Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 333
Trong tuần: 3040
Lượt truy cập: 5708468


Lượt xem: 123

Học tập phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh

trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục của cán bộ, Đảng viên, giáo viên, nhân viên trường THPT Đoàn Kết

 

 

 

Quan điểm Macxit từng cho rằng: “bản thân tư tưởng không thể lay động một ngọn cỏ, nó chỉ có thể trở thành sức mạnh to lớn khi đi vào hoạt động thực tiễn của quần chúng”. Suy rộng ra, những thắng lợi của chúng ta trong giáo dục rất cần có sự ủng hộ của lực lượng quần chúng (giáo viên, phụ huynh, học sinh) tham gia tích cực. Song, nếu muốn có được sự ủng hộ tuyệt đối từ quảng đại quần chúng, trước tiên phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền.

Nhưng tuyên truyền thế nào để có hiệu quả? Đó lại là vấn đề khác rất đáng để bàn.

Về vấn đề này, sinh thời, bàn về công tác vận động tuyên truyền quần chúng, Người đã có chủ trương vô cùng đặc sắc, đó là: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”(1). Có như vậy mới mong cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Cho đến nay, có thể khẳng định, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt các hoạt động của Đảng ta từ lý luận cho đến thực tiễn.

Một trong những đóng góp có tính chất quan trọng quyết định thắng lợi công cuộc cách mạng đi theo lý tưởng của Người chính là phong cách, tư tưởng về vận động tuyên truyền quần chúng nhân dân.

 

(Đ/c: Mai Hữu Thành, UVBCH chi bộ khối hành chính, báo cáo chuyên đề sinh hoạt tháng trong chi bộ)

 

Với phương châm xem “quần chúng là người sáng tạo lịch sử”; cũng như đánh giá về sực mạnh quần chúng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” Hồ Chí Minh bằng chính phong cách vận động tuyên truyền của mình đã trang bị cho phương pháp này trở thành thứ vũ khí sắc bén tập hợp đông đảo quần chúng đi theo Đảng làm nên những chiến công vĩ đại.

Từ hoạt động thực tiễn cũng như qua các bài viết, nói chuyện của Hồ Chí Minh, theo các nhà nghiên cứu, có thể tóm tắt những yêu cầu cơ bản của công tác tuyên truyền, vận động như sau:

Một là: Tuyên truyền nội dung phải ngắn gọn, sâu sắc, thiết thực, cụ thể

Theo Người, nội dung ngắn gọn có nghĩa là “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi, có nội dung… Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn”(2). Nghĩa là, mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, không phải nhất thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc nói ngắn, viết ngắn là để chữa cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Trong bài nói tại hội nghị tuyên giáo miền núi, Bác đã nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”(3).

Hai là: Hình thức diễn đạt dễ hiểu, dễ thực hiện

Tính dễ hiểu theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: "...muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem..."(4). Người cho rằng, tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết thì mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, một mục đích. Người tuyên truyền khi nói ra, khi viết ra cốt là “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”(5). Nếu cán bộ tuyên truyền khi nói, viết “người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là không viết đúng, nhằm không đúng mục đích”(6).

Theo Hồ Chí Minh, không có cách nào làm cho nhân dân hiểu nhanh nội dung tuyên truyền bằng cách so sánh giữa hình tượng này với hình tượng khác. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh... Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa thành cách chỉ đạo nhân dân”(7).

Ngòai ra, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nên sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, đa đạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Chẳng hạn, nói trực tiếp như: lên lớp, diễn giảng, giải thích, nói chuyện, kể chuyện, hướng dẫn, mạn đàm, trao đổi, thảo luận... Hoặc như khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng ngôn ngữ viết, Hồ Chí Minh dùng các hình thức như: viết truyện, viết ký, viết văn chính luận, viết tiểu phẩm, viết kịch, làm thơ, viết thư khen, thư thăm hỏi và lời kêu gọi... tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Ba là: Dân chủ, gợi mở vấn đề 

Theo Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ trong phương pháp tuyên truyền là: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng... Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”(8). Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, nghe dân, học dân, trao đổi thảo luận với dân nhưng không phải nhân dân nói gì cũng nhắm mắt làm theo, mà phải: “Đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”(9).

Nghiên cứu phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh chúng ta dễ dàng nhận thấy những vấn đề mà Người khêu gợi đã tác động sâu sắc tới tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Những câu hỏi mà Người đặt ra bao giờ cũng phù hợp với sự băn khoăn, thắc mắc mà trong thực tế nhân dân đang tìm lời giải đáp và hướng dẫn nhân dân hành động theo đường lối của Đảng.

Bốn là: Nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, xã hội của đối tượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”(11). Theo Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ tuyên truyền cần nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu”(12) và “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”(13). Vì vậy, cán bộ tuyên truyền không thể sử dụng một nội dung, một phương pháp cho mọi đối tượng.

 

Như trên vừa phân tích, có thể nói phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh nói riêng là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, là kim chỉ nam cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp.

Việc học tập và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác vừa góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vừa là việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với tính đặc thù ngành giáo dục tại cơ quan trường học, trong đó có cán bộ, Đảng viên, giáo viên, nhân viên trường THPT Đoàn Kết.

Thiết nghĩ, ở bất kì vị trí, nhiệm vụ nào đòi hõi mỗi cá nhân, tập thể phải luôn nỗ lực nghiên cứu phương pháp tuyên truyền của Người nhằm hoàn thiện các kĩ năng giáo dục, vận động quần chúng, học sinh nhằm không chỉ tăng cường chất lượng công tác giáo dục mà còn phát huy vai trò đơn vị hành chính sự nghiệp với nhiệm vụ hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của ngành, cơ quan, đơn vị.

Trên phương châm đó, chúng tôi cho rằng các vị trí trong cơ quan đơn vị trường học Đoàn Kết khi học tập phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh cần chú trọng một số điểm sau:

Một: Đối với Đảng bộ và các chi bộ trực thuộc

Cần học tập phương pháp tuyên tuyền của Hồ Chí Minh trong đó chú trọng tính kế hoạch và quản lý, đồng thời cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, nhà nước một cách giản đơn hóa, cụ thể hóa phù hợp với từng bộ phận chức năng của nhà trường.

Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời uốn nắn những trường hợp có biểu hiện lệch lạc về lối sống, đạo đức, tư tưởng nhằm tạo nên khối thống nhất tư tưởng, phát huy sức mạnh tập thể nhà trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.

Các chi bộ trực thuộc cần linh hoạt nắm vững các quan điểm chỉ đạo từ Đảng bộ, làm tốt công tác giáo dục Đảng viên, tuyên truyền đảng viên chủ trương, đường lối thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, thảo luận các nghị quyết của Đảng, nhằm đưa các chủ trương chính sách vào cuộc sống.

Hai: Đối với giáo viên

Bốn bài học về phương pháp tuyên truyền của Hồ Chí Minh thực sự cần phải được thông suốt và vận dung linh hoạt. Đối tượng của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm - là cầu nối giữa chủ trương của ngành, nhà trường đến đối tượng học sinh và phụ huynh. Do đó, yêu cầu cần phải nắm chắc và cụ thể rành rọt về các chủ trương; biết cách thể hiện ngôn ngữ tuyên truyền theo những cách riêng có thể, nhằm vận động phụ huynh, học sinh tham gia vào các hoạt động, chủ trương chung của nhà trường.

Tránh bàn lùi, có ý thoái thác công tác tuyên truyền đến các bộ phận khác, trong khi bản thân là một phần không thể thiếu của bộ phận giáo dục tuyên truyền.

Ba: Đối với Đoàn TNCS HCM

Đây thực sự là tổ chức có vai trò vô cùng to lớn trong việc vận động tuyên truyền quần chúng tham gia vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Không những vậy, có thể nói Đoàn TNCSHCM còn đóng vai trò là cánh tay đắc lực trong việc không ngừng giáo dục tuyên truyền, nuôi dưỡng lí tưởng cách mạng đối với đoàn viên, thanh niên, học sinh nhà trường.

Từ vị trí, vai trò này, đòi hỏi cán bộ Đoàn không chỉ biết cách tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu; sức tích; nội dung phải linh hoạt, cụ thể; phương thức phong phú đa dạng, mà còn phải nắm bặt được đặc điểm tâm lý, nguyên vọng đoàn viên, thanh niên, học sinh nhà trường.

Mỗi cán bộ phải tự bồi dưỡng lý luận chính trị, nắm bắt ngôn ngữ khoa học, nhưng cũng biết hòa mình vào phong trào chung của học sinh, nắm bắt tình hình để kịp thời có những phương pháp điều chỉnh, cách thực sinh hoạt đoàn để tập hợp quần chúng đứng dưới cờ đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó. Có như vậy, đoàn mới trở thành môi trường giáo dục, mới trở thành môi trường nuôi dưỡng lý tưởng, là nơi phát huy những tiềm năng vô cùng to lớn của tuổi trẻ, vượt qua những khó khăn thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những nhà Macxit từng có đại ý rằng, bản thân tư tưởng không thể lay động một ngọn cỏ, nó chỉ có thể biến thành sức mạnh to lớn khi đi vào quần chúng. Vì thế, những thắng lợi của chúng ta trong giáo dục rất cần có lực lượng quần chúng tham gia tích cực. Muốn có được sự ủng hộ tuyệt đối từ quảng đại quần chúng, trước tiên phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, trong đó Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng rất đáng ngưỡng một để chúng ta noi theo.

Thạc sỹ Mai Hữu Thành

(P.BT Đoàn trường, UVBCH chi bộ khối Hành chính)

 


-------------------------------

 

(1) HCM toàn tập, NXBCTQG, HN, 2002, tập 5, tr.162. (2), (4), (5), (6). Sách đã dẫn, tập 7, tr.120-121, 119, 117, 119.(3). Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số, NXB Thông tấn, HN, 2007, tr.97. (7) (8) (9) (11) (12) (13) Sđd, tập 5, tr.295-298, 297, 297, 400, 296, 289. (10) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, HN, 1977, tr.40.

Nguyễn Bá Thắng



 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai