Chào Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2024 !

Email
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu

Quên mật khẩu | Đăng ký

Đang truy cập: 19
Trong ngày: 634
Trong tuần: 3570
Lượt truy cập: 6535817


HÈ XA VẮNG
Lượt xem: 135

 

          

 

 

           

             - Ngày qua đi...!

             - Cũng như mọi ngày...

            Hôm nay – trời xanh ngắt. Nắng rộng thênh thang. Gió trưa nồng hanh khô trên đầu ngọn cây bằng lăng trụi lá. Sân trường, hàng xà cừ nứt nẻ vảy sần nâu đỏ, lốm đốm có chỗ bạc trắng thân mình, vẫn dồi dào sức sống, khỏe khoắn đội tàn lá như chiếc mũ nồi xanh vươn tận mây trời.

            Trưa nay tan học, ngước nhìn bầu trời xanh ngát, chợt nhân ra góc sân trường chớm nở một nhành phượng vĩ. Chút chớm đỏtrong tàn mầm non xanh nhẹ cô đơn treo mình ngộ nghĩnh giữa khoảng không nắng, làm thổn thức biết bao là kí ức. Cây này trước kia, phải nói là hễ cứ hè về hoa nhiều vô kể. Riêng năm nay, hè chưa đến, nhưng bỗng chợt đâm bông, dù thời gian còn hơn 2 tháng.

            Hồi còn đi học, mình vẫn thường mơ thấy mùa hè trong những ngày giáp tháng 5 rực rỡ. Nguyên cớ vì vị mưa kéo theo hơi nồng của đất thấy lạ mũi hoặc cũng có thể vì còn ám ảnh với vài cánh áo dài mải chạy dưới cơn mưa đầu làm bỏng nét thanh xuân thiếu nữ tuổi tròn trăng.

            Bạn bè hồi đó cùng tôi mê hè đến dại vì có nhiều thứ để vui, trải nghiệm và yêu réo rắt.

            Tôi không thuộc tuýp người ham vui, bám víu nơi thành thị nên đa phần hè đồng nghĩa với quê và ruộng đồng. Ở đó, con người mình như hòa vào hơi thở của chính mình; là nơi mình có thể tiêu ngốn những khoảng thời gian miết mải mà không hề thấy lòng mình nhàm chán. Dường như quê và ruộng đồng mới là thứ quà đẹp cho “gia sản” tinh thần của bản thân đúng nghĩa. Không đâu vui như quê. Không đâu hay như ruộng như đồng. Không chỗ nào vô tư ùa về như tuổi thơ ngày ấy. Tôi vui thích vì điều này, vì chí ít tự thấy mình dù qua quá nửa đời người, từng trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống, mình vẫn chưa bị “đá văng” ra khỏi cái “tư chất nhà nông” thâm trầm và sâu nặng.

            Có lẽ vì điều này, hễ cứ mỗi độ hè sang, “tư chất” ấy cứ chợt hiện về bao nỗi nhớ.

            Nhớ hương lúa ngoài đồng mềm hương sữa non, lay động và ngọt bùn lầy đến tận lồng ngực; nhớ tiếng chim Quốc ngoài bờ suối gọi bạn mùa sinh sôi lúc chiều giông xám tối; Nhớ những ụ rơm vàng sau mưa, nấm trồi lên trắng xóa, bạn bè í ơi gọi nhau bên rổ rá ùa chạy tranh giành; Nhớ những con cua trong lỗ cạnh bờ ruộng, những buổi trưa thi nhau đào lỗ móc máy hì hụp trong tiếng nước bùn mới ọc ạch ùn ra, váng vàng trên những cánh tay đen cháy nắng của những cô bé, cậu bé đầu trần, mồ hôi khét mùi da thịt quện bùn đất; Nhớ tiếng cười giòn tan lộ hàng răng sún nửa mùa thiếu ăn bên khuôn mặt ngăm đen, nhưng đầy độ vô tư, trong vắt và rạng rỡ.

            Nhớ mùa nước lên, chuột chạy khắp đồng, kiến lửa bu đống nổi trôi trên nước, bồng bềnh theo sóng dạt vào đỏ cả bờ đê. Nhớ con cá trê đen râu dài nằm ngọ nguậy lúc tát mương; nhớ cả đàn cò trắng thong dong giữa đồng như người phó mặc sự đời hối hả; Con trâu chăm chú nhâm nhi đám cỏ, sữa bọt ứa quanh mép miệng mặc đám ruồi đe bu vội vã dưới chân mình; Nhớ cả những ngày tắm sông rộn rã khắp bến thuyền với bè chuối, cây sung và những cú nhào người trên không như nhảy vào mê đắm. Những nỗi nhớ gia diết xanh một góc trời.

            Không chỉ là nhớ mà hè đến còn là cả những ngày dài vô vàn những trò đùa nghịch dại, tươi vui. Cả đám bạn và tôi theo đuổi những câu chuyện của riêng mình.

            Hồi còn lên 9, chăn trâu trong làng, hơn 20 chục thằng lội bờ suối mùa nước lên tìm tổ cò, tổ vạc, vịt trời. Nhặt trứng cả ổ đùm trong áo. Có đứa tham, quật ngã cả bụi đế cao quá tầm đầu lùa bắt cả cò con băng qua những đám lục bình, chà tre quanh suối. Mình mẩy ướt sũng, xước cỏ và gai ứa máu. Về nhà, trưa đã quá nửa giờ ăn cơm, phần còn lại chỉ biết ăn... đòn. Riêng mình, còn dại hơn những thằng còn lại, có lần giăng lưới cá vớ được một con cò lửa, hồi chưa biết gì, trông hay hay mà gỡ ra rồi để gần, chợt nhiên nó mổ vào mắt mém mù lòa, tội bố mẹ phải chạy ngược xuôi, kiếm cho được mật gấu tươi về chữa trị hơn 3 tháng trời mới khỏi.

            Những ngày còn ông nội, mỗi ngày với chúng tôi là một ngày trải nghiệm.

            Sáng sớm, mấy anh em và chú út phải đi xin, nhặt và gánh phân bò... về cho ông nhồi với nhựa đường làm thứ keo dính trét thuyền nan tre đi sông đi suối giản đơn mà kinh tế lạ. Tối về, được ông dắt chỉ đào trùn đất, cắt nhỏ với khoai và ruột gà làm mồi đặt trúm lươn đồng. Tận sáng hôm sau, thức dậy lúc 3, 4 giờ sáng rảo thuyền nan đến hết các ngõ ngách bờ lau, truông cỏ mà kéo ống, rút ton dốc thả những chú lươn vàng óng to tròn trông ngon mắt. Thuyền nan tre dặt dẹo, nước mênh mông, sương mờ chưa đón nắng, đời nhà nông chông chênh trên nước những ngày mưa lũ từ chỗ là đói nghèo, nhưng vẫn cảm một góc nhỏ nên thơ, an yên và mộng mị.

            Ngày đó, chỉ có trời đất mênh mông và ruộng đồng bát ngát. Cả đám thiêu đốt da mỏng dưới đồng mò cua bắt ốc, khét tới tận tóc tai. Có độ, phá phách úp sọt cả ổ gà của làng bên, ra tận giữa đìa nước đắp bùn mà nướng. Mình và thằng to nhất đám bắt tụi nhỏ mũi còn nhỏ dãi xanh thò lò nhặt củi nướng gà, hái chanh, xin muối chấm... tất tật các phần làm. Nhưng phần chia tụi nhỏ lại chỉ toàn chân, cánh với cổ. Nghĩ lại còn tội, nhưng thời đó hình như chưa thức tỉnh lòng thương người và trắc ẩn sâu xa ghê gớm. Giờ nghĩ lại, thấy vui hơn thương, thấy được nhiều hơn mất, mà cũng chẳng ai khi nhắc lại trách cứ, vì như đó là một phần “quà kí ức” của tuổi thơ dữ dội. Chỉ thấy cười khoái chí lúc gặp nhau. Thậm chí, chính nó là sợi dây kết nối anh em trong làng xã chúng tôi đến tận bây giờ. Không bao giờ chia cắt.

            Tuổi thơ và hè cũng là những ngày cùng trâu, bò, diều, gió để mỗi người thong dong gửi những ước mơ lên tận trời mây.

            Nhưng hẳn nhiên, những câu chuyện như thế không phải lúc nào cũng là thơ mộng. Hồi ấy, có lần nằm cưỡi trên lưng trâu thong thả gặm nhấm với chút đòng đòng lúa còn căng sữa. Thông lệ thường thấy, trâu vốn bản tính hiền thì không chối cãi, nhưng có cái đuôi của nó là chưa im lặng bao giờ. Chả biết thế nào, quật qua quật lại trúng nguyên tổ ong vàng trong bụi rậm. Đau và giật mình, hai chân nó dựng lên, nhảy đá tứ tung làm thân mình rơi cái “hự”. Mặt đất đón mình ngay giữa bờ mương hớn hở. Hơi thở lúc đó chỉ đếm bằng cơn mà lũ bạn thì nhăn răng cười như đười ươi phơi nắng. Mình hận một ...ngày.

            Vui sướng nhất là được ăn khoai trùn ngập nước. Thường thì vào hè, những cơn mưa đầu mùa bao giờ cũng lênh láng nước. Khoai, ngô nhà nào trồng ở vùng trũng, nước úng tầm 3,4 hôm coi như hết cách. Bọn trẻ chúng tôi mong chỉ có thế.  đàn kéo đống, thi nhau dũi chân vào luống mà gắp, đào từng củ nhỏ như ngón chân mang về luộc với nướng mà ăn. Khoai ngâm nước thường có vị lạ. Thủm và thối, cắn hơi sượng sựt, nhưng ngọt hơn và ngon hơn. Cảm giác cũng giống như khi bạn thưởng thức một món ăn làm từ trứng nhưng không phải từ trứng tươi mà trứng thảo, trứng ung, trứng lộn, tùy người cảm nhận.

            Hè về còn là cả bầu trời bị đòn roi no như cơm bữa. Hồi ấy, sân bóng chỉ là ruộng và bãi chăn trâu, bò lâu ngày mà thành. Mấy anh lớn thường chặt tre gác gọng mà làm khung thành. Bóng nhựa được hùn nhau vài trăm đồng mua về, đá cho bể thì mua ruột bóng hơi nhồi vào mà đá. Mùa đá bóng là mùa mà cả làng đi làm về ra ngồi xem trẻ nhỏ trổ tài. Những đường bóng lên xuống ảo diệu, đôi chân đất dính bùn tia những cú sút kinh hồn bạt vía, văng vãi cả xình lầy, phân trâu bò trát cả vào mặt, vào người. Có khi vì ăn thua đủ, lắm đứa xông vào đánh nhau, sò đầu bứt tóc, xé áo. Có thằng bị xé rách không có quần để về ngồi khóc tu tu không chịu nín.

            Hồi ấy, thằng em và mình cũng ham bóng banh đáo để. Bố mẹ bảo đi làm cỏ lúa ngoài đồng, chiều nghe tiếng bóng thụp thụp trong làng, cả hai thằng bỏ cả việc, chạy bộ gần 4 cây số mà đi. Về nhà, Bố ngồi đợi ngõ, mình nhanh chân chạy được. Thằng em, bị đánh đái cả ra quần. Nghĩ đến giờ còn sợ và ám ảnh. Nhiều khi không biết nguyên cớ nào, sức mạnh nào để mình thằng nhóc chịu đựng cơn đau không lúc này thì lúc khác. Sau này lớn lên, tôi mới nghiệm một điều: có lẽ vì hè xưa, tuổi thơ xưa không có những trò chơi game, khu vui chơi hay vô vàn trò chơi điện tử như bây giờ, nên những thứ đã trải qua, kể cả những cơn đau đều là đặc sản nên ai cũng chấp nhận chí ít là một lần trong đời cho thỏa.

            Ngày xưa....

            Ôi hè...

            Có bao nhiêu thứ để....nhớ nhung như người tình xa vắng. Trót dại yêu thương mà không nguôi cơn thổn thức.

            Nay lớn rồi, thấy hè qua đi chả thấy gì, chỉ thấy già. Rồi người mình quắn lại theo nếp nghĩ của đám “bạn lớn” bây giờ. Vui cho bằng anh em với vài buổi nhậu quắc cần câu bên sàn chòi mát rượi; thăm thố vài nơi chưa đi như trả nghĩa;làm một vài việc chưa có thời gian làm lúc bận rộn. Đốt hè vu vơ như người nhạt nhẽo.

            Tự nhủ, có hôm nào vui hè nay bằng một cơn say bí tỉ, để ngủ một giấc thật sâu, mong lúc tỉnh dậy... mở mắt thấy hè xưa?

                                               Tân phú, ngày 29 tháng 1 năm 2019

                                                     Người viết: Mai Hữu Thành

 

 

ĐC Mail Ban Quản Trị: quantriwebdk@gmail.com
Quản Trị : Thầy Lê Quốc Hoàng - DĐ: 0903.830.245
Email: lequochoangtp@gmail.com Hoặc lehoang125tp@gmail.com
Phòng CNTT Trường THPT Đoàn Kết
Địa Chỉ: Khu 7, TT. Tân Phú - H.Tân Phú - Đồng Nai