Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 31
Trong ngày: 883
Trong tuần: 3519
Lượt truy cập: 6536954


Lượt xem: 2618

THAM LUẬN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY – HỌC

 

Kính thưa quí vị đại biểu!

Kính thưa các đồng chí đảng viên!

Như chúng ta đã biết hiện nay đất nước ta đang thực hiện đổi mới ngành giáo dục một cách căn bản, toàn diện, đổi mới những vấn đề cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, chính sách và cơ chế…Tập trung ở 9 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, nâng cao chất lượng dạy - học là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thực tiễn đối với mỗi người giáo viên chúng ta. Vậy làm thế nào để nâng cao được chất lượng dạy - học? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và cũng đã có nhiều câu trả lời ở nhiều cấp và ở các mức độ khác nhau, nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra, tuy nhiên thực trạng vẫn chưa được như mong muốn.

       Hôm nay, được sự phân công của đảng bộ, trong buổi đại hội này tôi cũng mạnh dạn đưa ra một số ý kiến về vấn đề nêu trên mà theo tôi chúng ta có thể thực hiện được.

1.  Đội ngũ thầy cô giáo:

          Chúng ta biết rằng vai trò quyết định chất lượng giáo dục không ở đâu khác trước hết là ở đội ngũ thầy cô giáo, nói đến chất lượng đội ngũ là nói đến năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ sư phạm, phẩm chất đạo đức và cái “Tâm” với nghề, bởi thầy giáo mà thiếu chữ “Tâm” thì không thể giáo dục người khác được. Chữ “Tâm” sẽ quyết định nhân cách người thầy và cũng chỉ bằng nhân cách người thầy tác động vào nhân cách người học mới là bản chất của quá trình giáo dục. Hơn nữa, mỗi giáo viên phải là một ngọn lửa bởi nếu bạn không là ngọn lửa thì làm sao bạn truyền ngọn lửa ấy đến cho học sinh. Để làm được điều này người giáo viên cần xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng khâu trong quá trình dạy học.

          Trước hết là việc thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học theo quy định của Bộ, ngành. Người giáo viên cần lưu ý đến việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn vì “Chuẩn kiến thức, kỹ năng là những yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kĩ năng của môn học, hoạt động giáo dục mà học sinh cần phải có và có thể đạt được sau từng giai đoạn học tập”. Đây chính là cơ sở pháp lí thực hiện dạy học đảm bảo những yêu cầu cơ bản, tối thiểu của chương trình, thực hiện dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với các đối tượng học sinh, trên cơ sở đó sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh đồng thời giúp giáo viên chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong áp dụng chương trình, từng bước đem lại cho học sinh sự bình đẳng trong phát triển năng lực cá nhân.

          Thứ hai, người giáo viên cần quan tâm đặc biệt và dành nhiều thời gian tới việc thiết kế bài, chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Cần soạn bài theo hướng đổi mới, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức làm sao để  giáo viên chỉ là người  tổ chức, điều khiển, hướng dẫn cho học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức. Muốn vậy theo tôi khâu quan trọng là định hướng soạn bài và hệ thống câu hỏi tổ chức dạy học như thế nào? Câu hỏi hợp lí, lô gích và cần tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề, quá tải ( nhất là với bài dài, bài khó, bài nhiều đơn vị kiến thức mới); Chú trọng đến bồi dưỡng năng lực tư duy, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất vấn đề của học sinh. Câu hỏi cần rõ ràng, cụ thể, và có sự phân hóa cho từng đối tượng học sinh: tái hiện, nhận diện cho học sinh yếu và trung bình, phát hiện, phân tích cho học sinh khá, và  khái quát, đánh giá cho học sinh giỏi.

          Thứ ba, việc thực hiện giờ dạy trên lớp. Cốt lõi của đổi mới dạy học là phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong chiếm lĩnh  tri thức mà đổi mới phương pháp dạy học sẽ là khâu đột phá. Để thực hiện được điều đó giáo viện cần tổ chức hoạt động học đa dạng cho học sinh, thực hiện linh hoạt các khâu lên lớp từ kiểm tra bài cũ, dạy học kiến thức mới, ôn luyện, củng cố, nâng cao  kiến thức đã học, đến việc kiểm tra, đánh giá bước đầu việc nắm kiến thức của học sinh ngay trên lớp. Để giờ dạy có hiệu quả giáo viên nên chú ý đến sự kết hợp các phương pháp dạy học đa dạng, tận dụng tối đa các phương tiện, đồ dùng dạy học, CNTT. Đối với các môn tự nhiên, giáo viên cần chú ý tới TN thực hành, vì được thấy trực tiếp, được tận tay tìm hiểu kiểm chứng thì các em sẽ dễ dàng tiếp nhận kiến thức và ghi nhớ sâu hơn. Đối với các môn xã hội, giáo viên cần phải cập nhật các tin tức có tính thời sự trên các phương tiện truyền thông rồi lồng ghép vào bài dạy nếu thấy phù hợp.

          Để giờ dạy hấp dẫn giáo viên cần sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, sinh động nhưng ngắn gọn, gần gũi thực tế, dễ hiểu, cần chú ý đến việc dạy học sát đối tượng trong đó coi trọng bồi dưỡng học  sinh khá – giỏi và giúp đỡ  học sinh  yếu – kém trong từng tiết dạy, tác phong thân thiện, coi trọng việc khuyến khích, động viên học sinh học tập, tạo hứng thú thực sự cho các em bởi vì nhà giáo không đơn thuần là người nhồi nhét kiến thức cho học sinh mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa tâm hồn. Vậy nên, người giáo viên cần có nền tảng kiến thức vững vàng, kĩ năng ứng xử sư phạm linh hoạt. Do đó cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ qua hình thức tự học, tích cực dự giờ đồng nghiệp, tích cực tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

        Thứ tư, cần phải chú ý đến công tác kiểm tra đánh giá. Nếu chỉ đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp mà không đổi mới kiểm tra, đánh giá thì đổi mới sẽ không hiệu quả thậm chí là chúng ta sẽ đi ngược lại. Đổi mới thể hiện ở khâu ra đề kiểm tra đánh giá, hình thức kiểm tra đánh giá. GV phải chú trọng đến câu hỏi mở, có thể phát huy tối đa khả năng tư duy, liên tưởng, sáng tạo của học sinh. Khi đánh giá không chỉ thầy đánh giá trò mà còn là trò đánh giá trò, trò đánh giá thầy.

2. Về phía học sinh:

Đa số học sinh chưa xác định đúng đắn động cơ học tập, thiếu tinh thần tự học; các em phần lớn chưa chuẩn bị bài (cũ lẫn mới) trước khi đến lớp…Học không có sự tư duy, sáng tạo mà đọc qua loa, bài tập ứng dụng làm lấy lệ…Vậy nguyên nhân là do đâu? Theo tôi:

Thứ nhất là các em thiếu được sự định hướng từ người lớn, vậy nên bên cạnh vai trò của gia đình thì vai trò của người GVCN là hết sức quan trọng, GVCN cần gần gũi các em, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và kỳ vọng của gia đình để từ đó định hướng cho các em con đường sát thực nhất.

Thứ hai là do các em không còn thời gian để tự học bởi lịch học dày đặc, chính khoá, học thêm.. .vì vậy cần định hướng nghề nghiệp cho các em theo năng lực thực tế của bản thân, từ đó lựa chọn môn học thích hợp, không học thêm một cách tràn lan. Và chúng ta cần hướng tới đánh giá năng lực riêng cho từng học sinh, không đánh giá đổ đồng và đặc biệt đừng vì một lý do nào đó mà tạo áp lực buộc các em phải học môn mình.  

3. Vai Trò Tổ Chuyên môn 

          Tổ chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ, vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Hoạt động của tổ chuyên môn tốt, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu mới trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay. Nâng cao chất lượng chuyên môn là nhiệm vụ trọng tâm của từng tổ, để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài kế hoạch tổ chi tiết thì mỗi GV cần có một kế hoạch dạy học cụ thể thiết thực. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, cần tập trung vào việc việc trao đổi về phương pháp đối với những bài dạy phức tạp hoặc bài tập khó; thảo luận về những nội dung chương trình chưa thống nhất. Sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học. Để thực hiện công việc này tốt, tổ trưởng CM cần cho các thành viên trong tổ đăng ký các nội dung trao đổi rồi tiến hành bốc thăm trình tự trình bày, nội dung thảo luận cần gửi tới các thành viên trước buổi sinh hoạt. Về công tác thao hội giảng, chúng ta cần tiến tới đánh giá sát thực hơn, không như hiện nay, việc đánh giá có phần đổ đồng, cả nể. Trên đây cũng là các phương thức đề bồi dưỡng đội ngũ, ngoài ra cũng cần tăng cường công tác dự giờ, góp ý, kèm cặp cho những giáo viên còn ít kinh nghiệm, và chưa sâu về chuyên môn.

4. Tham kiến với Lãnh đạo trường.

          Song song với việc tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, nên chăng ngoài việc đánh giá giáo viên thông qua dự giờ thao giảng như hiện nay chúng ta cần kết hợp cho học sinh đánh giá giáo viên, hoặc ít nhất chúng ta cũng nên lấy ý kiến của học sinh định kỳ về từng giáo viên để từ đó giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp và hoàn thiện mình hơn. Kết quả lấy ý kiến cần được công khai và là một phần cơ sở để đánh giá xếp loại giáo viên cuối kỳ, cuối năm và phân công nhiệm vụ cho năm học kế tiếp.

          Kính thưa quí vị đại biểu!

Kính thưa các đồng chí đảng viên!

Trên đây tôi vừa trình bày một số ý kiến cá nhân mà theo tôi chúng ta có thể thực hiện được để nâng cao chất lượng dạy – học. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí.

Xin cảm ơn các đồng chí đã lắng nghe! Chúc đại hội thành công tốt đẹp.

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai