Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 20
Trong ngày: 687
Trong tuần: 3197
Lượt truy cập: 6350579


Lượt xem: 2568

ĐẢNG BỘ TRƯỜNG THPT ĐOÀN KẾT.

CHI BỘ TỔ TỰ NHIÊN

CHỦ ĐỀ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CỦA HỌC SINH QUA CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM.

I. VÌ SAO PHẢI GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH

Giáo dục và đào tạo ở bất cứ thời điểm nào cũng đều có mục tiêu là giáo dục toàn diện học sinh cả về đức, trí và các năng lực khác cho học sinh. Đảng ta xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển xã hội, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải có những con người lao động mới phát triển toàn diện. Nếu đơn thuần chỉ thiên về đào tạo tri thức (dạy chữ), sẽ tạo nên thế hệ học sinh không toàn diện. Khó ứng phó với thực tế của cuộc sống. Nền kinh tế xã hội nước ta đang phát triển với một tốc độ nhanh, kéo theo đó là sự xuất hiện nhiều vấn đề mà đòi hỏi mỗi con người cần có những kĩ năng sống nhất định để có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra

Nhà trường phổ thông có mục đích quan trọng nhất là dạy chữ cho các em, truyền đạt những tri thức khoa học để các em chuẩn bị đầy đủ hành trang tri thức bước vào đời. Các em học sinh khi đến trường ngoài tiếp xúc với môi trường giáo dục các em còn tiếp xúc với xã hội mà ở đó nhiều vấn đề của cuộc sống đòi hỏi các em phải có kĩ năng giải quyết hợp lí mới đem lại hiệu quả tích cực. Lí thuyết đã chỉ ra rằng con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội. Mỗi con người đều bị chi phối bởi các quan hệ đa phương , đa chiều. Cuộc sống là một bức tranh đa dạng, sinh động nhưng cũng đầy thách thức, phức tạp. Để tồn tại và phát triển trong thế giới ngày nay và đương đầu một cách có hiệu quả với hàng loạt  những vấn đề gặp phải , mỗi người cần phải có bản lĩnh, có những kỉ năng riêng để xử lí với những đòi hỏi và thử thách hàng ngày. Bởi vây, chúng ta chỉ quan tâm đến việc dạy nội dung kiến thức nói riêng sẽ rất khó tạo ra thế hệ học sinh có đầy đủ phẩm chất trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Thực tế hiện nay học sinh rất thiếu các kĩ năng cơ bản cần trong cuộc sống hiện đại như kĩ năng  giao tiếp, kĩ năng sinh hoạt tập thể, kĩ năng hóa giải căng thẳng… Để cùng học tập sinh sống và làm việc trong xã hội hiện đại, những kĩ năng trên là không thể thiếu. Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục và xã hội cho rằng  việc rất nhiều học sinh ở nước ta hiện nay thiếu các kĩ năng để có thể đương đầu và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Trong nhà trường phổ thông trong suốt thời gian dài chúng ta chỉ quan tâm đến giáo dục trí dục, nhiều trường, nhiều địa phương  lấy tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, học sinh đạt điểm cao là thước đo chất lượng giáo dục mà ít quan tâm đến sự chăm ngoan, chuyên cần, phát triển nhân cách của học sinh.

II. KỸ NĂNG SỐNG LÀ GÌ

  1. 1.      CƠ SỞ LÝ LUẬN.

Trong luật giáo dục Việt Nam năm 2005 điều 2 chương 3 đã quy định “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện, có đạo đức ,trí thức ,sức khỏe , thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và Chủ  Nghĩa  Xã Hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”

Theo tổ chức UNESCO ( UNITED NATIONS EDUCATIONAL SCIENTIFIC AND CUTURAL ORGANIZATION),

Kĩ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày.  Kĩ năng sống gắn với bốn trụ cột của giáo dục, đó là:

           - Học để biết (Learning to know)

           - Học làm người (Learning to be)

           - Học để sống với người khác (Learning to live together)

           - Học để làm (Learning to do)

Trong đó, học để cùng chung sống được coi là một trụ cột quan trọng, then chốt của giáo dục hiện đại, giúp con người có được thái độ hòa bình, khoan dung, hiểu biết và tôn trọng lịch sử, truyền thống và những giá trị văn hóa tinh thần, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên…

Cuộc sống hiện đại đã thúc đấy mọi hoạt động của con người trở nên gấp gáp hơn, làm việc trong hối hả, nghỉ ngơi trong rộn ràng, thần kinh luôn căng thẳng và đặc biệt chứa đựng nhiều yếu tố khôn lường. Để sống, hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần tích cực cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn, con người nói chung và học sinh nói riêng không thể không quan tâm đến việc rèn luyện kĩ năng sống nhằm thích ứng với mọi biến động phức tạp của hoàn cảnh.

  1. 2.      NHỮNG KĨ NĂNG SỐNG CẦN GIÁO DỤC CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG.

Trong trường phổ thông cần giáo dục cho học sinh một số kĩ năng sống cơ bản như sau:

-          Kĩ năng sống về sức khỏe: chế  độ dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật và tai nạn, sức khỏe sinh sản, tác hại của chất gây nghiện , HIV/AIDS, thư giản, giải tỏa stress…

-          Kỹ năng sống về môi trường: phòng tránh thiên tai, chăm sóc và bảo vệ môi trường sống, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…

-          Kỹ năng sống về bản thân: kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin, xây dựng nhân cách , xác định giá trị cuộc sống

-          Kỹ năng sống về nghề nghiệp: giao tiếp so sánh, phân tích, tổng hợp, sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, quản lí thời gian, làm việc nhóm, diễn đạt, giải quyết mâu thuẫn, đàm phán, soạn thảo văn bản, quản trị công việc…

III. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

  1. THỰC TRẠNG:

Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, không ít bộ phận học sinh thiếu tự tin, tự lập, sống ích kỷ, vô tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân, vi phạm pháp luật đạo đức, nạo phá thai, xâm phạm tình dục, đắm chìm trong thế giới ảo của Internet… Gây bức xúc cho nhà trường, gia đình và xã hội. Nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu hụt về kĩ năng sống. Do vậy, các trường phổ thông cần giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, với bản chất là hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử với mọi người xung quanh. Khả năng ứng phó thích hợp trước những tình huông phức tạp muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống.

 

  1. 2.   NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

GIẢI PHÁP 1: Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh

           Ngày xưa tôi đi học thầy cô rất quan tâm đến việc giáo dục nề nếp đạo đức , tình cảm  thầy cô bạn bè, cách ứng xử văn hóa… Hiện nay, áp lực công việc của giáo viên quá nhiều, nào là hồ sơ giáo án, nào là dự giờ kiểm tra ,nào là các phong trào thi đua… chiếm nhiều thời gian, công việc quá lớn. Nhưng  chúng ta đã không vì áp lực công việc mà quan tâm giáo dục chuẩn mực, vì điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các em… Nhận thức được điều đó bản thân tôi không chỉ lo dạy kiến thức mà còn quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho các em

           Nhóm các kĩ năng nhận biết và sống với chính mình: Tự nhận thức,xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ , tự trọng, tự tin… Đây là nhóm kĩ năng mà giáo viên cần chú tâm rèn luyện cho học sinh thông qua tính cách của mỗi cá nhân, giúp các em cảm nhận , biết được mình là ai, cả về cá nhân trong mối quan hệ với những người khác và trong tập thể lớp. Nhóm kĩ năng sống này giúp các em luôn cảm thấy tự tin với chính mình trong mọi tình huống ở mọi nơi.

GIẢI PHÁP 2: Giáo dục học sinh quý trọng thời gian và sự chuyên nghiệp trong công việc.

Giáo dục các em biết quý trọng thời gian, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà trường và thực sự chuyên nghiệp trong các công việc được giao. Giúp các em hiểu rõ trong thế giới phẳng ngày nay khi Đất Nước hội nhập thế giới một cách sâu rộng, khi con người trở thành công dân toàn cầu thì sự chuyên nghiệp là một yếu tố hết sức quan trọng và có tính quyết định đến tương lai của các em.

Tôi lấy ví dụ: Giờ chào cờ đầu tuần nhà trường đã quy định giờ phải ổn định hàng ngũ để tiến hành chào cờ, tuy nhiên vì những lý do không chính đáng hoặc vì sự thiếu ý thức kỉ luật mà các em sắp hàng chậm trễ. Một điều đáng buồn là một số học sinh thay vì phải chấn chỉnh lại hành vi và hành động của mình chúng ta lại đối phó bằng cách cắt xen thời gian tiết học để xuống sắp hàng trước, đó là một hành động hết sức nguy hiểm, sai lầm và hết sức nghiệp dư.

GIẢI PHÁP 3: Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại.

Trong số các hoạt động thực tiễn, không thể không đề cập đến tham quan dã ngoại. Trong hoạt động tập thể này, học sinh được thực hiên nhiệm vụ, trò chơi theo nhóm,  theo đội, học cách phục tùng các yêu cầu của người điều khiển, điều chỉnh hành vi của mình theo mục tiêu chung, diễn đạt ý tưởng của mình nhằm phát huy tính tích cực của học sinh… Có thể nói, tham quan dã ngoại mang nhiều lợi ích trong việc phát triển kĩ năng sống của học sinh:  Đó là sự tự tin, kĩ năng hợp tác, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng xử lý tình huống, sự tò mò và khả năng sáng tạo, kĩ năng giữ an toàn cho cá nhân, kĩ năng tồn tại.

Cụ thể trong những năm gần đây qua các khóa chủ nhiệm tôi luôn tổ chức cho các em đi dã ngoại tập thể , qua đó giúp các em tạo các mối quan hệ thân tình và đoàn kết trong lớp cũng như giúp các em phát triển các kỹ năng như trên.

GIẢI PHÁP 4: Trang trí “Lớp học thân thiện”

Trong những năm qua Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện  - học sinh tích cực” rộng khắp trên cả nước. Ở trong môi trường đó các em được học tập và sinh hoạt trong một bầu không khí thân thiện, gần gũi như gia đình, điều đó góp phần giúp các em hứng thú trong học tập và đem lại hiệu qua cao trong giáo dục. Nơi đó trường học, lớp học được các em coi như ngôi nhà chung, ngôi nhà thứ hai của mình và các em thấy được mỗi ngày đến trường, đến lớp là một ngày vui, bản thân các em thêm yêu trường, yêu lớp, gắn bó với ngôi nhà chung đó. Lớp học thân thiện gắn bó chặt chẽ với việc phát huy tính tích cực của học sinh, tăng cường giáo dục các kĩ năng sống cho các em. Trong môi trường phát triển toàn diện đó, học sinh hứng thú học tập, biết rèn luyện kĩ năng và phương pháp học tập, trong đó đặc biệt là phát huy khả năng tự tìm hiểu, khám phá,tư duy sáng tạo… Chính vì vậy để giáo dục,rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh thành công tôi luôn quan tâm đến việc trang trí “Lớp học thân thiện”. Đưa cây xanh vào lớp học. Theo tôi, lớp học thân thiện phải có cây xanh, bởi lẻ một lớp học xanh mát, ngập tràn sắc màu thiên nhiên, sẽ giúp các em có một tâm trạng vui tươi nhẹ nhàng với mỗi ngày đến lớp. Nhìn ở phương diện khoa học : cây cỏ lá hoa được ví như lá phổi thanh lọc những khí chất độc hại cho cơ thể. Ở gọc độ đời sống tinh thần, màu xanh thiên nhiên có tác dụng giúp tâm hồn thư giản, sảng khoái. Qua đó giáo dục các em tinh thần bảo vệ môi trường sống quanh mình.

GIẢI PHÁP 5: Xây dựng môi trường học tập tích cực.

Ngoài vai trò là một giáo viên chủ nhiệm và cũng là một giáo viên bộ môn, để học sinh tích cực trong học tập, tôi luôn tìm tòi đổi mới cách thức dạy học, luôn tìm tòi các biện pháp cụ thể để xây dựng môi trường thân thiện ngay trong lớp học, làm sao để tạo cho học sinh sự hứng thú, có nhu cầu nhận thức và tích cực chủ động trong việc học tập của mình. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực của học sinh,  khai thác phát huy năng khiếu, tiềm năng sáng tạo ở mỗi học sinh. Vì mỗi học sinh là một nhân vật đặc biệt, phải giáo dục học sinh như thế nào để em cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống của cuộc sống.

GIẢI PHÁP 6: Tổ chức tiết sinh hoạt lớp hiệu quả.

Thực trạng hiện nay các tiết sinh hoạt lớp của giáo viên trường rất nhàm chán, chúng ta thường biến tiết sinh hoạt lớp thành một màn tra tấn, mà ở đó giáo viên chúng ta vì áp lực thi đua mà biến tiết sinh hoạt lớp thành một buổi luận tội học sinh, từ đó đưa ra các hình phạt để học sinh không tái phạm, theo tôi đó là một sai lầm.

Hãy biến tiết sinh hoạt lớp thành một diễn đàn mà ở đó là nơi chia sẻ những yêu thương, những buồn vui, và hỗ trợ nhau giải quyết những khó khăn của học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm phải biết lắng nghe những phản biện của học sinh, phải để cho các em quyền dân chủ, được nói lên tiếng nói của mình, không áp đặt các khuôn mẫu của mình rồi bắt học sinh làm theo vì như vậy sẽ làm cho các em mất dần khả năng sáng tạo, thiếu tự tin trong công việc sau này.

Công bằng với mọi học sinh trong lớp, thực tế tâm lý một số giáo viên thường cảm tính vì những lý do nào đó mà ta ưu ái một số học sinh nào đó mà vô tình làm tổn thương các em học sinh khác trong lớp, điều đó vô tình đã hằn sâu vào trong kí ức các em sự thiếu công bằng trong xã hội, sự thiếu tự tin, mặc cảm dẫn đến các em thường tự ti và sống khép kín, điều đó có tác hại lớn về hình thành nhân cách của các em sau này.

IV.MỘT SỐ TÌNH HUỐNG THỰC TẾ .

Tình huống thứ nhất: Vào đầu năm học 2004 - 2005 tôi được phân công chủ nhiệm lớp 10A13, trong lớp chủ nhiệm của tôi có một học sinh ở xã Nam Cát Tiên ra thị trấn ở trọ để đi học, vào ngày 09/05 sau khi dự lễ khai giảng xong thì gia đình em chở về nhà không may bị tai nạn gãy chân, vì điều kiện nhà neo người mà ở xa  nên gia đình em đã quyết định cho em nghỉ học 01 năm để năm sau đi học lại, vì sợ ở nhà nghỉ lâu ra học không theo kịp. Sau khi tìm hiểu lực học cũng như hoàn cảnh của em tôi đã điện thoại vào trao đổi với gia đình cho em đi học, kết quả không thành công, tiếp đó tôi vào nhà thuyết phục một lần nữa nhưng cũng không thành công. Lúc đó tôi cũng nản, nhưng nghĩ để em chậm lại một năm có thể sẽ thiệt thòi cho tương lai chậm đi một năm, nên tôi tiếp tục thử vận may một lần nữa khi vào nhà em thuyết phục một lần cuối, có thể nói đó là lần gặp phụ huynh mà tôi nhớ mãi. Khi tôi về đến phòng tập thể thì đã hơn 12 giờ khuya, người thì ướt sũng vì cơn mưa nặng hạt. Sau này tôi mới biết vì cảm phục trước sự nhiệt tình của mình mà gia đình đã cho con mình ra học lại. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là em này đô con, lại là học sinh nữ, mặc dầu mẹ em ra chăm sóc một thời gian nhưng đưa em đi học là một vấn đề nan giải, lớp lại học ở trên lầu, mẹ em yếu không thể đưa đi học được. Sau khi suy nghĩ ngày hôm sau tôi quyết định đến phòng trọ cõng em đến lớp, ngày đầu cả lớp cười đặc biệt mấy bạn nam, ngày thứ hai thì tôi không nhìn thấy những tiếng cười e ngại nữa, và ngày thứ ba trở đi thì các em nam đã tự nguyện đến đón bạn tới trường. Hồi đó tôi không nghĩ mình đã giáo dục các em kĩ năng sống, bởi vì lúc đó ngay cả bản thân mình cũng không biết khái niệm kỹ năng sống là gì, nhưng từ đó tôi luôn nghĩ hãy trao cho các em sự yêu thương thì ta sẽ được sự yêu thương, sự kính trọng và hơn hết là gieo vào tâm hồn học sinh sự tin tưởng vào cuộc đời này. ( Sau này em học sinh đó đậu vào hai trường đại học và hiện giờ đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh).

Tình huống thứ hai: Trong niên khóa 2008 – 2011 tôi được phân công chủ nhiệm lớp A1, tôi thường cho học sinh nêu ra những khó khăn của mình gặp phải mà chưa giải quyết được, sau đó thầy trò cùng nêu ý kiến hỗ trợ giải quyết tình huống, có một em học sinh là con cán bộ đã đưa ra tình huống của mình, em nói cảm thấy rất áp lực vì để làm vui lòng bố em nhiều thường thường xuyên khen ngợi em học giỏi, chăm ngoan, mặc dầu họ chẳng biết em học hành như thế nào, làm cho em cảm thấy khó chịu và rất áp lực nhưng không giám nói với bố mẹ, khi tâm sự xong em đã khóc, đó là một đề tài mà lớp trao đổi rất sôi nổi và đưa ra nhiều giải pháp giải quyết thú vị, có thể các giải pháp đó chưa hẳn đã tối ưu, nhưng với tôi nó là một thành công vì ở đó tôi đã giúp cho các em cùng trao đổi, cùng hợp tác để giải quyết vấn đề, giúp các em có sự tự tin cần thiết để xử lý các tình huống sau này, trên hết từ đó đã tạo cho không khí lớp học vui tươi, thân thiện, để mỗi ngày các em đến trường là ,một sự háo thức vui tươi, và tiết sinh hoạt lớp không còn là một nỗi sợ, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Trên đây là hai tình huống thực tế tôi đưa ra để mọi người cùng trao đổi.

V. KẾT LUẬN:

Tóm lại: Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua công tác chủ nhiệm lớp , người giáo viên giữ một vai trò trò rất quan trọng. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng như người làm vườn ,trồng cây ,tuy không đúng hoàn toàn nhưng hoạt động của giáo viên chủ nhiệm gần như người trồng cây, chăm sóc, vun trồng cây giống. Người làm vườn không thể cầm ngọn cây kéo lên mà phải chăm sóc, tạo điều kiện cho hạt giống nảy mầm. Cho nên, bản thân là một giáo viên chủ nhiệm tôi luôn tâm niệm dạy dỗ giáo  dục cho các em trở thành những con người hữu ích cho xã hội để xứng đáng với những hình ảnh tốt đẹp mà xã hộ ban tặng như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói : “nghề dạy học là nghề cao quý nhất tronh tất cả các nghề vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo” .

Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi qua thực tế giảng dạy. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng những giải pháp của tôi chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các đồng nghiệp góp ý kiến bổ sung thêm.

VI. KIẾN NGHỊ:

  1. 1.      Đối với lãnh đạo trường:

Cần quan tâm sâu sát hơn vấn đề giáo dục kỹ năng sống của học sinh trong nhà trường.

Tạo ra các sân chơi bổ ích cho các em được vui chơi, được thể hiện mình.

Tạo điều kiện tốt về chính sách, cũng như cơ sở vật chất thuận lợi giúp giáo viên có điều kiện tốt hơn trong công tác chủ nhiệm, cũng như công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

  1. 2.      Đối với giáo viên.

Để phù hợp với giai đoạn hiện nay tôi nghĩ mỗi giáo viên chủ nhiệm cần đổi mới nội dung, phương pháp và kĩ năng thực hiện chủ nhiệm như sau:

-          Nắm được mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu lớp học, kế hoạch nhiệm vụ giáo dục dạy học của năm học.

-          Cần nắm vững phương pháp, nghệ thuật sư phạm.

-          Hiểu được đặc điểm tâm lí, trình độ hiểu biết, vốn sống của học sinh trung học.

-          Biết tổ chức quản lí việc học tập của học sinh nhằm hình thành tích cực, tự lập,tự giác hoàn thành nhiệm vụ.

-          Có kế hoạch nghiên cứu  đặc điểm của từng gia đình và đặc điểm của từng học sinh của lớp chủ nhiệm.

-          Cần năng động,sáng tạo,luôn cập nhật thông tin thường xuyên để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng giai đoạn hiện nay.

-          Yêu nghề, tận tụy với công việc. Thương yêu học sinh như chính con em mình.

-          Tạo tiếng cười trong mỗi tiết học :’’Tiếng cười là liều thuốc bổ’’. Tiếng cười trong dạy học – giáo dục sẽ làm tan đi không  khí căng thẳng của tiết học. không những thế, tiếng cười còn tạo ra sự hưng phấn để kích thích suy nghĩ. Những người thông minh thường có tính hài hước, chính sự hài hước lại tác động vào não để kích thích tư duy. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy giáo viên cần vận dụng tính hài hước để thu hút sự chú ý của học sinh, làm tăng tính hấp dẫn của vấn đề cần truyền đạt, giúp quá trình hình thành kiến thức diễn ra tự nhiên và nhẹ nhàng, đem lại kết quả cao. Bên cạnh đó, không  khí lớp học trở nên thân thiện hơn, có hứng thú để bắt đầu những tiết học khác, và để mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

                                                                                                       TẦN THẾ ANH

           

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai