Đang truy cập: 11 Trong ngày: 324 Trong tuần: 3428 Lượt truy cập: 6377437 |
TRẦN VĂN ƠN – TẤM GƯƠNG TUỔI TRẺ KIÊN CƯỜNG, DŨNG CẢM
Trần Văn Ơn sinh ngày 29/05/1931 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Giặc tàn phá xóm làng, gia đình anh phải lưu lạc về Saigon sinh sống.
Năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn phản công. Tại Saigon, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức: biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi việc làm, HSSV bãi trường, bãi khóa liên miên. Giặc Pháp càng thua đau càng ra sức đàn áp, khủng bố nhân dân các vùng chúng tạm chiếm, trong đó HSSV cũng bị chúng bắt bớ, giam cầm.
Lúc bấy giờ Trần Văn Ơn đang học lớp đệ ngũ ( nay là lớp 8) trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), đã bí mật tham gia vào Đội Vũ Trang Diệt Aùc Trừ Gian của phong trào HSSV Cứu quốc. Ngày 18/05/49, đội vũ trang này đã thi hành án tử hình với hai tên mật vụ Nguyễn Văn Minh và Trần Tấn Phát.
Thực dân Pháp và tay sai càng hốt hoảng càng hung hãn phát xít. Ngày 1/11/1949, ban lãnh đạo HS Cứu quốc Saigon gồm 5 đồng chí là HS các trường Petrus Ký và Gia Long bị địch bắt. Ở trong tù mặc dù bị địch tra tấn, mọi người đều giữ vững khí tiết.
Để hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của bạn bè yêu nước trong tù, ngày 9/01/1950, 2000 học sinh và phụ huynh trường Petrus Ký và Gia Long kéo đến Sở Giáo dục Saigon đòi trả tự do cho 5 HS bị bắt. Đến 10 giờ sáng có thêm HS các trường Phước Kiến (Chợ Lớn), Taberd, .. và một số trường tư thục cũng xuống đường hỗ trợ. Cùng ngày, đồng bào đình công bãi thị, công chức không đến sở. Một phái đoàn đại biểu các đoàn thể nhân dân do luật sư Nguyễn Hữu Thọ kéo vào dinh Thủ hiến Trần Văn Hữu đưa kiến nghị đòi trả tự do cho các HS bị bắt.
Thực dân Pháp và Việt gian trả lời bằng cách bắt giữ cả phái đoàn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ bỏ lên xe bít bùng đưa đi nơi khác, đồng thời chúng tăng cường lực lượng bảo vệ dinh Thủ Hiến, sẵn sàng đàn áp.
Thái độ đó làm đám đông phẫn nộ, bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp và cảnh sát. Nhà cầm quyền không chịu nhượng bộ. HS không chịu giải tán, tập họp trước dinh trương băng, hô khẩu hiệu: nhân dân cũng tham gia mỗi lúc một đông, tăng cường bánh mì, thức uống.
Đến 3 giờ chiều thình lình cảnh sát và binh lính trong dinh bắn ra, rồi tràn ra đánh đập HS. Trần Văn Ơn và 6 nam nữ HS vượt khỏi đám đông tìm đường vào dinh Thủ Hiến đưa kiến nghị. Một loạt đạn vang lên ngăn họ lại. Nhiều HS bị thương, hy sinh, địch toan cướp xác, bạn bè và đồng bào giành lại, hai bên giằng co. Trần Văn Ơn bị thương nặng, trên tay vẫn còn cầm bản kiến nghị. anh được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy để cứu chữa, nhưng sau đó đã mất. Tin này truyền đi như luồng điện làm xôn xao cả Sàigon. HS lập tức kéo nhau đến Chợ Rẫy giữ thi thể anh và chuẩn bị đám tang bằng cuộc biểu tình.
Lễ tang Trần Văn Ơn được cử hành trên khắp các tỉnh thành cả nước. Hàng triệu lượt HSSV và đồng bào các giới đã đeo băng tang tham gia truy điệu để tỏ lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ chí căm thù. Đi trước quan tài anh là hai câu đối được viết bằng máu của HS:
Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống.
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời.
Kể từ đó, ngày 09/01 đi vào lịch sử đấu tranh và được chọn làm ngày truyền thống của HSSV Việt Nam. Truyền thống vẽ vang đó đã được các thế hệ HSSV kế thừa oanh liệt và trở thành bất diệt.
(Sưu tầm)
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai