Chào Mừng Ngày Thành Lập Đoàn Thanh Niên 26-03-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 101
Trong ngày: 791
Trong tuần: 3540
Lượt truy cập: 5727421


Lượt xem: 164

Đên Đồng Nai, sẽ là thiếu sót nếu không đến thăm một trong những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa, giáo dục và lịch sử mà những người con của vùng đất này luôn tự hào, đó là Văn Miếu Trấn Biên. Theo xa lộ Hà Nội, từ TP.HCM đi ra khoảng hơn 30 km, đến Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, rồi theo tỉnh lộ 24, đến Bửu Long, rẽ vào 200m, xa xa thấp thoáng sau những rặng tre xanh mướt là những mái vòm cong vút nằm ẩn mình giữa khung cảnh yên tĩnh. Đó là Văn Miếu Trấn Biên. Nếu như đất bắc có Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì trong nam có Văn Miếu Trấn Biên nêu cao tinh thần hiếu học, khí phách của người Nam bộ.

Theo sử sách, năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Đồng Nai, vùng đất này đã khá trù phú với thương cảng Cù Lao Phố sầm uất. Dưới sông, thuyền bè tấp nập, còn trên bờ là hoạt động buôn bán khá nhộn nhịp. Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc, năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn Miếu Trấn Biên. Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí thì Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp: phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tốt tươi... Ra đời sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám hơn 700 năm, nhưng Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất ở miền Nam, trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và ở kinh đô Huế.

Sự thăng trầm của lịch sử vùng đất Nam bộ đã in hằn lên số phận của Văn Miếu Trấn Biên. Công trình này bị giặc Pháp đốt phá khi đánh chiếm Biên Hòa năm 1861. Sau 146 năm tồn tại, văn miếu đầu tiên ở Nam bộ bị hủy hoại dưới tay thực dân. Đến năm 1998, văn miếu mới được khôi phục lại và hoàn thành vào năm 2002 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai.

 

Từ cổng vào lần lượt là nhà bia, Khuê Văn các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Đứng trên Khuê Văn các, du khách có thể thấy toàn cảnh bức tranh Văn Miếu Trấn Biên. Trước cổng tam quan là hồ Tịnh Quang nước trong vắt có thể nhìn rõ từng đàn cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội. Phóng tầm mắt ra xa là những hàng cây xanh tỏa bóng mát quanh năm, những luống hoa khoe sắc… Qua nhà bia thứ hai là nhà thờ chính, được xây dựng theo kiến trúc cổ và đặc biệt nổi bật nhất là biểu tượng trống đồng gắn trên tường tượng trưng cho hồn dân tộc. Bên trái nhà thờ chính thờ các danh nhân văn hóa của Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn... Bên phải thờ các danh nhân làm rạng rỡ xứ Đàng Trong như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông... Ngoài việc thờ phụng các danh nhân văn hóa, ngày nay Văn Miếu Trấn Biên còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương nhân tài trên các lĩnh vực, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục mang tính truyền thống. Vào mùng 3 tết âm lịch hằng năm, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong khu vực hội tụ về đây dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng tri ân đến các bậc hiền nhân cũng như bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo.

Đượm nét cổ kính, cảnh quan đẹp, lại nằm gần kề khu du lịch Bửu Long nên Văn Miếu Trấn Biên mỗi ngày đón một lượng lớn khách tham quan

Vào đời vua Hiển Tông năm Ất Vị thứ 25 (tức năm 1715), Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa - giáo dục của vùng đất này.



Môt bài viêt khác
- Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở Nam bộ, nơi xây dựng văn miếu là chỗ đất tốt. Di tích được khảo tả “Phía nam hướng đến sông Phước(Phước Long Giang – NV), phía bắc dựa theo núi rừng( Núi Long Ẩn – NV), núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt".
- Văn miếu đã trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852. Năm Giáp Dần đời hưng nhà Nguyễn (1794) Văn miếu được trùng tu với kiến trúc quy mô, có “Đại thành điện”, “Đại thành môn”, “Thần miếu”, "Dục Thánh từ”, “Khuê Văn các”, “Dụng lễ đường”, “Sùng văn đường”.

- Hàng năm, vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu, đích thân chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Sau năm 1802, vua Nguyễn ủy nhiệm cho quan Tổng trấn thành Gia Định, Tổng trấn Biên Hòa và quan Đốc học hàng năm đến đây hành lễ thay nhà vua.
- Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trong bối cảnh vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã khá ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (có Nông Nại Đại Phố, có dinh trấn...) như một sự xác lập vị thế địa văn hóa - chính trị của vùng đất; đồng thời là sự tiếp nối văn miếu Thăng Long và truyền thống trọng học, trọng trí thức nhân tài của tổ tiên trải qua nhiều thế kỷ xây dựng quốc gia tộc lập tự chủ. Gắn liền với văn miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển khá sớm ở Biên Hòa - Đồng Nai lúc bấy giờ. Và trên nền giáo dục ấy cũng đã sản sinh ra những tên tuổi làm rạng rỡ vùng đất phương Nam, đồng thời tô điểm thêm truyên thống văn hóa ngàn năm của dân tộc ta như: Võ Trường Toản, Trịnh Hòai Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu...

- Do thời gian và những biến cố lịch sử, văn miếu Trấn Biên bị tàn phá không còn lại dấu vết (theo “Biên Hòa sử lược” của nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu, năm 1861 khi tiến chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá văn miếu Trấn Biên), người đời nay chỉ hình dung văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách. Song với những gì được mô tả và người đời lúc bấy giờ xưng tụng, người Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay rất đỗi tự hào về ngôi đền văn miếu của mình.

- Để kỷ niệm 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng lại văn miếu Trấn Biên trên nền Văn miếu xưa thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long Lễ khởi công diễn ra vào ngày 9-12-1998 và khánh thành công trình giai đoạn 1 vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ 2002 (nhằm ngày 14-2-2002). Trong dịp kỷ niệm 290 năm văn miếu Trấn Biên, các công trình giai đoạn 2 tiếp tục được xây dựng và mở rộng thêm diện tích.
- Việc phỏng dựng lại văn miếu Trấn Biên không chỉ là việc làm hướng về cội nguồn, truyền thống đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân mà còn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng đã đề ra.


- Văn miếu Trấn Biên được xây dựng lại theo hình thức truyền thống nhưng thể hiện biểu trưng mới về văn hóa giáo dục và tinh thần trọng việc học hành theo quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Văn miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc và của địa phương; đồng thời là một thiết chế văn hóa, du lịch gắn với khu danh thắng Bửu Long đã được công nhận là di tích quốc gia. Do vậy, ngoài việc thờ phụng các danh nhân văn hóa – giáo dục xưa và nay, Văn miếu Trấn Biên còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực. Thực tế từ khi khánh thành (năm 2002) đến nay, Văn miếu Trấn Biên là nơi thường xuyên diễn ra các lễ viếng các bậc tiền nhân, tổ chức tuyên dương, khen thưởng, báo công những thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Ngoài ra, văn miếu cũng là nơi đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh cũng như các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Đồng Nai.
- Với hình thức, nội dung và hoạt động mới như vậy, có thể nói văn miếu Trấn Biên còn là động lực tinh thần lớn lao thể hiện khát vọng vươn lên về trí tuệ và tài năng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà; quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai