Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 30
Trong ngày: 911
Trong tuần: 3513
Lượt truy cập: 6537108


Lượt xem: 1851

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

                                                                                                               Người viết: PHAN HỒNG ÂN

1. Khâu soạn giảng của giáo viên:

Đổi mới phương pháp dạy học thực chất là tạo ra sự chuyển biến trong phong cách dạy và học của thầy và trò. Muốn học sinh yêu thích bộ môn Lịch sử và học tập một cách tích cực, trước hết người thầy phải yêu nghề, có sự đầu tư thích đáng cho từng tiết dạy.

Trong soạn giảng giáo viên phải luôn giữ tính Đảng khi nhìn nhận, đánh giá, giải thích các vấn đề lịch sử cho phù hợp vì nội dung lịch sử có khi là vấn đề nhạy cảm, tồn tại nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Giáo viên xác định rõ đâu là chuẩn kỹ năng, kiến thức cơ bản rồi áp dụng phương pháp dạy học phù hợp theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Linh hoạt trong lựa chọn phương pháp: Bằng những câu hỏi dẫn dắt cụ thể và hợp lý sẽ đưa học sinh đến những vấn đề cần nhận thức của bài học, kích thích tính tò mò ham hiểu biết của các em. Hướng dẫn, khuyến khích học sinh làm việc với các nguồn tài liệu học tập, tự mình tìm ra kiến thức mới, phát triển kĩ năng và hình thành thái độ. Đặc biệt coi trọng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự học tập bộ môn lịch sử.

Ngôn ngữ truyền đạt kiến thức cần trong sáng, mạch lạc, có nhấn mạnh ở nội dung cần thiết giúp cho học sinh chú ý và dễ hiểu bài hơn. Phong thái gần gũi, nhiệt tình của thầy giúp các em đến với tri thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Làm sao để kích đúng vào nhu cầu cần hiểu biết lịch sử của các em, phải làm cho các em đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, để rồi các em cảm thấy thú vị khi tiếp cận với những vấn đề lịch sử.

Giáo viên thường xuyên tự cập nhật những thông tin, số liệu, sự kiện lịch sử từ các nguồn thông tin chính thống để làm giàu kho kiến thức phục vụ giảng dạy bộ môn.

2. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng trực quan sinh động trong dạy và học:

Nhiều bài học lịch sử được soạn bằng giáo án điện tử mang lại hiệu quả học tập rất cao. Không gì thích thú bằng khi học sử mà được minh họa bằng những tranh ảnh, những đoạn phim tư liệu về những sự kiện, nhận vật lịch sử cụ thể. Như phim tư liệu về Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, nghe được giọng nói trầm ấm của Bác khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945; phim tư liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; cảnh xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975...

Người thầy cần hướng dẫn học sinh truy cập Internet theo những địa chỉ tin cậy, xậy dựng trang Web, diễn đàn học tập bộ môn giúp các tiếp cận tri thức thông qua việc sưu tầm tranh ảnh, tư liệu liên quan đến bài học, trao đổi ý kiến, cùng tìm hiểu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bài học.

Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học lịch sử thực sự là một cách làm rất tốt cho cả thầy và trò vì tính trực quan sinh động của phương pháp này sẽ giúp quá khứ lịch sử được tái hiện một cách chân thực trong đời sống hiện tại, giúp học sinh học tập một cách tích cực, chủ động, sáng tạo.

3. Tổ chức hoạt động nhóm một cách hiệu quả:   

Câu hỏi hoạt động nhóm có thể là câu hỏi có tính chất khái quát, tổng hợp; để giải quyết vấn đề cần huy động trí tuệ của nhiều học sinh cùng tham gia góp ý kiến. Phương pháp này giúp học sinh mở rộng, đào sâu thêm những vấn đề học tập trên cơ sở nhìn nhận vấn đề một cách có suy nghĩ, phân tích có lí lẽ, có dẫn chứng minh họa, phát triển được tư duy khoa học. Ngoài ra, còn giúp cho học sinh phát triển kỹ năng nói, giao tiếp tranh luận.... Quá trình thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên còn tạo ra mối quan hệ hai chiều giữa giáo viên và học sinh, giúp cho giáo viên nắm được hiệu quả giáo dục về các mặt nhận thức, thái độ, quan điểm, xu hướng hành vi của học sinh.

Hoạt động nhóm để đạt hiệu quả, giáo viên đưa ra vấn đề để học sinh thảo luận và tạo điều kiện hoặc giúp đỡ các em trong quá trình học tập. Câu hỏi thảo luận có thể cung cấp cho các em từ tiết học trước, các em về nhà tự làm (tự đọc sách giáo khoa, tài liệu và ghi chép lại), đến lớp thực hiện tiếp các bước còn lại. Ý kiến phản hồi từ giáo viên, từ các thành viên trong nhóm và từ các nhóm khác giúp từng nhóm điều chỉnh lại theo hướng đúng và vì thế giúp xây dựng mối liên kết giữa các nhóm với nhau. Và cuối cùng nội dung kiến thức học tập, kỹ năng tự học, kỹ năng tương tác được hình thành ở học sinh thông qua hoạt động nhóm.

4.Học lịch sử kết hợp với ngoại khóa:

Đố lịch sử, hát "sử ca", kể chuyện hay hóa trang thành các nhân vật lịch sử,.. là những cách thức giúp người học nhớ kỹ, nhớ lâu kiến thức lịch sử dân tộc.

Tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ hóa trang thành các nhân vật lịch sử, hoạt cảnh… khiến các em tự hóa thân vào hình tượng nhân vật lịch sử một cách say sưa, làm cho môn học lịch sử không còn khô khan mà sống động với các em.

Lịch sử địa phương là một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu và tự hào về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên; nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc. Nếu điều kiện cho phép có thể mời các nhân chứng lịch sử (các cựu chiến binh) đến giao lưu nói chuyện vào các dịp lễ lớn như ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4… Có kế hoạch tổ chức cho các em đến tham quan các di tích lịch sử tiêu biểu của địa phương như Căng Tà Lài, Cụm di tích chiến thắng La Ngà, di tích của tỉnh như Văn Miếu Trấn biên, Bảo tàng Đồng Nai, Chiến khu D, Mộ cổ Hàng Gòn…Học sinh sẽ rất thích thú với những chuyến đi như thế này, vì được tham quan khám phá, được vui chơi, trãi nghiệm. Học sinh sẽ ý thức được vai trò con người trong mối quan hệ với môi trường xung quanh; ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá lịch sử, và môi trường sống của quê hương đất nước.

Đổi mới phương pháp dạy học cần gắn với việc đổi mới Chương trình và nội dung sách giáo khoa theo hướng cô đọng, thiết thực, phù hợp với thời đại và khuyến khích sự sáng tạo.

Đổi mới phương pháp dạy học cần chú trọng hơn nữa việc đổi mới khâu kiểm tra đánh giá. Hiệu quả đánh giá quyết định ở khâu xây dựng ma trận, xác định chính xác từng gói kiến thức phù hợp từng cấp độ nhận thức của đối tượng học sinh.

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai