Chào Mừng Ngày Giải Phóng Miền Nam 30-04-2025 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 17
Trong ngày: 427
Trong tuần: 3637
Lượt truy cập: 6608413


Lượt xem: 5453

mục này có thể sử dụng cho việc giảng dạy quy luật phủ định của phủ định GDCD 10

Tác giả: Mai hữu Thành

MỤC LỤC

Trang

  1. A.    Mở  đầu……………………………………………………………………2
  2. Nội dung…………………………………………………………………..2

                   I.      Quy luật phủ định của phủ định……………………………...............3

                II.      Qúa trình vận dụng quy luật phủ định của phủ định trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng Cộng Sản Việt Nam ……………..………………….......................................7

  1. Kết luận…………………………………………………………………..11


 

  1. A.              MỞ ĐẦU

LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

 

            Quy luật phủ định của phủ định là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Quy luật nói lên khuynh hướng cơ bản, phổ biến của mọi vận động phát triển diễn ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Quy luật chỉ rõ quá trình vận động, phát triển của sự vật hiện tượng là quá trình phủ định biện chứng, theo đó cái mới ra đời trên nền tảng cái cũ, trên cơ sở kế thùa cái cũ còn phù hợp, lọc bỏ những cái lạc hậu lỗi thời, tạo tiền đề cho sự phát triên của sự vật không bị gián đoạn và siêu hình.

Ở Việt Nam,  từ khi ra đời, việc lấy chủ nghĩa Mac-Lenin làm “kim chỉ nam cho mọi hành động”,  đã có tác dụng hết sức lớn lao và có ý nghĩa thành bại đối với  các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có một lĩnh vực rất quan trọng chính là lĩnh vực văn hoá.

Với chủ trương xây dựng nền văn hoá “tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc”, torng đó coi trong yếu tố kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, Đảng ta cho thấy; đó là thành quả của việc vận dụng triệt để quy luật phủ định của phủ định trong xây dựng văn hoá mới.

Nhằm khái quát nội dung quy luật phủ định của phủ định; khái quát quá trình vận dụng quy luật này của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và đồng thời rút ra một số bài học, chúng tôi chọn: “Quy luật phủ định của phủ đinh và việc vận dụng của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” làm đề tài tiểu luận của mình.

 

 

Chương 1

QUAN ĐIỂM CHỦ NGHĨA MAC LENIN VỀ QUY LUẬT PHỦ ĐỊNH CỦA PHỦ ĐỊNH

            1.1. Phủ định, phủ định biện chứng

            Theo quan niệm của chủ nghĩa Mac – Lenin, trong thế giới, các sự vật, hiện tượng sinh ra tồn tại phát triển rồi mất đi, được thay thế bằng sự vật, hiên tượng khác; thay thế hình thái tồn tại này bằng hình thái tồn tại khác của cùng một sự vật, hiện tượng trong quá trình vận động phát triển của nó. Sự thay thế đó gọi là sự phủ định.

             Phủ định biện chứng không bao hàm mọi sự phủ định nói chung mà nó chỉ bao hàm những phủ định là kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn bên trong sự vật, hiện tượng tạo ra bước nhảy về chất, tạo tiền để, điều kiện cho sự phát triển, cái mới ra đời thay thế cái cũ.

            1.2.  Nội dung quy luật phủ định của phủ định

            Trong sự vận động vĩnh viển của vật chất, sợi dây chuyền của những lần phủ định biện chứng là vô tận, cái mới phủ định cái cũ, nhưng rồi cái mới này trở nên cũ và bị cái cũ sau phủ định. Sự phát triển của sự vật thông qua những lần phủ định như thế, tạo ra một khuynh hướng phát triển tất yếu là đi từ thấp đến cao một cách vô tận theo đường xoáy ốc. Trong những chu kì của sự phát triển, sau một số lần phủ định sự vật dường như lặp lại cái cũ, nhưng trên cơ sở cao hơn.

            Để chứng minh quy luật phủ định của phủ định một các dễ hiểu. Ăng-ghen viết: “ Hãy lấy ví dụ một hạt thóc. Có hàng nghìn triệu hạt thóc giống nhau dược xay ra, nấu chín và đem làm rượu, rồi tiêu dùng đi. Nhưng nếu một hạt thóc như thế gặp những điều kiện đối với nó, nếu nó rơi vào một mành đất thích hợp, thì nhờ ảnh hưởng của sức nóng và độ ẩm, trong minh nó sẽ nảy ra một sự biến hóa riêng, nó nảy mầm: hạt thóc biến đi không còn là hạt thóc nữa, nó bị phủ định, bị thay thế bởi một cây do nó đẻ ra, đấy là sự phủ định hạt thóc. Nhưng cuộc sống bình thường của cây này thế nào? Nó lớn lên, ra hoa, thụ phấn và cuối cùng sinh ra những hạt thóc mới, và khi hạt thóc đó chín thì thân cây chết đi, bản thân nó bị phủ định. Kết quả của sự phủ định của phủ định này là chúng ta lại có hạt thóc ban đầu, nhưng không phải chỉ là một hạt thóc mà là nhiều gấp mươi, hai mươi, ba mươi lần”.

            Như vậy là ở đây thể hiện tính chu kì của sự phát triển. Từ một điểm xuất phát (hạt thóc ban đầu), trài qua một số lần phủ định (hai lần phủ định – cây lúa phủ định hạt thóc và những hạt thóc lại phủ định cây lúa), sự vật dừơng như lặp lại điểm xuất phát (hat thóc – hạt thóc) nhưng trên cơ sở cao hơn (số lượng hạt thóc nhiều hơn. Số lượng đã thay đổi, chất lượng cũng thay đổi nhưng khó nhận ra ngay). Sự phát triển dường như lặp lại cái cũ nhưng trên cơ sở cao hơn  là đặc điểm quan trọng nhất của quy luật phủ định của phủ định.

            Sự phủ định của phủ định là giai đoạn kết thúc của một chu kì phát triển, đồng thời lại là điểm xuất phát của một chu kì phát triển mới tiếp theo, Lenin viết: “Từ khẳng định đến phủ đinh – từ phủ định đến “sự thống nhất” với cái khẳng định – không có cái đó, phép biện chứng trở thành một sự phủ định sạch trơn, một trò chơi hay là chủ nghĩa hoài nghi”.

            Quy luật phủ định của phủ định khái quát tính tất yếu tiến lên của sự vận động, của sự vật và hiện tượng.Sự phát triển đi lên đó không diễn ra theo đường thẳng mà theo đừơng “trôn ốc”. Hình ảnh “đường trôn ốc” diễn tả được rõ ràng tính chất biện chứng của sự phát triển, nói lên được tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên của sự vận động. Mỗi vòng mới của đường “trôn ốc” thể hiện tính vô tận của sự phát triển từ thấp đến cao.

            1.3 Đặc điểm phủ định biện chứng và ý nghĩa phương pháp luận

* Về đặc điểm

Theo quan niệm của các nhà kinh điển, phủ định biên chứng có một số đặc điểm cơ bản sau:

         + Tính khách quan: Nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật. Đó là kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn bên trong sự vật. Do đó, phủ định biện chứng cũng chính là sự tự thân phủ định.

         + Tính kế thừa: Phủ định biện chứng là kết quả của việc tự giải quyết mâu thuẫn bên trong của bản thân sự vật và của quá trình tích lũy về lượng dẫn đến sự nhảy vọt về chất, cho nên cái mới ra đời không thể là sự phủ định sạch trơn cái cũ, mà là sự phủ định có kế thừa. Cái mới ra đơì trên cơ sở cái cũ, cái mới không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ, mà có chọn lọc, giữ lại và cải tạo những mặt còn thích hợp của cái cũ. Với tính kế thừa ấy phủ định biện chứng đồng thời cũng là khằng định.

            Với đặc điểm như vậy, phủ định của phủ định không chỉ là nhân tố khắc phục cái cũ, mà còn gắn liền cái cũ vơi cái mới, cái khẳng định với cái phủ định. Vì vậy, phủ định của phủ định trở thành vòng khâu tất yếu của sự liên hệ và sự phát triển.

            Những người thuộc “Phái văn hóa vô sản” ở Nga đầu những năm cách mạng có thái độ phủ định sạch trơn nền văn hóa quá khứ. Theo họ, nền văn hóa vô sản không có liên quan gì với nền văn hóa trước. Họ chủ trương xây dựng lại từ đầu nền văn hóa mới của giai cấp vô sản. Đây là quan điểm siêu hình về thái độ hư vô chủ nghĩa mà Lenin đã kịch liệt phê phán. Trong việc xây dựng nền văn hóa mới ở nước ta hiện nay, chúng ta trân trọng tiếp thu mọi giá trị tiến bộ của nền văn hóa nhân loại, kế thừa có chọn lọc những di sản của nền văn hóa dân tộcđể xây dưng một “ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

            Về ý nghĩa phương pháp luận

            Theo chủ nghĩa macxit, nghiên cứu quy luật phủ định của phủ định, chúng ta có thể rút ra những kết luận:

-                     Quy luật phủ định của phủ định giúp chúng ta hiểu biết một cách đúng đắn về  xu hướng của sự phát triển. Quá trình phát triển của các sự vật và hiện tượng không diễn ra một cách thẳng tắp, ngược lai, quá trình đó diễn ra quanh co, phức tạp, đặc biệt là lĩnh vực đời sống xã hội. Lenin viết: “Cho rằng lịch sử thế giới phát triển đều đặn không va vấp, không nhảy lùi những bước rất lớn là không biện chứng, không khoa học, không đúng về mặt lí luận”.

-                     Song, sự phát triển là khuynh hướng chung, tất yếu của sự vận động của sự vật. Cơ sở lí luận trên đây, giúp ta có cái nhìn biện chứng về xu thế của thời đại mà ta đang sống. Hiện nay, chủ nghĩa tư bản dù có những tiềm năng lớn, một số nước tư bản có được những bước phát triển mới về lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản có thể có những điều chỉnh để kéo dài sự tồn tại, nhưng chủ nghĩa tư bản không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội tư bản. Các nước xã hội chủ nghĩa đang ở vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nhiều chỗ yếu kém đang được bộc lộ ra, Nhưng những điều đó không gắn liền với bản chất của chế độ. Không vì những mặt yếu kém đó, không vì những thất bại tạm thời trong một số nước xã hội chủ nghĩa mà nghi ngờ chiều hướng phát triển của xã hội loài người. Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa tất yếu sẽ phải thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, đương nhiên sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều thế hệ, nhiều thập kỉ đấu tranh.

-                     Quy luật cũng giúp ta hiểu đầy đủ hơn về cái mới. Cái mới là cái ra đời phù hợp với quy luật phát triển của sự vật. Nó luôn luôn biểu hiện là giai đoạn cao về chất trong sự phát triển. Trong giới tự nhiên, cái mới xuất hiện được thực hiện một cách tự động. Trong đời sống xã hội, cái mới xuất hiện gắn với sự nhận thức và hoạt động của con người. Tuy cái mới là cái phù hợp với quy luật là cái tất thắng. Song, như Lenin nói: “Trong lúc cái mới vừa mới nảy sinh thì cái cũ trong một thời gian nào đó vẫn còn cứ mạnh hơn cái mới”. Vì vậy, một quan niệm chân chính về sự phát triển phải là một thái độ ủng hộ cái mới, đấu tranh cho cái mới, chống lại cái cũ, cái lỗi thời kìm hãm sự phát triển. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần ủng hộ lối sống mới, đạo đức mới cũng như những lý thuyết khoa học mới.


Chương 2

QUÁ TRÌNH VẬN DỤNG QUY LUẬT PHỦ ĐỊNH CỦA PHỦ ĐỊNH TRONG XÂY DỰNG NỀN VĂN HOÁ MỚI CỦA ĐẢNG TA

2.1.           Bối cảnh văn hoá Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu XX và nhu cầu về con đường phát triển mới

Bất chấp sự phủ nhận của Pháp về “hình ảnh An Nam” và những gì họ biện minh cho cái gọi là công cuộc “khai hoá” - nhìn chung, suốt lịch sử phát triển của dân tộc cho đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, Việt Nam vẫn là một nước có nền văn hoá lâu đời và các giá trị truyền thống của nó đã có nội dung và vị thế ổn định. Sự ổn định này được quy định trực tiếp bởi tinh thần dân tộc, mà nòng cốt là chủ nghĩa yêu nước đặc trưng của Việt Nam, nhưng sâu xa và căn bản nó được quy định bởi cơ sở kinh tế – xã hội đặc thù của dân tộc.

Tuy nhiên, nền văn hoá có lịch sử lâu đời với bề dày truyền thống ấy, trên tổng thể hệ thống giá trị lại phát triển tương đối chậm chạp. Biện chứng của sự phát triển thường tái hiện lại các kiểu mẫu cũ trên cơ sở hạ tầng kinh tế nông nghiệp lúa nước và hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến ít biến đổi. Các quá trình biện chứng của truyền thống văn hoá trước khi hệ tưởng tư sản, thương nghiệp và công nghiệp đến Việt Nam, thường lấn át sự đổi mới. Kể cả sau này, các chương trình cách tân cũng thường diễn ra trong khuôn khổ của các tập quán, nếp sống, phong tục, nghi lễ cũ nên phần nào về tác dụng đổi mới văn hoá là có hạn. Đặc điểm trên đem lại hai hệ quả trái chiều nhau:

Một mặt, nó tạo ra một hệ thống các giá trị truyền thống có tính chất bền vững, đặc sắc thể hiện được “cốt cách” của dân tộc. Mặt khác, do duy trì quá lâu trong môi trường, hoàn cảnh ít biến đổi (hoặc không có động lực biến đổi) mà một số giá trị có phần trở nên lạc hậu, lỗi thời. Tuy nhiên, thực trạng lạc hậu trên chưa gây ra một sự đổ vỡ tức thời.

Cho đến khi Pháp xâm lược, tuy nhân danh “khai hoá”,, mởi một con đường cho văn hoá VN phát triển, nhưng Pháp lại thi hành những chính sách đi ngược tinh thần ấy. Chúng biến Việt Nam thành một nước bị lệ thuộc, thị trường tiêu thụ hàng hoá, nơi để bóc lột nhân công, tài nguyên nhằm thu những khoản lợi nhuận kếch xù. Mặt khác, để củng cố thêm mưu đồ của mình, chúng cũng tìm cách kìm hãm và duy trì xã hội Việt Nam trong tình trạng tối tăm của một nước nông nghiệp lạc hậu hòng dễ bề thống trị. Trên bình diện văn hoá,“đần độn”, “câm” và “điếc” chính là phương châm văn hoá mà người Pháp có ý muốn dùng để thực hành chính sách văn hoá đối với Việt Nam. Nhìn chung, “bằng cách cản trở văn minh và tiến bộ của dân tộc An Nam, người Pháp vĩnh viễn đặt dân tộc này ra ngoài lề của nền văn minh thế giới và buộc họ phải đáp ứng vô cùng tận những đòi hỏi không ngừng thay đổi của chúng[1].

Tình cảnh trên làm chovăn hoá Việt Nam dưới thời Pháp thuộc không còn đơn thuần là văn  hoá phong kiến nông nghiệp tự cấp tự túc, mà là một nền văn hoá thuộc địa nửa phong kiến. Mặt khác, nó khiến cho văn hoá Việt Nam có phần khập khiễng, hỗn độn. Về mặt cấu trúc, cái cũ lỗi thời được cổ vũ kết hợp với cái mới vốn nặng tính phản tiến bộ, ngoài ra việc kết hợp khoa học giữa truyền thống tốt đẹp và cái hiện đại tiến bộ không được cổ xuý, đã làm văn hoá Việt Nam rơi vào khủng hoảng về khuynh hướng, đường lối phát triển.

Dưới góc độ triết học, với những điều kiện xã hội như vừa phân tích, rõ nó đã tạo ra những tình huống có vấn đề, xúc tác làm cơ sở nảy sinh các tư tưởng giải quyết thực trạng đó. Vì vậy, thời kì này manh nha nhiều tư tưởng đòi giải phóng, đòi canh tân nhằm vực dậy sức sống mới dân tộc, đưa ra con đường phát triển cho văn hoá dân tộc. Đây là một hệ quả tất yếu.

2. 2. Một số trào lưu hiện đại hoá văn hoá Việt Nam trước khi vận dụng quy luật phủ định của phủ định của Đảng ta trong xây dựng nền văn hoá mới

Bối cảnh, điều kiện đời sống văn hoá giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, là tiền đề chủ yếu dẫn đến sự ra đời của những tư tưởng canh tân, đổi mới văn hoá thời kì này. Tuy nhiên, còn có thể kể đến sự ảnh hưởng của trào lưu cách mạng và các yếu tố chính trị - xã hội mới mẻ trên thế giới. Trong đó, có tác động từ tấm gương của Nhật, các phong trào duy tân ở Trung Quốc với những Tân văn, Tân thư du nhập vào Việt Nam. Thậm chí cả từ Pháp sau khi đem theo những yếu tố tiến bộ của văn hoá thời đại vào.

Về đặc điểm: Các khuynh hướng hiện canh tân thời kì này, về thực chất là sự nối tiếp những thế hệ trước đó của những con người trách nhiệm đối với lịch sử và với văn hoá dân tộc trước bối cảnh khủng hoảng về đường lối phát triển. Ngoài việc lồng nội dung canh tân vào nội dung đấu tranh giải phóng dân tộc, thời kì này cũng nảy sinh vấn đề thẩm định truyền thống trên tinh thần phê phán, phủ định nghiêm túc, cùng với nó là đi tìm phương thức hiện đại hoá văn hoá như một nhu cầu cấp bách để tìm ra con đường phát triển văn hoá phù hợp.

Theo một số nghiên cứu, quá trình đấu tranh chống thực dân, phong kiến lồng các chủ trương canh tân văn hoá , làm xuất hiện mốt số khuynh hướng cơ bản sau:

- Khuynh hướng canh tân dựa vào văn hoá của các nước có khoa học, kĩ thuật văn minh tiến bộ với đại diện là Phan Bội Châu, có kết hợp giữa cái cũ và mới torng văn hoá;

- Khuynh hướng Tây hoá văn hoá Việt Nam theo đường lối của Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí, trong đó phủ định hoàn toàn đối với văn hoá cổ truyền;

- Khuynh hướng phục cổ của Trần Trọng Kim;

- Khuynh hướng từ bỏ truyền thống, tiếp nhận cái mới của Phan Khôi;

- Ngoài ra còn phải kể đến Nguyễn An Ninh và Đào Duy Anh như là một sự quá độ tư tưởng của phong trào yêu nước duy tân từ những sĩ phu Nho giáo chuyển sang tầng lớp trí thức mới, thể hiện ở sự khước từ quan điểm duy tân của lớp đi trước và ý tưởng về con đường canh tân, cứu nước mới.

* Về ưu  điểm của các khuynh hướng

Một, một số đã thấy được việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là tất yếu trong canh tân văn hoá. Số khác xem truyền thống là yếu tố cơ bản, là nguyên liệu cho hiện đại hoá; thấy được vấn đề văn hoá gắn với dân tộc là điều kiện quan trọng đảm bảo cho việc tái thiết cơ cấu các giá trị trong văn hoá. Coi độc lập dân tộc là tiền đề cho độc lập về lựa chọn con đường văn hoá.

Hai, đã có sự nghiêm túc trong việc nhận thức lại các giá trị truyền thống. Từ đó, mạnh dạn đề nghị tước bỏ những truyền thống lạc hậu và tiếp thu cái mới tiến bộ. Nó cho thấy niềm tin vào giá trị mới; cho thấy có sự chuyển biến trong nhận thức; sự cởi mở, mạnh dạn tiếp cận các giá trị mới.

Ba, nhờ chủ nghĩa yêu nước chân chính và truyền thống chi phối, các khuynh hướng đã có tư tưởng cải cách văn hóa trên nền tảng nhân sinh quan thấm đượm tính nhân văn sâu sắc, dựa trên những tiêu chuẩn giá trị văn hóa hiện đại như;dân chủ, nhân văn, khoa học và hiện đại.

* Về hạn chế của các khuynh hướng

Một, do có sự rẽ ngang về thế giới quan, nhân sinh quan của các, dẫn đến đề ra phương án tối ưu là chưa nhất quán. Vẫn có cái nhìn phiến diện về phủ định trong văn hoá.

Hai, có sự nhầm lẫn, đồng nhất truyền thống với Nho giáo, các giá trị phương Tây cũ với giá trị đương thời, không thấy được chân giá trị và thường tuyệt đối hoá một mặt nào đó trong quan hệ cũ – mới, đem đối lập chúng trong khi nhận thức và giải quyết con đường phát triển của văn hoá Việt Nam.

Ba, một số không chú đến điều kiện thực tiễn Việt Nam, nên chủ trương canh tân có tính không tưởng.

Bốn, vẫn có những chủ trương núp bóng duy tân nhưng thực chất lại phục vụ một mưu đồ chính trị. Nhất là những đại biểu có khuynh hướng tiểu tư sản phản dân tộc, thân đế quốc.

Những hạn chế nêu trên xuất phát trên cơ sở tính quy định của lịch sử và điều kiện chủ quan từ các nhà tri thức Nho giáo là một điều tất yếu.

2..2. Vận dụng quy luật phủ định biện chứng trong quá trình xây dựng nền văn hoá mới của Đảng ta.

Có thể nói, việc xây dựng văn hoá ở nước ta không thể nói đó là quá trình chỉ vận dụng duy nhất nội dung quy luật này. Mà là quá trình vận dụng toàn bộ học thuyết chủ nghĩa Mac lenin vao trong qua trình lãnh đạo trên tât ca ca lĩnh vực, các phương diện, nội dung của hoc thuyết đó.

Tuy nhiên, do phạm vi đề tài chúng tôi chỉ phân tích nội dung vận dụng quy luật này qua các giai đoạn, với các thời kì (GS. Đỗ Huy, gọi đó là “mô thức văn hoá”) mà Đảng lãnh đạo.

Qua đó để thấy được quá trình vận dụng quy luật này của Đảng trong quá trình lãnh đạo văn hoá Việt Nam là biểu hiện sinh động của mối quan hệ biện chứng giữa lí luận và quá trình vận dụng lí luận đó trong thực tiễn. Có thể khái quát quá trình vận Đảng, qua ba 3 thời kì cơ bản sau:

1/ Giai đoạn xây dựng văn hoá với nội dung: “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” - sự mở đầu quá trình vận dụng quy luật phủ định, đánh dấu bước ngoặt cho văn hoá mới  Việt Nam

Mô thức này ra đời ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập nhằm đáp ứng những nhu cầu về đấu tranh giải phóng dân tộc đang dâng cao và nhiệm vụ giải phóng, cải tạo, nâng tầm và phát huy tác dụng của văn hoá cứu nước đang là một nhu cầu thiết yếu. Đỉnh cao của nó thể hiện qua nội dung bản đề cương đầu tiên có tính chất như một tuyên ngôn văn hoá mới - Đề cương văn hoá (1943) với ba nguyên tắc: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. 

Đây là thành quả phát triển chín muồi, toàn diện của các quan hệ văn hóa truyền thống đang chuyển mọi mặt sang hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng.Nó không chỉ mang đến cho nền văn hóa mới tính nhân dân sâu sắc, tính đại chúng cập nhật, mà còn đem lại cả một cơ chế “mở” trong hoạt động xây dựng cơ cấu văn hoá nước nhà. Nội dung mô thức thực sự đánh dấu những bước ngoặt lớn lao, trong đó:

Lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa, với nguyên tắc đại chúng, mô thức Đảng ta đã coinhân dân là động lực cơ bản của mọi quá trình vận động văn hóa và là chủ nhân chân của nền văn hóa mới. Cũng trong mô thức này, với tính dân tộc, lần đầu tiên ngoài việc xác định các giá trị nền văn hoá mới phải xây dựng trên nền tảng các giá trị truyền thống, mô thức cho thấy nó nhắm tới một nguyên tắc dân tộc kiểu mới. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, Đảng ta đề ra nguyên tắc khoa học - nguyên tắc làm nên bản chất của văn hoá và được xem là hằng số cho sự phát triển của mọi nền văn hoá.

Mô thức này, đã phát huy tác dụng vào cuộc sống, định hướng mở đường cơ cấu lại nền văn hóa Việt Nam, tạo ra sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế - cái mà nền văn hóa truyền thống trước kia bị hạn chế. Nó không chỉ giúp cho văn hoá tự giải phóng mình để thực hiện tốt nhiệm vụ của một nền văn hoá cứu nước, thông qua định hướng thế giới quan, sức sáng tạo của quần chúng, mà còn đưa văn hoá lên tầm cao khác biệt về chất so với văn hoá cổ truyền nhờ tiến công vào tính phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng mà nền văn hoá trước kia đã mắc phải. Mô thức thể hiện rất rõ sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, cái cũ và cái mới trong chiến lược, khuynh hướng phát triển của văn hoá. Trong đó, kế thừa phát huy truyền thống thông qua nguyên tắc “dân tộc hoá”, đồng thời bổ sung thêm nguyên tắc “đại chúng hoá” và “khoa học hoá” nhằm nâng cao tính hiện đại, mới mẻ. Mô thức này góp phần tạo ra những tiền đề mới, chuẩn bị cho sự phát triển cao hơn cho văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một số đánh giá, thì: do xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, phần lớn lực lượng xã hội nước ta xuất thân từ nông dân nên khi bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ít nhiều còn vướng mắc tâm lí của những người sản xuất nhỏ, tri thức của chủ nghĩa Mác –Lênin chưa thực sự thấm sâu vào ý thức xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới nước ta trong giai đoạn này chỉ giải quyết được những vấn đề vĩ mô.

2/ Giai đoạn xây dựng “văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc” – bước phát triển tất yếu của quá trình vận dụng quy luật phủ định của phủ định trong thời kì quá độ lên CNXH

Đây là mô thức văn hóa mở rộng, củng cố và phát triển các thành quả văn hóa đã đạt được ở các thập niên trước đó, trong hoàn cảnh mới. Nhưng lại được tiến hành trong một “điều kiện đặc biệt”,trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu, và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền.

Về nội dung, mô thức trọng tâm đặt mọi quan hệ văn hóa, mọi quá trình sáng tạo văn hóa phải có tính chất dân tộc, mang nội dung xã hội chủ nghĩa, có tính đảng và mang tính nhân dân sâu sắc. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là giải quyết các vấn đề văn hoá trên cơ sở giải quyết quan hệ giữa cái cũ và mới, truyền thống và hiện đại với phương châm “phải phá bỏ tình trạng văn hoá thấp kém của nhân dân ta, khắc phục những tư tưởng lạc hậu và thói hủ bại, tàn tích của xã hội cũ, nâng cao trình độ văn hoá và khoa học kĩ thuật của nước ta; đào tạo những con người mới được giáo dục sâu sắc về chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Nhìn một cách tổng thể, đây là mô thức mang “ý nghiã cách mạng phát triển” vì nó nhấn mạnh nội dung xã hội chủ nghĩanguyên tắc tính chất dân tộc trong văn hoá cả trong nội dung và hình thức biểu hiện. Trong đó, coi trọng việc phải đảm bảo các nhiệm vụ vừa gìn giữ, vừa phát huy tối đa bản sắc tốt đẹp của dân tộc theo hướng nội dung XHCN và trên cơ sở của nền văn hoá mở.

Ở mô thức này, cũng lần đầu tiên trong cơ cấu giá trị có nêu lên tính đảng (theo nghĩa rộng). Đây thực sự là điểm mới đã có tác động mạnh mẽ định hướng cho toàn bộ cơ cấu giá trị văn hoá Việt Nam. Tính đảng góp phần cho văn hoá văn nghệ bám chặt vào đời sống đang sôi sục khi thế cách mạng lúc bấy giờ. Nhờ tính đảng, văn hoá đã hướng tới phục vụ nhân dân rộng rãi hơn, thiết thực hơn, các sáng tạo văn hoá chứa đựng hàm lượng tính nhân văn sâu sắc. Nó cũng góp phần to lớn vào việc bồi đắp yêu cầu về “nội dung xã hội chủ nghĩa” của văn hoá trong mô thức này. 

Nhìn chung, với những nguyên tắc hướng về nội dung xã hội chủ nghĩa, tính đảng, tính nhân dân, mô thức này đã giúp cho văn hoá Việt Nam định hình rõ nét về diện mạo về một nền văn hoá phát triển hơn về chất so với văn hoá cũ phong kiến, nửa thuộc địa mang lại và là bước phát triển cao của mô thức ban đầu.

Hơn ba thập kỉ vận dụng quy luật phủ định trong xây dựng nền văn hoá Việt Nam ở giai đoạn này, văn hóa Việt Nam đã có thêm điều kiện để củng cố mạnh mẽ tính nhân dân, tính dân tộc và tăng cường bản chất giai cấp công nhân thêm vững chắc, nhất là trong điều kiện cuộc chiến tranh lạnh được mở rộng trên phạm vi toàn thế giới; cuộc đấu tranh thống nhất tổ quốc diễn ra vô cùng ác liệt và cả trong một nền kinh tế bao cấp đầy khó khăn và thiếu thốn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như; đời sống văn hoá vẫn còn thấp, đời sống khó khăn kéo dài làm suy giảm nhiều giá trị của cuộc sống. “Về phương diện văn hoá, cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong khi đạt được một số mục tiêu cơ bản thì về mặt chính trị, đồng thời cũng làm mất mát khá nhiều giá trị đạo đức truyền thống. Các quan hệ gia đình, bạn bè, tình nghĩa từng làm nội lực cho sự phát triển xã hội, khi tiến hành cải tạo xã hội, chúng ta chưa chú ý đầy đủ nên dẫn đến hội chứng suy thoái nhiều quan hệ văn hoá. Khi chúng ta tiến hành đấu tranh giai cấp, bình đẳng hoá các quan hệ xã hội, xác lập giá trị giới tính, thế hệ thì các quan điểm nhân văn, nhân đạo, bao dung trong mô thức văn hoá kiểu mới đã từng bị xem nhẹ” [2].

3/ Nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc - sự phát triển ở tầm khái quát của Đảng trong việc vận dụng quy luật phủ định của phủ định

Kể từ sau thống nhất đất nước, nhất là từ sau đối mới, điều kiện kinh tế chính trị xã hội đã có nhiều thay đổi.

Những điều kiện, tác nhân có ý nghĩa trực tiếp như: Sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế thị trường; sự tác động của khoa học kĩ thuật; nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới đất nước ngày càng nhanh và mạnh; cùng với nó là xu thế toan cầu hoá, giao lưu kinh tế, văn hoá… tất cả vừa là thời cơ nhưng cũng đồng thời đem lại nhiều thách thức cho văn hoá.

Trước tình hình phải thực hiện nhiệm vụ vừa củng cố, phát huy những giá trị truyền thống dân tộc, đồng thời tranh thủ tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại nhằm biến tạo động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, và tạo tiền đề cho khuynh hướng phát triển văn hoá ngày càng rõ nét hơn, khoa học và nhân văn hơn, Đảng ta đã đề ra mô thức “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nhìn một cách tổng thể, nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là sự kết hợp giữa cái cũ còn giá trị với cái mới tiến bộ của loài người, giữa truyền thống và hiện đại ở tầm khái quát cao, nó hàm chứa cả nội dung lí luận sâu sắc kết hợp với thực tiễn phong phú giữa truyền thống và hiện đại trong tiến trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Sự quan tâm đến vấn đề phát triển nhưng phải kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống ở  giai đoạn này là một sự đột phá lớn không chỉ trong nhận thức mà con cả trong các chính sách, chủ trương của Đảng khi vận dụng quy luật này.

Hơn 30 năm (1986-2010) xây dựng văn hoá theo mô thức trên, nền văn hoá mà chúng ta xây dựng đã góp phần củng cố niềm tin của quần chúng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc; tính chủ động sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy, dân chủ trên các lĩnh vực ngày càng được mở rộng. Nền văn hoá cũng đã phát huy được tính tự giác của quần chúng tham gia vào các hoạt động văn hoá; Nên văn hoá ngày càng gắn bó với các hoạt động kinh tế, chính trị một cách chặt chẽ và đồng bộ, tạo đà cho sự phát triển bền vững của xã hội; nhiều giá trị truyền thống dân tộc được giữ gìn và phát huy, nhiều giá trị văn hoá và sản phẩm văn hoá mới được tiếp biến hoặc hình thành nhờ giao lưu học hỏi đã có tác dụng không chỉ làm giàu cho văn hoá, mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, nhìn chung, như các đánh giá của các nhà nghiên cứu, các thành tựu đạt được là “chưa tương xứng” với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc gắn nó với lĩnh vực bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức lối sống, với tăng trưởng kinh tế và nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa tạo ra sự chuyển biến rõ rệt. Có dấu hiệu môi trường văn hoá có nguy cơ bị ô nhiễm. Xu hướng thương mại hoá văn hoá trong một số lĩnh vực (báo chí, xuất bản, truyền thông,…) chưa được ngăn chặn. Việc xây dựng các thể chế văn hoá còn chậm. Đời sống văn hoá còn nghèo nàn, thiếu thốn, lạc hậu ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, cũng như khoảng cách chênh lệch trong hưởng thụ văn hoá giữa các vùng miền, các dân tộc, tầng lớp cũng khác nhau và ngày càng gia tăng[3]. Trên phương diện bảo tồn và phát huy bản sắc, vẫn có những biểu hiện thái quá làm các giá trị có dấu hiệu bị bóp méo, lạm dụng. Việc tiếp thu văn hoá nhân loại còn nhiều biểu hiện lúng túng.

Song, đặt trong hoàn cảnh giữa lúc các nước Đông Nam Á đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế xã hội và đành chấp nhận với những yêu sách của phương Tây về con đường phải thay đổi cơ cấu chính sách kinh tế không có lợi, ảnh hưởng đến tính phát triển độc lập của mình, đồng thời sau này chấp nhận uống thêm “liều thuốc đắng khi nhắm mắt thay đổi cả văn hóa xã hội”, thì việc Đảng đề ra mô thức nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trên tinh thần độc lập, sáng tạo chính là sự khẳng định thành công, cũng như nói lên được vai trò to lớn của Đảng trong việc vận dụng quy luật phủ định của phủ định cũng như các nội dung khác trong học thuyết mac lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giải quyết nội dung của sự phủ định biện chứng torng văn hoá. Nó không những chỉ rõ quyết tâm mà còn cho thấy trình độ và năng lực tư duy sáng tạo, khoa học và bản lĩnh của Đảng đã đạt đến đỉnh cao cách mạng.

 

 

KẾT LUẬN

 

Với những quan điểm hết sức cơ bản và khoa học, cũng như việc đã đề ra hàng loạt các nguyên tắc nhằm giải quyết nội dụng về quá trình phủ định biện chứng, quy luật phủ định của phủ định đã thực sự là một trong những quy luật có tác dụng “khai mở” khuynh hướng phát triển mới cho văn hoá Việt Nam. Nó góp phần chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối phát triển văn hoá kể từ khi nó được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, với vai trò lãnh đạo văn hoá, Đảng ta cũng đã chứng tỏ được khả năng tuyệt vời của mình nhờ biết vận dụng khoa học những nội dung của học thuyết Mac lenin,, trong đó có nội dung quy luật phủ định biện chứng một cách linh hoạt và biện chứng phù hợp với từng hoàn cảnh.

Với khả năng vận dụng linh hoạt, nhìn chung, từ mô thức Dân tộc- Khoa học- Đại chúng, cho đến mô thức “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một sự tiếp nối hoàn hảo trong chiến lược khẳng định nền văn hoá có tính biện chứng trong cơ cấu hệ giá trị của nền văn hoá Việt Nam. Sự thay đổi các tiêu chí trong cả ba mô thức không tạo ra mâu thuẫn trong bản chất nền văn hoá mới. Mà ngược lại, nó cho ta thấy rõ vấn đề biện chứng giữa truyền thống - hiện đại và việc vận dụng quan hệ truyền thống – hiện đại là rất biện chứng. Không những vậy, đó còn là quá trình đầy mâu thuẫn, khó khăn và phức tạp nhưng đầy sáng tạo, khoa học.

Thành công của sự vận dụng quy luật trên đã đem lại diện mạo phát triển mới cho văn hoá Việt Nam kể từ khi có Đảng. Điều đó không chỉ nói lên vai trò to lớn của Đảng trong thực tiễn, mà còn cho thấy tính chất đúng đắn của lý luận, mà cụ thể là ý nghĩa, vai trò quy luật phủ định biện chứng trong hệ thống học thuyết mac – lenin về sự vận động và phát triển nói chung, cũng như trogn văn hoá nói rieng.  với sự nghiệp xây dựng văn  hoá nước nhà.

Đến nay, dù văn hoá đã đạt được những thành tựu to lớn, xứng đáng vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Do đó, muốn tiếp tục con đường đã chọn và hoàn tất mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo tiền đề cho văn hoá phát triển lên tầm cao mới, cũng như muốn đỡ bớt mò mẫm, sai lầm, thiết nghĩ Đảng phải thường xuyên tu dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, bám sát thực tiễn để quá trình vận dụng không bị  rơi vào siêu hình và đem lại những thành quả quan trọng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

            Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa dân tộc thống nhất trên cơ sở đa dạng sắc thái văn hóa tộc người. Theo số liệu thống kê năm 2009, Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống trên một dải đất hình chữ S, với nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, sống đan xen và thường xuyên có sự giao lưu văn hóa với nhau. Dù vậy, mỗi dân tộc vẫn lưu giữ những bản sắc riêng của mình. Bản sắc văn hóa là nét đẹp tâm hồn, là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Về vai trò của văn hoá, Đại hội Đảng lần thứ VI đánh giá "không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người". Đảng và nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc được điều đó cho nên trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc từ khi đảng ra đời (1930) cho đến nay, Đảng đã đề ra rất nhiều chủ trương liên quan đến việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

            Trước khi nước ta giành độc lập (1945) nền văn hóa Việt Nam tuy có những bước phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định, song lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng thực dân, phong kiến.

            Trước thời kì đổi mới ( giai đoạn 1943-1954), quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa mới được thể hiện qua Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh dự thảo và đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua (1943) đề ra 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trong Đường lối kháng chiến của Đảng cũng có đề cập đến việc phát triển cái tốt, bài trừ cái xấu xa, hủ bại, ngăn ngừa văn hóa thực dân, phản động, đồng thời cũng phải tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa thế giới.

            Tiếp đó, trong những năm 1955-1986, thông qua đại hội Đảng lần thứ III( 9/1960) đã chủ trương tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa mới, con người mới đồng thời với cách mạng về quan hệ sản xuất và khoa học kĩ thuật. Đại hội Đảng lần IV ( 12/1976) và lần V 3/1982) tiếp tục phát triển đường lối của đại hội III, xác định nền văn hóa mới có nội dung XHCN và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân.

            Trong thời kì đổi mới từ năm 1986: Trước những khó khăn, thách thức, những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Đảng luôn kiên định xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách đổi mới đúng đắn trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa, chỉ đạo hoạch định các chính sách văn hóa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể đó phải là nền văn hóa với đặc trưng dân tộc, hiện đại, nhân văn. Tháng 7 năm 1998, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ra Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

            b/ Nội dung vận dụng quy luật

            Trước ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, hơn hai mươi lăm năm qua công cuộc đổi mới của nước ta  chính là sự chủ động hội nhập quốc tế, từng bước vững chắc đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, tiêu biểu là Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, của quỹ tiền tệ quốc tế IMF.v..v. Bên cạnh việc hội nhập kinh tế, tiến trình hội nhập văn hóa cũng là một tất yếu không thể né tránh. Một vấn đề lớn và quan trọng đặt ra là: Nền văn hoá tiên tiến, hiện đại do hội nhập quốc tế hình thành có mâu thuẫn, có thủ tiêu nền văn hoá truyền thống và làm mất đi bản sắc dân tộc của văn hoá truyền thống?

            Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc. Một dân tộc mà không giữ được bản sắc văn hóa riêng, bị đồng hóa thì dần dần sẽ không còn dân tộc đó nữa. Vì vậy bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế với phương châm tích cực hội nhập quốc tế, thì chúng ta cũng có chiến lược phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên đậm đà bản sắc dân tộc không hoàn toàn đóng cửa nền văn hóa, mà theo ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật này, chúng ta có thể nhận thấy Đảng ta đã đề ra những đường lối, chủ trương liên quan đến việc chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình. Ví dụ: các ngày lễ Tình Nhân 14/2, lễ Giáng Sinh..v..v được đông đảo người dân tổ chức hàng năm đều du nhập từ các nước phương Tây chứ trước kia ở nước ta đâu có những ngày lễ này; rồi các thể loại nhạc hiphop, rock, pop cũng đang dần đáp ứng thị hiếu của đông đảo giới trẻ Việt Nam.

            Còn trong việc kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì dưới sự chỉ đạo của Đảng, chúng ta không những giữ gìn mà còn phát huy dược những truyền thống quý báu đó. Chẳng hạn trong thời gian vừa qua, những hoạt động chính trị - xã hội như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?" của Báo Thanh Niên, chuyên mục "Chào cờ sáng thứ hai" của Báo Tuổi Trẻ đã khơi dậy, huy động và phát lộ được tinh thần, nhiệt huyết của thế hệ trẻ nói riêng và cả dân tộc nói chung đối với Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Một ví dụ điển hình khẳng định nền văn hóa Việt Nam “ một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là chiếc áo dài. Áo dài là y phục của dân tộc, là yếu tố then chốt thứ hai của bản sắc sau ẩm thực. Áo dài tuy không phải là truyền thống lâu đời, chỉ là y phục cải cách từ những năm 1930 thôi, cũng là thời trang chế biến để thích nghi với thời đại mới. Nhưng  nó đã đi vào lòng dân tộc như thể nó đã được khai sinh từ thuở dân tộc còn nằm nôi. Và nó hãnh diện trở thành quốc phục của nước ta. Ngày nay, Áo dài thường được người phụ nũ Việt Nam mặc vào các dịp lễ quan trọng. Áo dài có trong từ điển tiếng Anh như đúng nghĩa của nó là “Ao dai” chứ không phải là những từ như longdress hay Viet Nam traditional clothes. Điều đó đủ cho chúng ta thấy Áo dài chính là nết đặc sắc của dân tộc ta; khi Nhắc đén Áo dài thì người ta nghĩ ngay đén đất nước Việt Nam chứ không phải là nước nào khác. Cái gì hợp với dân tộc qua bao nhiêu thử thách, cái ấy là bản sắc, cái ấy vẫn được giữ gìn và trân trọng.

            Cái gì sống đều thay đổi và phải thay đổi. Bản sắc dân tộc cũng vậy. Giai cấp lãnh đạo phải sáng suốt và chủ động đối với quá trình diễn biến của bản sắc dân tộc. Những giá trị nào lỗi thời phải xóa bỏ, những giá trị mới nào cần bổ sung thêm vào, những giá trị nào cần kế thừa, nhưng dưới một hình thức mới, và hình thức mới đó ra sao? Trong những bước chuyển cách mạng, những sự kiện đổi đời của dân tộc ta như cuộc cách mạng Tháng tám, chiến thắng của Ngô Quyền kết thúc đêm dài mười thế kỷ Bắc thuộc, sự kiện Tây Sơn..., bộ phận lãnh đạo của dân tộc thời bấy giờ phải nghiêm túc kiểm nghiệm lại những giá trị bản sắc đương thời của dân tộc. Không phải không có lý do mà sau 10 thế kỷ Bắc thuộc, bộ phận lãnh đạo của dân tộc thời bấy giờ đã gạt bỏ Nho giáo và chấp nhận tư tưởng Phật giáo. Cũng với những lý do xác đáng, dân tộc ta trải qua cuộc Cách mạng tháng Tám đã chấp nhận hệ tư tưởng Mác-Lênin như là dòng tư tưởng chủ lưu hiện nay của mình ( chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta). Thời đại hiện nay là thời đại của kỹ thuật giao thông liên lạc và thông tin cực kỳ phát triển- thời đại của thế giới phẳng, khi mà con người ta chỉ cần một cái kích chuột la mọi thông tin của một nước nào đó ở bên kia bán cầu sẽ hiện ra ngay trước mắt. Do đó sự tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc sống cách xa nhau là tất nhiên và tất yếu. Qua những cuộc tiếp xúc đó, bản sắc văn hóa của các dân tộc đều có sự thay đổi, bên cạnh những cái khẳng định. Thật là vô lý nếu chúng ta gạt bỏ mọi yếu tố tiến bộ và cái hay, đẹp của văn hóa nước khác chỉ vì chúng ta sợ bị ngoại lai. Nhưng cũng sẽ là vô lý hơn, nếu chúng ta tiếp thu hàng loạt không có phê phán mọi yếu tố của văn hóa nước ngoài, chỉ vì chúng là mới lạ. Những yếu tố tiến bộ của vãn hóa nýớc ngoài, một khi ðã được dân tộc ta chấp nhận và biến thành sở hữu của mình rồi, thì chúng có thể trở thành một bộ phận của giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Không ai có thể phủ nhận rằng, nhiều yếu tố Phật giáo, Nho giáo, mặc dù bắt nguồn từ nước ngoài, nhưng đã trở thành bộ phận khăng khít của bản sắc dân tộc và văn hóa Việt Nam, đã được dân tộc Việt Nam biến thành sở hữu thật sự của mình. Nói tóm lại, cái lỗi thời nhưng không được cải tiến, cái tốt nhưng lại bị cường điệu, cái tốt ngoại lai nhưng không được bản địa hóa nhuần nhuyễn đều có thể biến thành tiêu cực và tạo trở ngại cho sự phát triển bình thường của nền văn hóa dân tộc. Đối với nước ta những năm vừa qua, trong quá trình mở cửa giao lưu với thế giới, chúng ta không chỉ tiếp thu những giá trị hiện đại, tiên tiến mà còn bổ sung, điều chỉnh một số nét của các giá trị truyền thống cho phù hợp với thời đại và làm đa dạng thêm bản sắc của dân tộc. Chẳng hạn nửa đầu thế kỷ XX, văn hoá và lối sống Pháp, theo đó là Âu châu, xâm nhập vào ta nhanh và mạnh, tưởng như ngự trị, trong khi văn hoá dân tộc có dấu hiệu suy yếu. Thế mà những năm 20 - 30 và đầu 40, dưới sự tác động của làn sóng ấy và cùng với vốn liếng văn hoá giàu bản sắc có sẵn, đã nảy nở cả một nền văn học - nghệ thuật Việt Nam mới hầu như chỉ tầng lớp tiểu tư sản mới hình thành tạo ra, với văn xuôi và thi ca, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, phê bình văn học… còn âm vang đến tận ngày nay. Cuộc hội họa đầu của thời mới bị đứt quãng ấy đã làm cho văn hoá Việt, con người Việt phong phú hơn, bổ túc những nét mới cho bản sắc. Ta chối bỏ những cái gì đó, ta tiếp thu và sản sinh ra những cái gì đó mới hơn, phù hợp hơn, có sức nâng cao ta lên. Một thành quả vững chắc nữa trong giữ gìn bản sắc là chúng ta không sợ toàn cầu hóa tấn công mà còn tấn công ngược lại nó.

 

 

 

 


 

  1. B.              KẾT LUẬN

            Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng ta luôn quan tâm đến văn hóa và càng coi trọng hơn trong thời kỳ đổi mới, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội Đảng các kỳ VIII, IX, X chỉ rõ văn hóa phải thực sự trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển, đồng thời đòi hỏi một cơ chế chính sách đảm bảo cho văn hóa và kinh tế cùng phát triển giông như Bác Hồ đã từng nói “ Những con người đó phải được chăm lo cả về bản lĩnh chính trị tư tưởng, học vấn, sức khỏe, trí tuệ, tình cảm và đạo đức, đó chính là văn hóa”. Trên cơ sở nội dung quy luật phủ định của phủ định mà chúng tôi đã được học và tìm hiểu cùng với những tư liệu mà chúng tôi đã tìm kiếm và tổng kết trên đây, chúng ta có thể thấy được những đóng góp vô cùng quan trọng của Đảng ta trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng và sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

 

 

 

 

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập ( 2009), t.2, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 473 - 474.

 

[2] Nguyễn Văn Hoà (2006), Tư tưởng triết học và chính trị của Phan Bội Châu, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 143.

[3] Phạm Duy Đức (2009), Phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, những vấn đề phương pháp luận, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 189.

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai