Đang truy cập: 30 Trong ngày: 881 Trong tuần: 3519 Lượt truy cập: 6536946 |
SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TIỀN ĐỀ ƯƠM MẦM NHỮNG TÀI NĂNG KHOA HỌC TRẺ CỦA TRƯỜNG THPT ĐOÀN KẾT
Năm học 2015 - 2016 đánh dấu nhiều thay đổi trong phương thức tổ chức và cách thức hoạt động của các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đây là những hoạt động có tính chất bổ trợ chuyên môn và tạo sân chơi học tập nghiên cứu cho học sinh nhà trường THPT Đoàn Kết.
Từ góc nhìn thực tiễn, có thể nói sự thay đổi này đã góp phần tạo nên diên mạo mới và nâng tầm chất lượng các hoạt động bổ trợ từ chuyên môn đến sinh hoạt học tập, nghiên cứu của học sinh nhà trường. Một trong những hoạt động đó chính là hoạt động của Ban nghiên cứu khoa học.
Tính cho đến nay, dù mới thành lập gần một năm, song với việc cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng và cùng với đó là sự quan tâm đón nhận của học sinh nhà trường, hầu hết tất cả các hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang dần khẳng định là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ năm học, không chỉ xuất phát từ nhiệm vụ tổ chức nghien cứu mà còn từ nhu cầu của học sinh với tư cách là một sân chơi, sinh hoạt chuyên môn có tính thực tiễn sáng tạo cao.
Xuyên suốt quan điểm trên, đồng thời, nhằm duy trì các hoạt động mang tính chất thường xuyên, liên tục của hoạt động nghiên cứu khoa học trẻ trong nhà trường, hiện nay Ban nghiên cứu khoa học tổ chức sinh hoạt theo chủ điểm tháng, trong đó tập trung các vấn đề: Cập nhật thông tin khoa học trẻ trong học sinh; trao đổi các ý tưởng đề tài khoa học từ học sinh đề xuất; đóng góp ý kiến hoàn thiện đề tài; giao lưu học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu trường bạn trong địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Qua quá trình hoạt động, câu lạc bộ đã bắt đầu thu hút học sinh quan tâm với một số ý tưởng, đề tài nghiên cứu quan trọng. Đồng thời, các tiểu ban nghiên cứu - bao gồm các quý thầy cô là thạc sỹ chuyên môn cũng đã thông qua, đánh giá về tính khả thi cũng như cho phép các nhóm nghiên cứu thực hiện một số đề tài dưới sự hướng dẫn của các quý thầy cô có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn có những khó khăn đòi hỏi ban nghiên cứu khoa học tiếp tục khắc phục, điển hình như đội ngũ học sinh tham gia còn ít; việc tổ chức cách thức sinh hoạt nhiều nội dung chưa thật phong phú; tính khả thi và khả năng ứng dụng thực tiễn của các đề tài nghiên cứu của học sinh đôi khi còn chưa thật nổi trội. Trong khi, việc tạo điều kiện để thầy và trò trong câu lạc bộ khoa học tham gia, giao lưu, học tập, cũng như tìm hiểu về “tầm” của các đề tài của các đối tượng cùng môi trường ở các địa phương cũng như trong địa bàn tỉnh là chưa nhiều.
Ý thức được điều này, hiện nay ban nghiên cứu khoa học đã rất tích cực có những mạnh dạn thay đổi trong cách thức tiếp cận nội dung sinh hoạt, tham gia chia sẻ các kinh nghiệm với học sinh; tạo điều kiện đưa học sinh tham dự hội thảo và tham quan các nghiên cứu khoa học trẻ nhằm khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu của các em học sinh, cũng như bao quát được mức độ năng lực của các đề tài của các đơn vị khác. Điều này giúp học sinh nhà trường thấy được điểm mạnh và mặt hạn chế của mình trong việc nghiên cứu nhằm điều chỉnh kịp thời để có được những sản phẩm tốt nhất.
Với những bước chuẩn bị cơ bản, bước đầu như trên, chúng ta có thể kì vọng vào một phong trào nghiên cứu có tính rộng rãi và chất lượng hơn trong năm học tới, cũng như sớm cho ra những sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học mạng thương hiệu THPT Đoàn Kết, xứng đáng là ngôi trường ươm mầm cho tài năng khoa học trẻ của huyện nhà.
Tác giả: Thạc sỹ Mai Hữu Thành
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn KếtĐịa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai