Chào Mừng Ngày Giải Phóng Miền Nam 30-04-2025 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 11
Trong ngày: 430
Trong tuần: 3637
Lượt truy cập: 6608439


TẢN MẠN NGHỀ DẠY HỌC
Lượt xem: 205

 

TẢN MẠN NGHỀ DẠY HỌC

Mấy hôm nay trên mạng tôi thấy rất nhiều thầy cô chia sẻ một đoạn video ngắn về những em nhỏ vùng xa tặng quà 20/11 cho cô giáo của mình. Em thì tặng cô vài con cua đồng mình bắt được với lời chúc “chúc cô bò nhanh như con cua”; em thì tặng cô vài củ gừng chắc cũng đào được trong vườn nhà với lời chúc “chúc cô đẹp như củ gừng”; em thì một bó hoa dại hái ven đường; …Vì sao đoạn video trên lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy? Vì nó phản ánh rất chân thực và sống động tình cảm thầy – trò. Những món quà thật đơn sơ, những lời chúc thật ngô nghê nhưng đều có một điểm chung là chúng chứa đựng một tình cảm thật chân thành và trong sáng mà các em học trò dành tặng cho cô giáo của mình. Xem đoạn video mà tôi không khỏi xúc động, chợt cảm thấy thật yêu cái nghề mà mình đã chọn.

h1 

 

 Ngày còn học ở trường sư phạm, tôi đã từng viết một bài văn có tựa “Câu chuyện của ba tôi” được đăng trên tạp san nhà trường, bài văn là những câu chuyện ba tôi kể tôi nghe về những năm tháng ông dạy học tại một trường miền núi cách đây khoảng 45 năm với những khó khăn thiếu thốn của thầy cô thời đó, về tinh thần hiếu học của học trò miền núi, về những tình cảm vô cùng trong sáng và tốt đẹp giữa thầy và trò. Những câu chuyện đó đã nhen nhóm ước mơ trở thành một người thầy trong tôi và là lý do tôi có mặt trong giảng đường sư phạm ngày ấy.

Hôm nay tôi đã là một thầy giáo với 21 năm đứng trên bục giảng, thời gian cũng đủ dài để cảm nhận bao thăng trầm nghề dạy học. Xem đoạn video trên mạng tôi vẫn cảm nhận được lòng yêu nghề của mình còn nhiều lắm. Tôi thấy rằng dù đâu đó vẫn còn những câu chuyện không vui trong ngành, nhưng cơ bản nghề dạy học vẫn là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói.

Hằng ngày đến trường được nghe những tiếng cười giòn tan, vô tư; được nhìn những gương mặt trẻ trung, tràn đầy năng lượng; được quan sát những trò nghịch ngợm “thứ ba học trò”; được thấy những ánh mắt sáng lên khi hiểu ra lời thầy giảng và nhiều ánh mắt với sự ngưỡng mộ dành cho người thầy của các em học sinh, … cảm thấy mình cứ như là thần tượng trong lòng các em, và điều đó đã tạo nguồn động lực to lớn để mình ngày càng hoàn thiện chính mình, để mình xứng đáng hơn với sự yêu mến, ngưỡng mộ ấy.

Mỗi giai đoạn, cách thể hiện tình cảm yêu mến người thầy có thể khác nhau, nhưng bản chất của lòng yêu mến, kính trọng thầy cô của học trò là không hề thay đổi.

         h21 

     Ngày xưa, đời sống còn khó khăn thiếu thốn, ăn còn không đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhưng từ tình cảm quý mến dành cho thầy cô mình mà các em dành tặng cho thầy cô mình lúc thì vài củ khoai, lúc thì ít hoa quả trong vườn nhà, quà là gì không quan trọng nhưng chắc chắn đó là những gì ngon nhất, tốt đẹp nhất mà các em có thể dành tặng cho thầy cô mình. Vậy nên thế hệ thầy cô ngày trước lương thì “ba cọc ba đồng” nhưng lòng yêu nghề vẫn luôn cháy bỏng vì nó luôn được thắp lên từ những tấm lòng hiếu học, từ tình cảm trong sáng mà học trò dành cho họ.

  h32  h44

    Ngày nay, xã hội phát triển, điều kiện sống được nâng cao hơn, đất nước hội nhập sâu rộng, đặc biệt là thời đại công nghệ 4.0 các em được tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp một cách không biên giới. Nên cách thể hiện tình cảm quý mến dành cho thầy cô mình cũng phong phú, đa dạng và sáng tạo hơn rất nhiều. Các em biết thể hiện tình cảm với thầy cô không chỉ dịp 20/11 mà cònnhiều dịp khác như 20/10, 8/3, ngày Tết, …các em còn nhớ cả dịp sinh nhật thầy cô để thể hiện lòng yêu mến của mình. Điều kiện sống tốt hơn cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để các em thể hiện tình cảm của mình, các em dễ dàng hơn trong việc mua một bó hoa, một món quà để dành tặng thầy cô; các em còn biết tạo những bất ngờ nho nhỏ nhân dịp này, dịp khác để mang niềm vui đến cho thầy cô mình.

         h55  

 

  Tuy nhiên, mọi thứ đều có tính hai mặt của nó, bên cạnh những món quà đơn sơ, mộc mạc chứa chan tình cảm của học trò còn có những món quà có giá trị vật chất lớn nhưng giá trị tình cảm có thể chưa rõ ràng và nó làm cho nhiều thầy cô cảm thấy bối rối và không thoải mái. Những món quà giá trị vô hình trung đã để lại một số điều không hay: Thứ nhất,

học sinh dễ dàng mua nó bằng tiền của ba mẹ cho (hoặc cũng có thể ba mẹ đã mua sẵn cho con) nên chưa chắc xuất phát từ tình cảm của các em, mà như vậy thì chúng ta chưa thể giáo dục được lòng biết ơn cho các em học sinh, thậm chí nó có thể làm méo mó cách nghĩ của xã hội về thầy cô, làm méo mó mối quan hệ thầy - trò; Thứ hai, dễ tạo cảm giác tự ti, mặc cảm cho các bạn học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn hơn vì không thể mua được những món quà giá trị giống bạn để tặng thầy cô, tạo áp lực lên các bậc phụ huynh còn hoàn cảnh mỗi dịp tri ân thầy cô. Vậy nên, ranh giới giữa việctặng quà để thể hiện lòng yêu mến, tri ân thầy cô và sự biến tướng của quà tặng là rất mong manh. Tôi luôn trăn trở về điều này, làm sao để các em học sinh hiểu đúng về lòng biết ơn? Làm sao để quà tặng thật sự là biểu hiện của lòng biết ơn, của những tình cảm quý mến vô tư của các em dành cho thầy cô?

         h66

 

Trong nhiều năm giảng dạy, tôi đã cố gắng thực hiện điều này, tôi cố gắng bằng nhiều cách để tạo cho các em sự trong sáng nhất, vô tư nhất về mối quan hệ thầy – trò và qua các bậc phụ huynh tôi cũng đã trao đổi rất rõ quan điểm này, quan điểm về giáo  dục lòng biết ơn không đồng nghĩa với những món quà giá trị vật chất cao. Đến nay, qua bao thế hệ học trò, qua những món quà đơn sơ, mộc mạc, qua tình cảm trong những lời tri ân mà các em dành tặng tôi cảm thấy mình phần nào thực hiện được điều mình mong muốn trong mối quan hệ thầy – trò vốn dĩ rất đẹp ấy.

Nhân dịp 20/11, xin được kính chúc quý Thầy Cô giáo, các bạn đồng nghiệp trên mọi miền Tổ Quốc nói chung và quý Thầy Cô trường THPT Đoàn Kết nói riêng thật nhiều sức khỏe, niềm vui, tràn đầy lòng yêu nghề, mến trẻ, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đào tạo nên bao thế hệ hiền tài cho Đất Nước, mãi là “Người đưa đò” vĩ đại trong lòng bao thế hệ học sinh.

Tân Phú, ngày 18 tháng 11 năm 2024

Trần Mai Trung

- Hình ảnh trong bài viết là những món quà tinh thần học sinh tự tay làm tặng mình.

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai