Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 11
Trong ngày: 343
Trong tuần: 3137
Lượt truy cập: 5718832


ĐẦU NĂM MỚI, BÀN VỀ CHUYỆN PHUNG PHÍ ...
Lượt xem: 83

 

ĐẦU NĂM MỚI, BÀN VỀ CHUYỆN PHUNG PHÍ THỜI GIAN VÀ SỰ DẤN THÂN CỦA TUỔI TRẺ HAY Ý TƯỞNG VỀ KHỞI SỰ TUỔI THANH XUÂN NHƯ THẾ NÀO THÊM Ý NGHĨA!

 

Mai Hữu Thành

Thân tặng các đoàn viên, thanh niên trường THPT Đoàn Kết

 

Kẻ tầm thường tìm cách giết thời gian

Người thiên tài tìm cach tận dụng thời gian”

(Khuyết danh)

 

Như một nhân duyên, ngày đẹp trời được lắng nghe bài hát với giai từ quen thuộc: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuột đời…”. Chột dạ nhớ mình vội vã trong chiều cuối đông giữa cái tuổi 36 nửa cuộc đời mà chưa trọn nhiều ước nguyện một kiếp người, bỗng chút hư hao sứt mẻ, sợ lúc về già không còn sức để làm, sợ mình vô dụng.

            Hôm ấy, cũng có dịp chuyện trò cùng cô học trò nhỏ đang học 11 trường mình. Em tự ti và uể oải, bắt đầu bằng chuỗi từ: “mệt mỏi” và “hoang mang”, “không biết mình có làm tốt việc mình chưa?”. Rồi tự buông câu “Chắc em làm không tốt. Từ nay em sợ chẳng dám dấn thân làm điều gì nữa!” vì nhiều lí do.

Cho đến hôm qua, thêm một bí thư 12, gắn bó với phong trào nhà trường đồng hành cùng tôi 3 năm học, tưởng vào thời điểm cần phải bung hết sức nỗ lực của mình thì em nhắn tin xin một lời nhận xét:

  • Học kì vừa qua chắc thầy cũng đã biết em đang trong mức độ và nằm ở khung nào. Thầy cho em một lời khuyên được không ạ?
  • (Tôi hỏi) về lĩnh vực gì?
  • Tất cả…?
  • Trung bình. Nếu không muốn nói là em đang tụt lại phía sau.

Lời nhận xét có phần ác ngữ. Với nhiều người có thể khiến họ buồn, nhưng với em tôi nghĩ đó là lời cảnh tỉnh để em xốc lại tinh thần trong năm mới với đầy khó khăn đang chờ đón để đạt được ước nguyện đời người không chỉ là bước vào cánh cổng đại học mà còn nhiều kì vọng khác.

Hôm nay, tôi có thêm thời gian lướt trên Facebook, chợt nhận ra không phải ai cũng tự vấn mình như hai em kể trên xung quanh hai chữ “dấn thân”, “trải nghiệm”, mà xung quanh còn nhiều điều thú vị nhưng pha chút gợn lòng.

Chẳng khó để nhận ra những ngày đầu năm với đa số các bạn trẻ thật rộn ràng. Ai ai cũng đăng những tấm hình được bạn bè rủ rê, bù khú ăn chơi ở những chỗ sang trọng, đi những nơi người nghèo khó ít dám tới; uống những thứ nước uống chẳng nhỉnh hơn tự làm với cái giá trên trời; mặc những bộ đồ thật đẹp để “check in” những “style” tự sướng thật lung linh, bắt mắt, sang chảnh đúng nhịp với trào lưu.

Bỗng thấy giật mình. Vô tình hay trở thành hiện tượng, phải chăng là tuổi trẻ đang“lạc trôi” quá thể? Hay các em tự dễ dãi với bản thân mình như thể cuộc đời này là thứ tiêu sản vô tận để xài xể, tận hưởng chả chút nghĩ suy? Hay do tôi bắt đầu già để rồi nằm giữa lằn ranh xung khắc ý thức giữa hai thế hệ mà có cái nhìn hà khắc, “Gato” (ghen ăn tức ở) với các em như thế?

Thật ra, phải quả quyết rằng, tuổi 36 không phải thuộc lớp đã già để trở nên xa lạ với giới trẻ, nhưng không phải trẻ để hòa chung với các em như kẻ ấu trĩ thời đại “theo đóm ăn tàn”. Kinh nghiệm và sự năng động trong phong trào thanh niên càng bổ bồi cho suy nghĩ của tôi và quả quyết mình là người tích cực. Đồng thời, nhìn nhận vấn đề của tuổi trẻ là tương đối gần gũi, tương đồng, không phải là sự xa cách của ý thức hệ nên vế suy đoán do mình già là vô lý, nên tôi có tìm thêm những biện dẫn khác thuyết phục hơn và đồng thời nhìn nhận các bạn trẻ theo chiều khách quan của sự việc.

Với cách nghĩ đó, tôi đang tự hỏi một số bạn trẻ hiện nay có phải là đang ngại “dấn thân” và thích hưởng thụ? Ý thức về thời gian hay đang tiêu phí nó vô nghĩa? Liệu có định nghĩa nào về “ SỰ TỒN TẠI” và “SỐNG” để cân bằng giữa BẢN NĂNG và yếu tố NGƯỜI?; giữa CẢM TÍNH và LI TÍNH trong LẼ SỐNG của giới trẻ? Hoặc liệu định nghĩa thành công là một QUÁ TRÌNH hay KẾT QUẢ cuối cùng? Để các bạn trẻ thuộc nằm lòng mà viết nên cuộc đời của mình dù không lung linh thì ít nhất cũng trở nên ý nghĩa và đáng sống?

Thưa quý đồng nghiệp và các em học sinh!

Tôi có xem một video clip truyền cảm hứng sống với nội dung đại loại thế này:

Có một con ruồi nọ, tạo hóa ban tặng cho nó chỉ có 60 giây để sống kể từ lọt trứng. Từ lúc ra đời, sau khi tung cánh sải những nhịp đầu tiên, nó đã phải mất hơn 3 giây làm quen cuộc sống và để liệt kê toàn bộ những việc nó cần làm được trong khoảng thời gian ngắn ngủi đời mình.

Trong đó thứ tự ưu tiên phải là:

1/ Cắn và hút máu một con vật coati;

2/ Say men và tiệc tùng cùng đồng bọn;

3/ Bay lên một cây cao nhất trong rừng;

4/ Bay thật nhanh, cao để sống sót trong một cuộc chim tấn công;

5/ Sau kết hợp chạy trốn và thả mình rơi tự do như môn thể thao ưa thích;

6/ Kiếm một cô bạn đời và sinh con đẻ cháu lúc rơi vào lùm cậy kín đáo;

7/ Ngắm cá voi;

8/ Sẵn tiện giải cứu một con bọ nước;

9/ Tìm bạn tri kỉ khác loài;

10/ Thư giãn và hát một bài hát;

11/ Ăn một bữa cuối cùng;

12/ Vui vẻ và tha lỗi cho ai đó;

Chú đã phối hợp rất nhịp nhàng từng sải cánh, hoàn cảnh để có thể tận dụng từng giây ngắn ngủi dấn thân vào tất cả mọi việc một cách nhịp nhàng và khẩn trương cho đến khi chỉ còn 10 giây cuối cùng mà còn hai việc chưa làm được đó là (13) “Ngắm sao đêm” và (14) “Trở nên nổi tiếng”.

Thật bất công là hai ước nguyện cuối quá khó vì 60 giây trôi qua không hết đủ 1 ngày, thời điểm giữa trưa không thể đợi đêm đến để ngắm sao. Đồng thời muốn nổi tiếng, lúc ấy chú quá già để thực hiện. Chú chỉ còn cơ hội dùng sức mình hấp hối giữa không trung – nơi bầu trời là nhà của nó, trước khi chết.

Con ruồi trong những giây cuối cùng nó đã thả mình tự do rơi xuống. Tự nhủ mình chết sẽ không thể nhắm mắt vì chưa hoàn thành ý nguyện.

Thật kì lạ, thân thể nó vừa rơi xuống thì giọt hổ phách vàng từ thân một cây cổ thụ rơi xuống bao trọn thân hình nó. Điều đặc biệt là ngay tối hôm đó khi ánh trăng lên. Miếng hổ phách đã gom hết trăng sao bầu trời vào miếng hổ phách bao bọc xung quanh, kết hợp cùng đôi mặt mở to chưa kịp nhắm lại, cả tinh tú thu vào tầm mắt của chú ruồi trở nên lung linh, coi như ước nguyện ngắm sao đã trở thành sự thật.

Kì diệu hơn nữa, 10 triệu năm sau, người ta đã khai quật được miếng hổ phách chứa nguyên hình chú ruồi nọ và đem về triển lãm khảo cổ học. Báo chí đưa tin, chú từ đó trở nên nổi tiếng .

Ước nguyện cuối cùng như thế đã thành công.

Câu chuyện đơn giản nhưng lại có ý nghĩa cực kì to lớn hơn mọi thứ bởi sức tác động của nó. Người ta dần hiểu rằng con ruồi đã cố gắng làm thật nhiều những gì có thể trong khoảng thời gian nó tồn tại, vì với nó sự “dấn thân” vào những trải nghiệm cuộc sống là vô cùng quý giá. Nó biết tận hưởng từng giây để cuộc sống trôi qua không vô vị và chán chường. Và vì thế, dẫu những ước ao sau cùng không thực hiện được, nó cũng chẳng có gì phải hối tiếc.

Việc đạt được ước nguyện ngắm saonổi tiếng có thể là vô tình nhưng nó lại là kết cục tất yếu cho những nỗ lực hoàn thiện bản thân của nó, dẫu phải mất thời gian hơn 10 triệu năm sau.

Thực ra, người ta quan niệm thành công không phải ở hai điều ước cuối mà là ở quá trình sống của nó, nó đã là chú ruồi dũng cảm nhất, là kẻ biết sống nhất; là con vật biết dấn thân trải nghiệm những gì cho nó được phép làm với tốc độ khẩn trương tột đỉnh nhất.

Quay trở lại với các bạn trẻ, phải chăng ta đang phung phí nhiều thời gian vô ích cho những thứ đáng lẽ chỉ nên trải nghiệm chừng mực? và dành quá ít thời gian cho những kế hoạch cần sự “dấn thân” mang tính dài hơi?

Lê Thiếu Nhơn và Nguyễn Ngọc Tư cách đây chừng 10 năm từng có một cuốn sách khá hay khi nói về lối sống trẻ khi gọi họ là những người “Sống chậm thời @” để nói về hiện tượng đó. Có lẽ đến nay còn nguyên giá trị. Nhưng nếu giả sử những ai không thích đọc thể loại tản văn mà thích những con số cụ thể để minh chứng, thì chỉ cần làm một vài phép tính nhỏ để thấy sự phung phí, thiệt hại của chúng ta về cuộc đời, mà không phải dễ ai cũng nhận ra được.

Tỉ dụ: (1) Bạn dùng 2 tiếng/ngày cho việc lướt Facebook, vị chi 43.800 giờ cho 60 năm cuộc đời dán mắt vào điện thoại? Facebook cũng đang là một “món ăn tinh thần” gây nghiện cực lớn trong giới trẻ Việt. Trong một khảo sát của trang web GlobalWebIndex vào tháng 10/2014, Việt Nam đứng thứ 10 trong top 10 nước nghiện Facebook nhất thế giới. Trong khi đó theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Epinion - Đan Mạch thì tính đến tháng 5/2014, Việt Nam cũng đang có khoảng hơn 25 triệu người sử dụng Facebook, tương đương với 27% dân số. Trong đó chủ yếu thanh niên;

(2) Bạn dùng 3 tiếng đi chơi mỗi tuần, vị chi mất 65.700 giờ cho việc thong dong vô định. Chưa kể bạn lao vào xem livestream để coi mua bán quần áo son phấn, nêu giả sử một tuần bạn mất 2 tiếng nữa cho việc này, bạn mất nốt 43.800 giờ. Sơ qua một vài hoạt động bạn mất 152.500 giờ.

Trịnh Công Sơn từng viết, “mỗi ngày ta chọn một niềm vui”, dĩ nhiên những điều trên với một số bạn là đúng, nhưng về ý nghĩa đời người cần nên xem lại bởi thời gian bạn tiêu tốn đó chỉ để xây dựng hình ảnh một “kẻ ăn không ngồi rồi vĩ đại”.

Trong thực tế, sự phung phí thời gian không chỉ dừng ở việc như đã nói. Mà còn thể hiện ở những góc nhìn tâm lý khác:

Chẳng hạn, ta than phiền quá nhiều về bản thân, hoàn cảnh sống. Đổ thừa cho yếu tố ngoại cảnh mà không nghiêm túc với mình, tự bấu víu lấy một lý do bào chữa cho việc thất bại, đổ vỡ để rụt cổ lại, không dám dấn thân, tự hài lòng với cái mình có cũng là một biểu hiện.

Các cụ nói, thành công phải cám ơn hoàn cảnh, thất bại phải nhìn lại chính mình. Thay vì than phiền, tại sao lại không dành thời gian đó để làm một điều gì đó thay đổi?

Hiển nhiên, chúng ta đều đã từng gặp những người trong thoáng chốc ở trong tình trạng bất mãn với cuộc đời, than vãn với bạn về cảm giác của họ lúc đó. Họ có thể phàn nàn về công việc, mức lương, hàng xóm, bạn đời, việc học, việc chi tiêu, sở thích không được đáp ứng, sự so sánh với con “người ta”…nhưng ở một số bạn trẻ có vẻ tận dụng nó là câu cửa miệng và biến nó thành một trong những “kĩ năng” sở trường trong việc ứng biến sống.

Thực tế cho thấy, điều đó dễ phát sinh năng lượng tiêu cực. Sự tiêu cực không cải thiện được điều gì mà chỉ khiến cho họ bị mắc kẹt lại so với dòng chảy chung cuả xã hội. Thay vì vậy phải cần thay đổi cách suy nghĩ và nói về những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn trong cuộc sống, bạn nên bớt nói về những thứ mà bạn không thích.

Ngoài ra, bệnh không chịu suy nghĩ cũng dễ làm giới trẻ trở nên lãng phí và ngại sự dấn thân

Suy nghĩ là tiền đề của ý tưởng và thành công; là khởi nguồn cho hành động. Nhưng bản thân ý tưởng như Mác nói nó không thể làm lay động một ngọn cỏ, nó chỉ trở thành sức mạnh khi đi áp dụng vào thực tiễn.

Không thường xuyên học hỏi và phát triển bản thân, trí óc trở nên trì trệ, giống như một cái ao bị tù nước, không thể lưu chuyển được và bị các loại tảo phủ đầy trên bề mặt….

(Còn tiếp…!)

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai