã là một cuộc dạo chơi thú vị, vận dụng những điều đã đọc vào cuộc sống đó là một thành quả lớn. Vì những lợi ích vô cùng thiết thực của việc đọc sách, mong rằng chúng ta sẽ cùng chung tay phát triển văn hóa đọc của chính mình và của cộng đồng từ mỗi ngày hôm nay.

                                                 Tân Phú 25/3/2023

                                        Cô Hoàng Trâm Anh  (Tổ Văn)

 

 

 

 

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai