Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 28
Trong ngày: 904
Trong tuần: 3516
Lượt truy cập: 6537076


QUAN ĐIỂM NHO GIA TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC
Lượt xem: 34


     QUAN ĐIỂM NHO GIA TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC

av

  Khổng Tử là nhà giáo dục vĩ đại thời cổ đại, trong cuộc đời của mình Khổng Tử đã cống hiến thời gian rất lớn cho hoạt động giáo dục, đem lại thành tựu rất lớn, ảnh hưởng cũng rất sâu rộng.

       Bắt đầu vào khoảng ba mươi tuổi, Khổng Tử mở trường tư, cho đến năm bảy mươi hai tuổi qua đời, trong suốt thời gian hơn bốn mươi năm, bất kể là lúc làm quan, địa vị hiển hách, hay là lúc bôn tẩu giữa các nước chư hầu, thân gặp nguy hiểm, đều không ngừng hoạt động giáo dục. Rất nhiều tư tưởng giáo dục và phương pháp dạy học của Khổng Tử vẫn còn có ý nghĩa thực tiễn đến sự phát triển giáo dục ngày nay.

Hồ Chí Minh - nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam cũng đã từng viết :

“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

  Phần nhiều do giáo dục mà nên”

  1. QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC

                Để giữ gìn được trình tự kỷ cương xã hội,  Khổng Tử cho rằng cần phải coi trọng giáo dục và pháp luật. Nhưng biện pháp giáo dục là cái gốc lâu bền còn hình luật chỉ là cái ngọn. Dùng hình luật chỉ là tạm thời để giáo dục nhân dân.

                Xuất phát từ quan niệm đó, Khổng Tử dành nhiều tâm huyết vào đặt nền móng cho một nền giáo dục lý tưởng của ông, nền giáo dục đó cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau:

                - "Đại học chi đạo": nghĩa là học cho đến mức biến hóa được dân, đổi được phong tục tập quán của dân, làm cho người gần thì khâm phục, người xa thì yêu mến.

                - " Tại minh minh đức": chữ "Đức" ở đây được hiểu là chân lý được nhận thức, nghĩa là học đến mức thấu hiểu được các nguyên lý của trời đất, thấu hiểu mọi chân tơ kẽ tóc.

                - "Tại thân dân": Tức là sự học phải xuất phát từ tinh thần yêu dân mà học, học cho dân, cho con người. Bởi vì theo Khổng Tử đạo của đại học là đạo người, cho nên chỉ ai có tinh thần yêu nước, yêu người mới có thể hiểu lý lẽ của sự học.

                - "Tại chi ư chi thiện": tức là học cho tới hoàn thiện.

       Muốn đạt được sự minh đức, sáng rõ ngọn nguồn lý lẽ của tạo hóa và sự hoàn thiện của chân lý thì phải "cách vật trí chi" tức là phải tới nơi có sự vật, có sự kiện mà tìm ra ngọn nguồn của nó. Quả là phù hợp với tư duy biện chứng duy vật của thời đại ngày nay: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn". Theo Khổng Tử, mục đích của sự học là mục đích của một nền giáo dục: "Thành ý, chính tâm, tu thái, tề gia, trị quốc, thiên hạ bình", tức là học để hiểu biết, bằng sự hiểu biết đó mà định hướng cho họat động của mình sao cho thân “tu” được thì gia mới “tề” được, quốc mới “tri” và thiên hạ do đó mới “bình”.

II.TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC

Khổng Tử  cho rằng để xây dựng một quốc gia thái bình, thịnh trị, thì người trị vì đất nước phải chăm lo ba việc lớn: làm cho dân đông, làm cho dân giàu và dạy cho dân biết lễ nghĩa. Việc cai trị đất nước, trước hết phải làm cho dân giàu, vì có đủ ăn, đủ mặc mới học hành được, tiếp đến là đủ binh lực để bảo vệ đất nước và phải làm cho nhân dân trăm họ tin tưởng. “ Túc thực, túc binh, dân tín chi hỷ”. Nếu bất đắc dĩ phải bỏ bớt đi một điều thì bỏ việc binh, còn điều quan trọng nhất phải giữ được là dân tin, dân phục sẽ tạo ra sức mạnh làm gì cũng được. Khổng Tử rất coi trọng việc giáo dục, coi đó là cái gốc sâu xa, lâu bền để đào tạo ra con người nhân, lễ, nghĩa, trí, tín (ngũ thường), thực hiện được mối quan hệ “Tam cương” là cho đạo trời, đạo người hoà hợp trong một xã hội thanh bình. 

Khổng Tử là một nhà đại giáo dục, người đầu tiên mở trường tư  trong lịch sử phát triển của Trung Hoa. Ông chủ trương nền giáo dục là cần  thiết cho mọi người. Bởi vì nếu không được học tập thì không mở mang được sự hiểu biết về đạo lý làm người cũng như “ viên ngọc không mài dũa thì không thành đồ dùng được, người không học thì không biết đạo” (Lễ Kí) và kể cả những người có thiện tâm, thiện chí làm điều nhân, nhưng do không học cho nên nhiều khi cũng tối tăm, không phân tích, cân nhắc được lẽ phải, trái. Ông nói: “Muốn làm điều nhân nghĩa nhưng không thích học thì bị sự ngu dốt che lấp đi “ (Luận ngữ).

III. NỘI DUNG GIÁO DỤC

  1. Giáo dục cho mọi người:

                Xuất phát từ “nhân chính đức trị” Khổng Tử đã đưa ra chủ trương giáo dục “hữu giáo vô loại” nghĩa là không phân biệt xuất thân giàu, nghèo, sang, hèn, không phân biệt nơi ở, đều có thể tiến hành giáo dục, đả phá sự lủng đoạn của lãnh chúa quý tộc chủ nô đối với giáo dục.

                Bản tính con người vốn đều gần giống nhau, nhưng do sự khác nhau của điều kiện môi trường, giáo dục, tập quán ... mới làm cho đạo đức, tri thức và năng lực giữa mỗi người cách biệt nhau xa. Người nói: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” nỗ lực vận dụng công tác giáo dục một cách rộng rãi, là phương diện trọng yếu nhằm nâng cao tố chất con người, thay đổi bộ mặt xã hội, vì vậy ông nói: “từ người đem một gói nem trở lên đến xin học, ta chưa từng không dạy ai”.

                Tư tưởng này được Hồ Chí Minh quan tâm suốt cuộc đời làm cách mạng của mình và được nêu lên trong di chúc của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bật là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

  1. Học đi đôi với hành - Học đi đôi với tập: 

        Khổng Tử  chú trọng đến giáo dục đạo đức : nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, nhưng vẫn không coi nhẹ việc tinh thông nghề nghiệp. Ông khuyên môn đệ của mình “để chí vào cái đạo, giữ lấy cái đức, dựa vào cái nhân, tinh thông nghề nghiệp” (Luận ngữ ). Kết quả cuối cùng của việc học phải thể hiện được ở hành, như ông kết luận: “ Đọc thuộc ba trăm thiên Kinh Thi, nhưng giao cho việc hành chính không làm được, giao cho đi sứ không đối đáp được, tuy học nhiều nhưng chẳng ích gì” (Luận ngữ ). 

           Khổng Tử cho rằng, đối với nội dung đã học, án theo thời gian nhất định ôn tập và thực tập để củng cố tri thức - Ông viết: “Học nhi thời tập chi”.

           Thực hành tri thức, đạo lý của mình chính là ra làm quan giúp vua, giúp nước. Khổng Tử nói: “Trong lúc xã hội rối ren, không ra làm quan không phải là kẻ trí, không ra giúp đời không phải là người nhân”. Tuy nhiên, đối với người quân tử, học không phải để mưu cầu chức tước, bổng lộc.

           Tử Hạ - học trò của Khổng Tử - nói: “Mỗi ngày biết được điều mình chưa biết, mỗi tháng không quên điều mình đã học, có thể gọi là người hiếu học vậy”. Khổng Tử luôn luôn khuyến khích mọi người học tập, ông rất quý trọng thời gian, lấy làm tiếc rằng thời gian cứ trôi mãi không ngừng: “Nước trôi chảy như thế mãi không kể ngày đêm”. Tư tưởng ấy đã khích lệ sự hăng hái tiến thủ, có ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế.

           Phương châm giáo dục thế hệ trẻ của Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vấn đề này: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Trong thư gởi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường ngày 31/8/1960, Người nhắc nhở: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân”

  1. Kết hợp học và suy nghĩ:

                Sự liên quan giữa học tập và suy nghĩ là vấn đề quan trọng trong dạy học, cũng là vấn đề mà giáo viên và học sinh rất quan tâm. Khổng Tử nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy nghĩ thì mờ mịt, suy nghĩ mà không học thì nguy hại). Học và suy nghĩ phải kết hợp với nhau. Suy nghĩ phải lấy học làm cơ sở, mà học thì phải qua suy nghĩ mới có thể biến nó thành thứ của mình.

                Khổng Tử: “Ta từng suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ, dành trọn thời gian để suy nghĩ, nhưng vô ích, không bằng hoc tập” điều này nhấn mạnh rằng suy nghĩ phải lấy học tập làm cơ sở.

           “Nói điều đã qua mà biết điều sắp đến” là nguyên tắc và phương pháp học tập trọng yếu của Khổng Tử. Từ điều này suy ra điều khác, từ cái đã biết liên tưởng đến cái chưa biết. Coi trọng việc độc lập suy nghĩ, đã giỏi còn muốn giỏi hơn trong học tập. “Nêu ra một góc mà không biết lấy đó suy ra ba góc còn lại, thì không giảng lại nữa”, khích lệ học trò phát huy tính chủ động học tập và tư duy tích cực, và ông viết “ôn lại những cái cũ mà biết những cái mới” (ôn cố nhi tri tân). Trong học tập không chỉ thường xuyên ôn lại tri thức vốn có, mà còn phải thông qua ôn tập phát hiện ra những điều mới, có được như vậy mới có thể giáo dục học sinh những tri thức không ngừng đổi mới.

      Trong bài nói chuyện với cán bộ, học sinh trường Đại học sư phạm Hà Nội, Bác Hồ nói: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt, Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào, vì các cháu biết cả rồi. Học phải suy nghĩ, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”.

  1. Giáo dục phù hợp đối tượng:

      Trong dạy học Khổng Tử chủ trương “Dạy dỗ học trò, nếu học trò không phẫn vì không hiểu được thì thầy không giảng, không hậm hực vì không nói ra được thì thầy không khơi gợi”.

      Dạy dỗ học trò phải khéo dẫn dắt từng bước, đồng thời phải hiểu đặc điểm khác nhau của mỗi học trò, giáo dục tùy theo từng đối tượng. Trong luận ngữ có rất nhiều chỗ ghi lời học trò Khổng Tử hỏi về “nhân”, nhưng Khổng Tử lại tùy theo từng đối tượng mà đưa ra câu trả lời khác nhau. Tử Lộ và Nhiễm Hữu đều hỏi: “Nghe xong thì thực hành ngay có được không”, câu trả lời của Khổng Tử một thì phủ định, một thì khẳng định, vì Tử Lộ có tính muốn hơn người, cho nên phải ức chế lại, còn Nhiễm Hữu có tính rụt rè, cho nên phải động viên can đảm tiến lên.

      Khổng Tử chú trọng việc khơi gợi và dẫn dắt học sinh trong dạy học, tạo một môi trường học tập tự nhiên và bình đẳng, chú ý động viên học sinh phát biểu, không tùy tiện đưa ra kết luận, “Này Trọng Do! Ta dạy cho trò cách hiểu biết sự việc! Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, như thế gọi là biết vậy”.

       Khổng Tử luôn luôn đề cao việc giáo dục toàn diện :  Khi hỏi Bá Ngư (con của Khổng Tử) thì Trần Cang (học trò Khổng Tử) vui mừng nhận ra: “Ta hỏi một điều, biết được ba điều, được nghe tầm quan trọng của Kinh Thi, được nghe tầm quan trọng của Kinh Lễ, lại được nghe người quân tử coi sơ con mình”.

        Trong chế độ mới, giáo dục nước ta cũng nêu rõ: Giáo dục phải phù hợp với lứa tuổi, giáo dục toàn diện, nhưng phải vận dụng phù hợp ở mỗi đối tượng.

        Hồ Chí Minh xác định: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên”. Người nói: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức”, “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn”.

        Trong Thư gởi giáo viên, học sinh (ngày 31/10/1955) Người đã chỉ ra: Mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:

       - Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.         

                - Trung học thì cần đảm bảo cho học trò  những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.

                - Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”.

  1. Quan hệ thầy trò:

     Thầy trò phải mến nhau, nhưng phải có những yêu cầu đánh giá chính xác, công bằng đối với học sinh.

      Khổng Tử cởi mở thẳng thắn đối với học trò, ông nói: “Khi đảm đương việc nhân, không nhượng cả thầy của mình”, thực ra chính là động viên học trò đối với vấn đề trọng đạo cứ mạnh dạn cùng tranh biện với thầy, dám đưa ra lời phê bình, đối với học trò quả thực “không giấu gì cả”.

      Khổng Tử hiểu rất rõ ưu điểm và khuyết điểm của học trò, ông chỉ rõ sở trường của ba học trò, biết được tài năng của mỗi người về các lãnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao. Ông chỉ ra khuyết điểm của Cao Sài, Tăng Sâm, Chuyên Tôn Sư và Trọng Do: “Trò Sài thì ngu, trò Sâm thì chậm chạp, trò Sư thì thiên kiến, Trò Do thì lỗ mãng”, phê bình Nhan Hồi “trò Hồi không phải là người giúp ta, đối với lời nói của ta không có lời nào trò ấy không vui lòng nghe theo”.

      Sự hiểu biết lẫn nhau giữa thầy trò rất sâu sắc, quan hệ tình cảm cũng rất hòa hợp. Học trò hầu chuyện “Xin được nghe chí hướng của thầy”, Khổng Tử ung dung trả lời: “Ta muốn người già được an vui, bạn bè đều tín nhiệm ta, người trẻ nhớ tưởng đến ta”.

      Ngoài ra, làm một người giáo viên còn phải tạo cho học trò một không khí học tập vui vẻ và bình đẳng, khuyến khích học trò phát biểu ý kiến của mình. Làm sao để học trò có tinh thần say mê học tập “muốn ngưng học tập cũng không được”.“Học không biết chán, dạy người không biết mỏi mệt“ (Luận ngữ ).

      Quan hệ giữa thầy trò không chỉ giới hạn ở lãnh vực dạy và học mà còn cả tình thương yêu, chăm sóc như người thân trong gia đình.

      Quan niệm về thầy giáo được Đảng ta đánh giá là rất quan trọng, rất vẻ vang. Theo Hồ Chí Minh “nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang”. Phải xây dựng đội ngũ những “người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”.

       Về phẩm chất của người thầy, “Phải thật thà yêu nghề mình”, phải có đạo đức cách mạng - phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc”, nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đấy là đạo đức cách mạng, phải “yên tâm công tác”, “phải thật thà đoàn kết”, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình”, “phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”.

      Những tư tưởng những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình hoạt động giáo dục của Khổng Tử là vô cùng phong phú. Đó là những kinh nghiệm quý báu không chỉ của nhân dân Trung Hoa mà cho cả toàn nhân loại.

Đó là:

  1. Coi trọng giáo dục trong sự phát triển văn hóa, kinh tế và ổn định chính trị của đất nước.
  2. Cần phải nâng cao dân trí, mọi người đều được học tập và phát huy tính độc lập, sáng tạo tư duy của người học và giáo dục phù hợp đối tượng.
  3. Học tập gắn liền với thực tiễn cuộc sống: học phải đi đôi với hành và phải biết vận dụng kiến thức học tập vào cuộc sống.
  4. Cần thiết phải xây dựng một đội ngũ thầy giáo đầy đủ phẩm chất, năng lực mới có thể phát triển mạnh nền giáo dục của nước nhà.

      Đặc biệt trong tư tưởng về giáo dục, Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với nền giáo dục tiên tiến của thế giới và với đặc điểm phù hợp với tình hình thực tiễn của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Người đã dày công xây dựng một đội ngũ cán bộ cách mạng giáo dục trên tinh thần “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” (Phạm Văn Đồng) và đến hôm nay, Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ IX đã định hướng: “Tiếp tục quán triệt quan điểm Giáo dục là quốc sách hàng đầu và tạo sự chuyển biến cơ bản toàn diện trong phát triển giáo dục đào tạo. Định hình quy mô giáo dục đào tạo, điều chỉnh cơ cấu đào tạo, nhất là cơ cấu cấp học, ngành nghề và cơ cấu lãnh thổ phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên các cấp.

                                                                           (Nguyễn Thành Tiến- SƯU TẦM)

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai