Đang truy cập: 12 Trong ngày: 334 Trong tuần: 3427 Lượt truy cập: 6377507 |
VIẾT CHO NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC
Bạn thấy điều gì qua ánh mắt, nụ cười và gương mặt rạng ngời của một đứa trẻ khi nhận được món quà bất ngờ? Bạn thấy điều gì qua nụ cười nhẹ nhàng của một người cha sau một ngày lao động vất vả trở về nhà thấy những đứa con đang chăm chỉ học tập hay phụ việc nhà cùng mẹ? Bạn có thấy được niềm hạnh phúc của đứa trẻ và ngưới cha ấy?
(Nguồn: internet)
Vậy hạnh phúc là gì? Hạnh phúc với mỗi người là một khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có những người, hạnh phúc là khi họ đạt được một thành công rực rỡ, lớn lao, nhưng cũng có người, hạnh phúc chỉ đơn giản là một buổi sáng nhìn thấy nụ cười trên môi người mình thương yêu,…
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở con người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.” Mà nhu cầu của con người lại rất đa dạng:
Nhu cầu ăn uống, đi lại, duy trì nòi giống.v.v.. Đây là những nhu cầu tất yếu của sự tồn tại của con người.
Nhu cầu về môi trường sống: Với tư cách là một sinh thể, con người có nhu cầu được sống trong môi trường tự nhiên phù hợp và ngày càng đẹp đẽ chẳng hạn như nhu cầu duy trì nhiệt độ bình thường, thuận lợi cho hoạt động của cơ thể bằng việc sưởi ấm nhà ở hoặc làm cho nhà ở mát mẻ, chọn quần áo thích hợp.v.v…Con người còn cảm thấy hạnh phúc nếu được sống trong môi trường xã hội tốt, ở đó con người được phát triển toàn diện. Đó là môi trường có “tính người”.
Nhu cầu thẩm mỹ: Con người không những chỉ bằng lòng với sự thưởng thức cái đẹp của tự nhiên, của người và vật ở xung quanh mình mà còn sáng tạo ra cái đẹp bằng màu sắc, âm thanh, hình ảnh…qua hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn học.v.v…
Nhu cầu nhận thức: Con người là một sinh thể có tư duy, có nhu cầu nhận thức hiện thực và có xu hướng làm giàu vốn tri thức của mình. Nhu cầu nhận thức nâng con người lên trên mọi sinh thể khác, là nhu cầu đặc trưng của con người.
Nhu cầu tương trợ: không có sự tương trợ thì con người và xã hội không thể tồn tại được. Con người sống trong xã hội thì nhất định có ý thức và có nhu cầu giao tiếp, giúp đỡ lẫn
Các nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần đó tồn tại trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Xã hội càng tiến bộ, nhu cầu tinh thần càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người.
Mỗi người khác nhau về lợi ích, nhu cầu và khát vọng cụ thể. Sự khác nhau đó được giải thích bằng những phẩm chất và thiên hướng cá nhân ảnh hưởng bởi di truyền, những nhân tố dân tộc, xã hội và những điều kiện giáo dục, sinh hoạt v.v…Do những khát vọng và lợi ích của mỗi người hết sức đa dạng nên niềm vui, hạnh phúc cũng khác nhau. Rất khó xác định người nào hạnh phúc và người nào không có hạnh phúc, người nào hạnh phúc nhiều còn ai hạnh phúc ít hơn. Nhưng có thể nhận định về hạnh phúc của mỗi cá nhân căn cứ vào tương quan giữa nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất ở người đó và mức thỏa mãn những nhu cầu ấy; nghĩa là xem coi những lợi ích, nhu cầu nào được người đó quan tâm nhiều nhất. Đối với những người mà nhu cầu vật chất chiếm ưu thế thì tiêu chuẩn chủ quan của họ về hạnh phúc sẽ là mức độ thỏa mãn những nhu cầu vật chất,…
Ở những trình độ xã hội khác nhau, những nhu cầu về hạnh phúc và những tiêu chuẩn giá trị để đánh giá hạnh phúc của con người cũng khác nhau. Xã hội càng phát triển thì việc tạo ra những điều kiện để con người hưởng thụ và cống hiến ngày càng đòi hỏi cao hơn. Nhưng trong bất kỳ xã hội nào thì tiêu chuẩn khách quan của hạnh phúc đều là sự thống nhất lâu bền giữa sự khỏe mạnh, sự dồi dào về đời sống vật chất và sự phong phú về tinh thần. Sự thống nhất và sự tương quan hợp lý giữa các lợi ích là tiêu chuẩn khách quan cho hạnh phúc chân chính của con người. Đạo đức chính thống của mọi xã hội bao giờ cũng thừa nhận ưu thế của những nhu cầu tinh thần so với những nhu cầu vật chất. Kẻ chỉ thấy hạnh phúc ở sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất khó mà có được hạnh phúc bởi vì nhu cầu vật chất là nhu cầu tất yếu để tồn tại và duy trì khả năng tổ chức của một sinh thể. Sự thỏa mãn nhu cầu vật chất bao hàm sự bảo hoà, nó thường ngắn ngủi và có hạn. Nhu cầu tinh thần có giá trị dài lâu và sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần bao hàm sự sáng tạo nhu cầu mới. Tuy nhiên khi nói đến ưu thế của nhu cầu tinh thần so với nhu cầu vật chất, ở đây chỉ muốn nói đến sự xác định cụ thể ý nghĩa và giá trị của các nhu cầu với mục đích chỉ ra tiêu chuẩn khách quan của hạnh phúc chân chính.
Mặt xã hội và mặt cá nhân của hạnh phúc quan hệ chặt chẽ nhau vì những nhu cầu phát triển của xã hội chi phối nhu cầu của mỗi cá nhân, định hướng cho mọi hoạt động và nổ lực của cá nhân để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Làm thế nào để có hạnh phúc?
Hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống khác nhau đối với tất cả chúng ta, những gì làm cho một người hạnh phúc không nhất thiết mang lại sự hài lòng cho người khác. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đang hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng chúng ta không thể nhận ra nó. Con người ngày nay hối hả và nhộn nhịp với cuộc sống, chúng ta bị cuốn hút bởi những mong muốn về sự nghiệp, địa vị mà có rất ít thời gian để tận hưởng những điều mà làm cho chúng ta mỉm cười và thỏa mãn.
Hạnh phúc và sự hài lòng phụ thuộc hoàn toàn vào chính chúng ta, không ai có thể cung cấp cho bạn, nó là một cái gì đó bên trong bạn mà bạn phải tìm và làm việc hướng tới, hoặc nói đúng hơn, mang nó ra để bắt đầu tận hưởng cuộc sống.
Do vậy, hạnh phúc có thể được tìm thấy trong hiện tại từ cuộc sống gia đình, công việc, các mối quan hệ… Trong thực tế, nó có thể được tìm thấy trong bất cứ điều gì, và bất kỳ tình huống nào nếu bạn chỉ cần biết nơi để tìm và nhìn vào đúng hướng, bên trong bạn.
Nếu một người nói rằng “Tôi không có hạnh phúc” thì chính xác là người đó sẽ không bao giờ có hạnh phúc, dù người ấy có những cái mà người khác luôn mong mỏi. Còn khi bạn hỏi một người sống trong cảnh nghèo khó rằng họ có hạnh phúc không mà họ trả lời rằng “Lúc nào tôi cũng thấy hạnh phúc” thì thật sự là họ đã được hạnh phúc.
Như vậy, hạnh phúc đơn giản là khi bạn chịu nhìn nhận hạnh phúc bên mình. Hạnh phúc không hiện hữu trong bóng hình quá khứ hay niềm mong mỏi nơi tương lại, hạnh phúc là ngay trong thực tại nếu bạn biết nắm bắt nó ngay hôm nay.
Hãy nhớ lại những cảm giác tuyệt vời nảy sinh trong bạn khi ngắm hoàng hôn ở một nơi tuyệt đẹp nào đó. Hãy nhớ lại sự nhẽ nhõm và niềm vui khi bạn hoàn thành tốt đẹp một công việc nào đó, hoặc khi bất ngờ nhận được món quà thú vị… Tự bạn sẽ biết những hồi tưởng và ý nghĩ nào sẽ cho cảm giác dễ chịu.
Hãy quen với việc cảm thấy mình hạnh phúc và điều đó trở thành một trong những bài tập chủ yếu của bạn. Thường xuyên cười với bản thân, những người khác và để họ cảm nhận được rằng bạn đang hạnh phúc.
Cố gắng làm cho những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Khi thấy ai đó đang gặp nạn, cần trợ giúp, hãy đề nghị giúp đỡ họ. Đôi khi đó chỉ là những hỗ trợ rất nhỏ như chỉ đường ai đó đang lạc hướng, nhặt giúp cây viết… Nhưng chính từ niềm vui của người khác, chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy vui hơn.
Đừng quên những người đã làm cho cuộc đời bạn sáng sủa hơn, giàu có hơn, thú vị hơn, và hãy dành nhiều thời gian cho người đó.
Khi có những ý nghĩ và nỗi buồn, hãy xua tan chúng ra khỏi đầu và nhớ rằng có những hoàn cảnh bạn không đủ sức để thay đổi, vậy cách tốt nhất là phải bình tĩnh để suy xét mọi việc.
Cố gắng bớt chỉ trích hành động của người khác, khi đó bạn sẽ tránh được nhiều cảm giác tiêu cực cho mình.
Hãy quên đi sự ganh tị vì nó có thể làm hại cả cuộc đời bạn. Nhiều người cảm thấy mình bất hạnh vì những kỳ vọng của họ hoàn toàn không thực tế, bởi hạnh phúc chỉ là một cảm giác tương đối.
Tập cách tha thứ cho những người làm hại hoặc tổn thương bạn. Càng ghi nhớ, chất chứa những điều không tốt đẹp này sẽ càng làm cho bạn tiêu cực hơn với cuộc sống. Tha thứ và bao dung, con người sẽ tiến đến nấc thang hạnh phúc.
Đừng cố gắng ngay lập tức trở thành người hạnh phúc. Tất cả đều cần có quá trình. Do đó cách tốt nhất, bạn hãy vui mừng và tận hưởng với những việc nhỏ nhặt nhất.
Trần Mai Trung
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai